Sự kiện hot
10 năm trước

Bác quan điểm của Luật sư, Viện Kiểm sát đề nghị phạt bầu Kiên 30 năm tù

Khẳng định và giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên ở 4 tội danh, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã bác bỏ quan điểm bào chữa của các luật sư, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù.


Nguyễn Đức Kiên tại tòa. (Ảnh TTXVN)

Sau một thời gian dài làm việc, ngày 2/6, HĐXX sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã kết thúc phần tranh tụng, chuyển sáng phần nghị án.

Đề nghị phạt Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù

Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại tòa đã trình bày quan điểm luận tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên phó chủ tịch HĐQT, phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB, 18-24 tháng tù về tội “kinh doanh trái phép”; 14-15 năm tù về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; 16-18 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 4-5 năm tù về tội “trốn thuế”. Tổng hợp mức hình phạt là 30 năm tù giam.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội 19 năm tù; Nguyễn Thị Hải Yến, kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội 7-8 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ, nguyên phó chủ tịch ACB 7-8 năm tù; Trịnh Kim Quang, nguyên phó chủ tịch ACB 6-7 năm tù; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc ACB 12-14 năm tù; Phạm Trung Cang, nguyên phó chủ tịch ACB 3 năm tù cho hưởng án treo; Huỳnh Quang Tuấn – nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB 3 năm tù cho hưởng án treo về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối đáp lại quan điểm các bị cáo không phạm tội của các Luật sư, đại diện VKS khẳng định, về hành vi kinh doanh trái phép thông qua 5 doanh nghiệp của bị cáo Kiên, VKS căn cứ điều 3 luật đầu tư 2005 về định nghĩa đầu tư trái phép và điều 4 Luật Doanh nghiệp việc mua cổ phần cổ phiếu góp vốn vào doanh nghiệp khác là hoạt động kinh doanh. 5 doanh nghiệp của ông Kiên không đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh tài chính là mua bán cổ phần cổ phiếu, góp vốn vào doanh khác và cũng không đăng ký kê khai bổ sung. Trong khi đó, ngành này đã được mã hóa xếp vào nhóm ngành đầu 4, mã 64449, mã chức năng 644490.

Theo Nghị định 88 ngày 29/8, đối với những ngành kinh doanh không có trong hệ thống ngành kinh tế quốc dân và trong hệ thống mã ngành thì cơ quan đăng ký kinh doanh ghi ngành đó vào giấy đăng ký kinh doanh và thông báo cho Tổng cục thống kê để bổ sung ngành mới. Do đó, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo về tội kinh doanh tài chính qua 5 công ty trên.

Về việc kinh doanh trái phép của Kiên qua công ty Thiên Nam, Viện Kiểm sát cho rằng, công ty Thiên Nam không được cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, do đó theo quy định tại điều 159 Bộ Luật hình sự, VKS giữ nguyên quan điểm về hành vi kinh doanh vàng trái phép thông qua Thiên Nam.

Về tội trốn thuế, VKS cho rằng, công ty B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với ACB. Tổng khối lượng giao dịch trạng thái vàng mua và bán, sau khi trừ chi phí vốn, phí ủy thác, thu lãi được hơn 100 tỷ.

Mặc dù có những lập luận của các Luật sư và bị cáo Kiên, VKS vẫn thấy B&B không có đăng ký kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Cá nhân bà Nguyễn Thúy Hương cũng không có đăng ký kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài và không đăng ký kinh doanh vàng trong nước. Sau hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính của Hương với B&B, Hương không ký trực tiếp với ACB nhưng được hưởng 99% khoản lãi.

Hợp đồng này đúng pháp luật nhưng Viện Kiểm sát thấy theo Nghị quyết 32 đến hết tháng 6/2009, chưa có hướng dẫn thi hành nhưng B&B không kê khai đã chuyển 68 tỷ cho Hương. Hương chuyển lại số tiền này cho Kiên. Việc làm này trái quy định điều 27 Nghị định 100 quy định chi tiết 1 số điều luật thuế Thu nhập cá nhân và khấu trừ thuế.

Trong năm 2009 và 2010, B&B đã kê khai thuế nhưng không kê khai số tiền kinh doanh vàng phát sinh từ các hợp đồng trên. Giám định viên Bộ tài chính đã kết luận, thuế thu nhập doanh nghiệp của B&B là 25 tỷ. Do đó, đủ cơ sở kết luận bị cáo Kiên đã chỉ đạo Đặng Ngọc Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Hương để chuyển lợi nhuận của B&B cho Hương rồi Hương chuyển lại cho Kiên. VKS kết luận bị cáo Kiên đã phạm tội trốn thuế.

Về tội lừa đảo, VKS nêu quan điểm cho rằng công ty Hòa Phát có nói khi thỏa thuận chỉ bàn bạc chuyện giá cả, không biết việc 20 triệu cổ phiếu đã bị thế chấp. Căn cứ vào lời khai của các bị cáo và ông Long, ông Dương, ông Công và tài liệu thu thập được, có đủ cơ sở kết luận Kiên, Thanh, Yến đều phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Bản luận tội đã phản ánh đúng diễn biến thực tế, không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo” – công tố viên khẳng định.

Yêu cầu vợ không “chạy án”

Ngày 2/6, trước khi HĐXX vào nghị án, tòa đã dành thời gian để các bị cáo được nói lời sau cùng.

Trong gần 40 phút bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã trình bày hàng loạt những kiến nghị, lời gửi gắm, lời cảm ơn đến các cơ quan chức năng, gia đình, người thân, bạn bè, khách hàng.

Ông Kiên nói “cảm ơn những người bạn, người thân, cổ động viên đã giúp đỡ động viên gia đình tôi trong 21 tháng qua, tôi ghi nhận và trân trọng sự giúp đỡ của mọi người. Cho phép tôi được xin lỗi các cổ động viên đội bóng đá Hà Nội vì những lý do bất khả kháng, đội bóng đã không được tiếp tục thi đấu. Tôi đã yêu cầu vợ tôi tiếp tục duy trì đội bóng trẻ để một ngày nào đó đội bóng được xây dựng lại bởi vì đây là tâm nguyện của tôi. Trong trường hợp tôi không làm được, con trai cả tôi sẽ làm thay.

Với gia đình tôi, mẹ tôi, các em tôi, vì sao tôi không cho các em tôi kinh doanh, giữ các vị trí quan trọng của ngân hàng vì tôi cho rằng các em tôi chưa đủ năng lực trình độ để giữ vị trí quan trọng. Nhưng hơn ai hết, tôi nhìn thấy các rủi ro trong kinh doanh nên tôi không muốn các em tôi, vợ tôi phải chịu những rủi ro này”.

Ông Kiên tiếp tục khẳng định không phạm vào các tội danh mà VKS đã truy tố. Về tội danh lừa đảo, Kiên khẳng định Kiên, Thanh, Yến không chiếm đoạt tài sản của ai cả và cho rằng trong vụ việc này, cơ quan điều tra đã có sai sót. Trên cơ sở đó, bị cáo Kiên cũng mong cơ quan điều tra trả lại hồ sơ của Kiên.

Bị cáo Kiên đưa ra kiến nghị và gửi gắm việc sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần (không phải bằng phép cộng số học). Mục tiêu việc chấn chỉnh hệ thống ngân hàng là để ngân hàng phát triển lành mạnh không để ngân hàng nước ngoài chi phối.

Cũng trong lời nói sau cùng, ông Kiên kiến nghị việc cơ quan điều tra phong tỏa tài sản của gia đình, vì đây là mồ hôi nước mắt của ông và gia đình, đồng thời tài sản này không liên quan đến vụ án.

Ngoài ra, bị cáo Kiên cũng xin HĐXX cho phép bị cáo được tại ngoại để chữa bệnh và khẳng định sẽ không trốn chạy. Ông nhắc lại việc trước đó khi sắp bị bắt, bị cáo đã không bỏ trốn mặc dù có nhiều điều kiện để bỏ trốn, mà bị cáo sẵn sàng ở lại chịu trách nhiệm về những hành vi đã bị cáo buộc.

Cũng trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Kiên dặn vợ “đề nghị luật sư là không bao giờ chạy án, không gặp gỡ bất kỳ ai đang giữ các trọng trách trong vụ án ngày hôm nay, xin xỏ bất cứ điều gì cho tôi vì điều đó sẽ nguy hiểm trực tiếp đến các lãnh đạo đồng thời nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng vợ tôi. Thứ hai, tôi sẽ tự giải quyết những vấn đề liên quan đến vụ án của tôi. Tôi tin rằng mình có đủ khả năng, đủ tư duy, đầu óc để chứng minh mình vô tội”.

Dự kiến ngày 9/6, HĐXX sơ thẩm sẽ tuyên án.

Công Minh

Từ khóa: