Những nội dung chính có trong bản tin hôm nay: Đắk Nông hướng đến chế biến sâu, nâng cao giá trị cho cây càphê; Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể giảm; Chuyển đổi số ngành nông nghiệp…
Đắk Nông hướng đến chế biến sâu, nâng cao giá trị cho cây càphê
Đắk Nông là tỉnh có diện tích càphê lớn, nhưng, hiện nay giá trị cây càphê mang lại cho người dân vẫn chưa cao. Một trong những nguyên nhân là do phần lớn người dân chưa chú trọng đến quá trình thu hái, sơ chế và chế biến sản phẩm.
Theo thống kê, 90% sản lượng càphê của Đắk Nông phục vụ xuất khẩu, 10% phục vụ nhu cầu trong nước. Năm 2021, sản lượng càphê của Đắk Nông tỉnh đạt khoảng 330.000 tấn, tăng hơn 70.000 tấn so với năm 2016. Năng suất, sản lượng càphê của tỉnh tăng, nhưng đời sống của người trồng càphê vẫn không được cải thiện nhiều. Để nâng cao thu nhập, ngoài các biện pháp nhằm trong khâu canh tác thì điểm yếu hiện vẫn là khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến.
Nhận thấy nếu cứ canh tác theo “lối mòn” đối với cây càphê thì sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2019, anh Hoàng Châu Việt Vũ, tại thôn 4, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) bắt tay chuyển đối phương thức sản xuất với 5ha càphê. Chọn hướng đi theo phương pháp natural, anh Vũ ứng dụng công nghệ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, vườn cây luôn được phủ bóng và thu hoạch quả chín từ 80-100%.
Anh Vũ cho biết những quả càphê chín được anh thu hái theo phương pháp tự nhiên dựa trên 3 yếu tố là độ chín của quả, kiểm soát quá trình lên men và kiểm soát thời gian phơi. Với phương pháp này, ngay từ khâu thu hoạch, anh Vũ lựa chọn quả chín, để nguyên trái và đem phơi bằng nhà kính, vừa tận dụng được lượng dinh dưỡng ở ngoài vỏ, vừa giúp hạt càphê trở nên đặc biệt hơn.
Nhờ đó, ba năm liên tiếp từ năm 2020 đến nay, sản phẩm càphê Robusta của gia đình anh Vũ đều đạt danh hiệu càphê đặc sản Việt Nam. Năm 2022, anh Vũ thu về 12 tấn càphê. Với 6 tạ càphê được chứng nhận danh hiệu càphê đặc sản Việt Nam, anh bán với giá 125.000 đồng/kg, cao hơn thị trường từ 2-3 lần; 6 tấn càphê chất lượng cũng được bán với giá 67.000 đồng/kg (cao hơn rất nhiều so với giá thị trường).
Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho nông sản xuất khẩu
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản tươi sang thị trường Mỹ, thời gian qua, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu VINA T&T đã phải đối mặt với không ít khó khăn từ thị trường, cũng như chi phí nguyên vật liệu và logistics tăng cao. Theo dự báo, trong 6 tháng tới, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, doanh nghiệp đã tìm kiếm giải pháp như chế biến đông lạnh, mở rộng thị trường… để ổn định sản lượng xuất khẩu, bảo đảm không để hàng tồn kho dẫn đến hư hỏng nông sản và giảm giá thành.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty VINA T&T, cho biết: “Chúng tôi đang tăng cường những sản phẩm chế biến sâu, đông lạnh để hạn chế tối đa những ảnh hưởng của giá dịch vụ logistics tăng cao. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường dự trữ hàng hóa trong giai đoạn hàng mùa vụ rộ lên để dành xuất khẩu vào thời điểm bị khan hàng”.
Công ty International Fresh Group là doanh nghiệp chuyên sản xuất và nhập khẩu rau, củ, quả tại thị trường châu Âu. Ông Hoàng Xuân Khang, Công ty International Fresh Group chia sẻ, hiện sản phẩm do công ty phân phối đã có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%, đây là một điều rất đáng tiếc.
Lý giải nguyên nhân về tình trạng này, ông Hoàng Xuân Khang cho hay, trên thực tế, công ty đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp hiện tại chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nên đã bị loại ngay từ ban đầu. “Những khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu là những yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...”, ông Khang chia sẻ.
Đối diện với những thay đổi của thị trường là điều doanh nghiệp buộc phải chấp nhận, đồng thời tìm giải pháp thích ứng và thích nghi. Gợi mở giải pháp cho doanh nghiệp, bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, II (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, yêu cầu của từng thị trường với nông sản khác nhau. Thí dụ, thị trường Hoa Kỳ yêu cầu rau quả tươi phải xử lý bằng chiếu xạ; Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng.
Để phù hợp với yêu cầu của từng thị trường, các chuyên gia đánh giá, việc tiêu thụ các mặt hàng chế biến sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, đồng thời giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là rủi ro về hàng rào kỹ thuật. Điển hình như, với sản phẩm sầu riêng, khi chế biến sâu bằng cách cấp đông có thể bảo quản được cả năm, thay vì chỉ được vài ngày như sầu riêng chín tươi nên doanh nghiệp có thể chủ động được thời gian xuất bán khi được giá. Giá trị sản phẩm cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba so với bán thô.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể giảm
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ cuối tháng 5/2022, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhẹ. Dự báo trong thời gian tới, giá một số nguyên liệu chính có thể giảm nhưng không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, điều này cũng ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, giá một số nguyên liệu chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể: giá ngô hạt 8.600 đồng/kg, giảm 5,5%; khô dầu đậu tương 14.050 đồng/kg, giảm 0,4%; cám gạo chiết ly 5.550 đồng/kg, giảm 0,3%; riêng bã ngô (DDGS) vẫn giữ nguyên là 10.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, mới đây, giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh tăng do một số doanh nghiệp chưa tăng giá trong tháng 5, 6/2022 phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó. Cụ thể, thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu 13.000 đồng/kg (tăng 0,3%); thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt 13.350 đồng/kg (tăng 1,1%) và thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng 13.800 đồng/kg (tăng 1,4%).
Nhìn lại trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Chăn nuôi cho biết, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đều tăng so với cùng kỳ 2021.
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp
Theo Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số giúp nâng cao hoạt động quản lý, điều hành sản xuất thông qua việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; quản lý vùng sản xuất, quy trình sản xuất; hỗ trợ theo dõi, điều hành quy hoạch, kế hoạch sản xuất hiệu quả; nâng cao năng lực giám sát, thích ứng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp cũng giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về cảnh báo dịch hại, thời tiết, thị trường, thành tựu khoa học, công nghệ mới, tự động hóa và quản trị quy trình sản xuất hiệu quả hơn, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, tiết giảm chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất; doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất (vùng nguyên liệu, sản lượng thu hoạch, mùa vụ, cơ cấu giống, tổ chức đại diện nông dân gắn với vùng sản xuất) để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị; thông qua hoạt động kết nối trực tiếp trên môi trường mạng hình thành mối liên kết 4 nhà (cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người sản xuất) và kết nối giữa người sản xuất với nhau góp phần tạo sự đồng thuận gắn kết phát triển bền vững...
Thực hiện đề án chuyển đổi số tiến tới ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, trong hoạt động hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi liên hệ công tác; ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hóa trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thủy sản, kiểm lâm, phát triển nông thôn, thủy lợi, nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn, khuyến nông, nông thôn mới, OCOP, thanh tra chuyên ngành - quản lý chất lượng,... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.
Đồng thời số hóa quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và đảm bảo thông tin truy xuất được thuận tiện, minh bạch, chính xác; dần tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc tự động phục vụ hoạt động chuyển dịch sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp...
Tiến Hoàng/KTDU