Sự kiện hot
7 giờ trước

Bản ghi nhớ phát triển bền vững kỳ vọng mở ra cơ hội lớn cho ngành Dệt may và Da giày Việt Nam

Sáng ngày 26/9, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và Tổ chức Sáng kiến và thương mại bền vững Hà Lan (IDH) tổ chức Lễ ký kết “Bản ghi nhớ hỗ trợ phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam”.

Lễ ký kết “Bản ghi nhớ hỗ trợ phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam”

Sự kiện nhằm công bố và chính thức hóa hợp tác giữa Bộ Công Thương, IDH và các Hiệp hội trong lĩnh vực dệt may và da giày (Hiệp hội Dệt may Việt Nam - VITAS, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam -VCOSA và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam- LEFASO) trong việc xây dựng, triển khai các sáng kiến và hoạt động ưu tiên về phát triển bền vững (PTBV) ngành Dệt may và Da giày phù hợp với các chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về Phát triển bền vững, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kinh tế tuần hoàn, Ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh:“ Trong thời gian qua, ngành Dệt may và Da giày tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp ý nghĩa đối với nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên các ngành cũng phải đối mặt với các áp lực cạnh tranh, thách thức về sử dụng tài nguyên, năng lượng, vấn đề ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Việc hợp tác giữa Bộ Công Thương với IDH, các Hiệp hội và các bên liên quan trong khuôn khổ Bản ghi nhớ ngày hôm nay sẽ góp phần đẩy mạnh việc áp dụng, nhân rộng các mô hình phát triển bền vững, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm thân thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Dệt may và Da giày trong nước, góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong thời gian tới".

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương)

Chia sẻ về một số kết quả thực hiện các Chương trình Quốc gia/Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bà Giang cho biết, thời gian qua, Bộ đã tổ chức triển khai một số nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may và da giày nói riêng áp dụng thí điểm một số giải pháp và mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan đến kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực ngành Công Thương. Qua hợp tác với IDH và các hiệp hội, việc hỗ trợ các doanh nghiệp Dệt may và Da giày sẽ là một trong các nội dung được ưu tiên.

Tại sự kiện, ông Pramit Chanda, Giám đốc Toàn cầu của Chương trình Dệt may và Sản xuất, IDH, đánh giá: "Bản ghi nhớ này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, nâng cao hiệu quả năng lượng và thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn. Bằng cách kết hợp nỗ lực giữa đối tác công và tư, chúng tôi hướng tới việc tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội, góp phần vào sự tăng trưởng xanh của Việt Nam và phù hợp với các mục tiêu bền vững của Việt Nam và quốc tế. Sự hợp tác này sẽ giảm thiểu dấu ấn môi trường của các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, biến đổi chúng theo các tiêu chuẩn toàn cầu".

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS 

Về phía các Hiệp hội, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS cho biết: “Dệt may là ngành tạo việc làm cho hàng triệu lao động và là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh phát triển bền vững, ngành dệt may sẽ có nhiều cơ hội nâng cấp phát triển, nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Chúng tôi cho rằng, việc ký MOU giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các Hiệp hội Dệt May & Da Giày với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức IDH là hết sức cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động trong việc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn lao động, môi trường của các thị trường nhập khẩu.”

Nội dung và kết quả hợp tác dự kiến (theo văn kiện được ký kết)

- Trao đổi, chia sẻ thông tin về chính sách, chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, quy định về PTBV trong các lĩnh vực ngành Dệt may, Bông sợi và Da giày Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, các sáng kiến đổi mới ứng dụng công nghệ, mô hình thành công, thực hành tốt về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV), sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (BĐKH&TTX) thông qua các hội nghị, hội thảo và các chuyến công tác, làm việc giữa các bên phù hợp với quy định pháp luật và nhu cầu của các bên.

- Nâng cao năng lực, đào tạo hướng dẫn cho các doanh nghiệp và các bên liên quan về chính sách, giải pháp công nghệ kỹ thuật, mô hình bền vững góp phần sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững các ngành Dệt may, Bông sợi và Da giày.

- Truyền thông, phổ biến các chính sách, quy định pháp luật, các điển hình thực hành tốt, mô hình thành công về SX&TDBV, SDNLTK&HQ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ứng phó BĐKH&TTX trong ngành Dệt may, Bông sợi và Da giày.

- Trao đổi, đề xuất ý tưởng và xây dựng các hoạt động, dự án về PTBV; kết nối và huy động các nguồn lực thực hiện các hoạt động, dự án về PTBV ngành Dệt may, Bông sợi và Da giày Việt Nam đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Hoàng Nhung

Theo KTDU
 

Từ khóa: