Những thông tin đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Đi cấy thời 4.0; dừa Bến Tre chịu nhiều sức ép cạnh tranh; khai mạc Tuần lễ OCOP tại Cần Thơ; Tận dụng cơ hội, tạo đột phá xuất khẩu hàng nông sản tại Gia Lai
Đi cấy thời 4.0
Bên cánh đồng rộng 5ha ở huyện Gia Lộc (Hải Dương), ông Bùi Quý Ruộng chăm chú nhìn một thanh niên đang cưỡi chiếc máy sạ cụm, đảo qua đảo lại dưới ruộng.
Người đàn ông 58 tuổi, có cái tên đầy chất ruộng đồng, gật gù bảo: “Nhanh, đều, tôi cấy lúa gần nửa thế kỷ rồi mà chịu thua cái máy này. 5ha của tôi mà từ sáng đến trưa gần xong rồi. Tính ra nếu thuê 4 thợ cấy bằng tay thì cũng phải mất 2 ngày. Tiết kiệm đấy!”.
Truyền thông đã góp phần lan tỏa về hiệu quả của chiếc máy sạ cụm, từ đó những "thợ cấy 4.0" xuất hiện ngày càng nhiều trên những cánh đồng từ Nam ra Bắc.
“Đi cấy 4.0” như cái cách ông Ruộng gọi đùa, cũng họ Bùi (Bùi Đức Nhớ), nhưng quê Quảng Nam. Thanh niên sinh năm 1997 thuần thục lái máy cấy, máy sạ cụm trên cánh đồng mà anh lần đầu tiên đặt chân tới. Hết việc, Nhớ thay luôn bộ đồ nhà nông, mặc quần jeans, áo phông, đi về khách sạn gần đó. Tối đến, có thể một quán cà phê, một quán bia nào đó ở Hải Dương sẽ là nơi ghé chân của Nhớ. Rất khó liên hệ hình ảnh người thợ cấy thời nay so với thời trước, nhất là sau những giờ đổ mồ hôi trên đồng ruộng.
Tiền máy bay đi lại, tiền ăn ở khách sạn... đều được công ty thanh toán. Nhớ bảo, làm nông giờ dùng máy móc nên nhàn hơn nhiều so với thế hệ cha ông. Tuần trước, Nhớ còn đang “biểu diễn” máy sạ cụm, máy gặt, máy cày ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc).
Ở miền Nam, có lẽ Nhớ đã đi gần hết các tỉnh miền Tây Nam bộ, vựa lúa của cả nước. Hai năm trước, chiếc máy sạ cụm từng được trình diễn ở Sóc Trăng. Cơ quan chuyên môn đánh giá máy tăng hiệu suất làm việc 40% so với máy cấy, có thể gắn với bất kỳ máy cấy nào đang có trên thị trường. Máy sạ được trình diễn là loại máy 4 bánh tự vận hành, có công suất từ 1ha/giờ.
Máy có 10 hộp đựng hạt giống, tương đương với 10 hàng sạ, khoảng cách sạ 25cm x 14cm. Số lượng hạt giống được sạ ở mỗi cụm từ 2 đến 30, tùy theo người sử dụng. Khi sử dụng máy sạ cụm, hạt giống được gieo trực tiếp lên bề mặt đất, giúp cung cấp tốt oxy cho rễ phát triển mạnh, làm cây lúa không bị đổ ngã.
Không chỉ lái máy sạ cụm, sửa chữa máy, Nhớ còn thành thạo dùng drone (thiết bị bay không người lái) phun thuốc cho cây lúa. Một chiếc drone như thế, công suất bằng 2 - 3 người phun bằng tay, thời gian lại chỉ một buổi cho vài ha.
Nhiều thị trường mới cho nông sản Việt
Ông Huỳnh Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử, Công ty OSB - đại lý ủy quyền chính thức của Tập đoàn Alibaba.com, cho hay nông sản Việt Nam rất được quan tâm trên sàn Alibaba.com khi 1 gian hàng có trung bình 15 khách hàng tiếp cận/ngày.
Theo ông Hòa, Alibaba.com có khách hàng ở 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 2 thị trường chiếm thị phần lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường không yêu cầu quá khắt khe nên doanh nghiệp có thể xuất khẩu ngay mà không cần phải đầu tư nhiều để đáp ứng.
Bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW, nêu kinh nghiệm khi xuất khẩu là không tập trung vào một thị trường để tránh bị phụ thuộc. Thực tiễn, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trên sàn Alibaba.com nhờ theo đuổi thị trường ngách và khai thác những thị trường mới.
Khai mạc Tuần lễ OCOP tại Cần Thơ
Ngày 22-6, Tuần lễ OCOP và các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam 2022 do Sở Công thương thành phố Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức chính thức khai mạc tại Cần Thơ, thời gian kéo dài đến 26-6.
Tham dự có các đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP đến từ tỉnh, thành như: Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Tây Ninh…đem đến khoảng 150 sản phẩm là đặc sản, đặc trưng của khu vực được trưng bày.
Tại đây các sản phẩm OCOP sẽ được quảng bá, kết nối với siêu thị GO và tư nhân phân phối trong cả nước. Đến với OCOP, các gian hàng sẽ được một lượng lớn khách hàng thường xuyên đến với siêu thị tham quan và tiếp cận sản phẩm. Ban tổ chức hy vọng sự kiện sẽ là một cơ hội tốt để các chủ thể OCOP đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng như lắng nghe tiếp thu ý kiến từ khách hàng từ đó hoàn thiện sản phẩm, tăng được sức cạnh tranh trên thị trường.
Tận dụng cơ hội, tạo đột phá xuất khẩu hàng nông sản tại Gia Lai
Nằm trong nhóm doanh nghiệp đạt tăng trưởng xuất khẩu cao, từ đầu năm đến nay Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đồng Giao (DOVECO) Chi nhánh Gia Lai đã xuất trên 15.000 tấn sản phẩm từ chanh leo, dứa, xoài, đậu tương rau, ngô ngọt đi thị trường Mỹ và châu Âu, đạt kim ngạch 40 triệu USD, vượt 126% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đinh Gia Nghĩa - Giám đốc chi nhánh Gia Lai cho biết, có được kết quả này ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, còn nhờ việc chính phủ kiểm soát dịch Covid-19, được chính quyền địa phương tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng nông sản chất lượng cao.
Bên cạnh các doanh nghiệp cà phê, cao su, hồ tiêu, chanh leo, đã có bề dày kinh nghiệm, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp mới thành lập nhưng đã đạt kết quả ấn tượng nhờ cách làm bài bản.
Các doanh nghiệp này đã đăng ký 55 mã vùng trồng và 21 cơ sở đóng gói các sản phẩm từ chuối, mít, thanh long đi các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đầu năm vừa qua, tỉnh Gia Lai cũng tổ chức gặp gỡ các đại sứ quán, lãnh sự quán, gặp gỡ Việt - Nhật, gặp gỡ Việt - Hàn, mở rộng hướng mới cho hoạt động xuất khẩu của Gia Lai trong thời gian tới” - ông Binh cho biết.
Hiện nay, giá trị ngành nông nghiệp hàng năm tại tỉnh Gia Lai đạt khoảng 32.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65% trong tổng giá trị 49.000 tỷ đồng của toàn ngành kinh tế tại địa phương. Vì vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời nâng cao đời sống của người dân.
Dừa Bến Tre chịu nhiều sức ép cạnh tranh
Theo Sở Công Thương Bến Tre, thời gian qua, giá dừa trái trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Trong khi đó, giá các mặt hàng xăng dầu, phân bón... tăng cao, kéo theo các chi phí tăng, làm ảnh hưởng đến đời sống của người trồng dừa trong tỉnh.
Bà Võ Thị Mỹ, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho biết, trong gần hai tháng trở lại đây, giá bán trái dừa khô tại vườn liên tục giảm. Hiện giá dừa khô được nhiều hộ dân bán tại vườn cho thương lái chỉ còn ở mức 35.000-40.000 đồng/chục (đối với dừa đã thu hoạch sẵn) và khoảng 25.000-30.000 đồng/chục đối với dừa mua dạng xô, thương lái tự thu hoạch dừa.
Theo nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh dừa, giá dừa khô giảm mạnh do gần đây đầu ra các sản phẩm dừa xuất khẩu có phần chậm và chịu sức ép giảm do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, do ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu dừa trên thế giới. Nhiều nước xuất khẩu dừa trong khu vực và trên thế giới đã hạ giá bán để thu hút khách hàng, sức mua tình hình chung giảm. Giá bán trái dừa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơm dừa, vỏ dừa, nước dừa...
Theo Sở Công Thương Bến Tre, 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất ngành chế biến dừa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 4,05% so với cùng kỳ, chiếm 10,32% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Riêng xuất khẩu dừa tươi, tỉnh xuất khẩu được khoảng 2,7 triệu trái (tương đương 1,9 triệu USD), giảm hơn 2/3 so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu cũng giảm khoảng 15-20% so với năm trước.
Tiến Hoàng/KTDU