Những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Xuất khẩu nông sản vào EU, cơ hội của thị trường cho giá trị cao; đảm bảo đầu ra vụ thu đông; nhận diện, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái…
Thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sáu tháng đầu năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt gần 28 tỷ USD; tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có chín sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD như: Cà-phê, cao-su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ...
Bên cạnh kết quả đạt được, nông sản Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: Chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch còn nhiều; xuất khẩu vào thị trường cao cấp còn ít; quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn, chế biến còn hạn chế... Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột vũ trang Nga-Ukraine, chi phí dịch vụ, vận tải logistics tăng cao dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế năng lực cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay, sản lượng mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu qua hệ thống cảng biển tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Để hạn chế thiệt hại, ngành hải quan khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu ý: Nghiên cứu, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng, chống dịch của Việt Nam cũng như các nước có liên quan kịp thời; thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế; các nội dung thỏa thuận tại các hợp đồng thương mại quốc tế nên được đàm phán chặt chẽ và có những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai…; nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu; đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào các đối tượng khách hàng, thị trường truyền thống; hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ xuất khẩu.
Xuất khẩu nông sản vào EU, cơ hội của thị trường cho giá trị cao
Theo thống kê cho thấy, sau 2 năm, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của ta đã phục hồi và gia tăng đáng kể (trong đó, hạt tiêu tăng 81,3%, cà phê tăng 62,7%, gạo tăng 42,9%, thuỷ/hải sản tăng 22,7%...); Và, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực nông nghiệp năm sau cũng cao hơn năm trước (như thuỷ sản 78,89%, rau quả 65,58%, gạo 100%). Chỉ dẫn chứng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì ngay lập tức khoảng 50% dòng thuế trong lĩnh vực nông nghiệp được giảm về 0% cũng đã cho thấy sức hấp dẫn và lợi ích đạt được từ thị trường này.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp nông sản Việt Nam - EU do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban châu Âu, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, Cao ủy phụ trách Nông nghiệp của Liên minh châu Âu Janusz Wojciechowski khẳng định, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của EU ở Đông Nam Á sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào năm 2020.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành nông nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, cơ cấu lại… để vượt qua rất nhiều các hàng rào kỹ thuật và yêu cầu khắt khe của các thị trường thành viên EVFTA.
“Hiệp định EVFTA là một chân trời mới cho nông sản Việt Nam đi theo hướng không phải cạnh tranh bằng giá cả, không phải cạnh tranh bằng số lượng, mà cạnh tranh bằng chất lượng và giá trị gia tăng… Đặc biệt, với những cam kết gần đây của các lãnh đạo Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải cacbon thì thị trường châu Âu mở ra một cơ hội rất lớn cho chúng ta là ưu đãi, là mua với giá cao các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường và bảo vệ và phát triển ổn định trong điều kiện biến đổi khí hậu” - TS. Đặng Kim Sơn nói.
Đảm bảo đầu ra vụ thu đông
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, đến nay, toàn tỉnh có 699 tiểu vùng sản xuất lúa, trong đó có 417 tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để với diện tích khoảng 189.000ha. Vụ thu đông 2022, An Giang có kế hoạch xuống giống 154.686ha lúa, tuy thấp hơn khoảng 6.000ha so vụ thu đông 2021 (xuống giống 161.103ha) nhưng ước năng suất lúa bình quân đạt 6,21 tấn/ha, sản lượng khoảng 960.277 tấn, cao hơn 33.363 tấn so vụ thu đông 2021.
Lịch xuống giống vụ thu đông 2022 được khuyến cáo từ ngày 15/7 đến 31/8/2022, trong đó, lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 19 đến 31/7, xuống giống tập trung ở những vùng thu hoạch hè thu sớm và đại trà, với khoảng 50.000ha; đợt 2 xuống giống từ ngày 16 đến 26/8, xuống giống dứt điểm 60.000ha ở những vùng thu hoạch hè thu đại trà và muộn.
Đối với cây ăn trái, năm 2022, ước tổng sản lượng khoảng 230.845 tấn (xoài khoảng 178.000 tấn, chuối 14.000 tấn, mít 6.390 tấn, cam, quýt 5.920 tấn, bưởi 2.875 tấn…). Trong đó, tổng sản lượng liên kết, tiêu thụ khoảng 140.000 tấn (chiếm 78,65%), gồm: 25.500 tấn gắn kết tiêu thụ với 14 công ty; 114.500 tấn được tiêu thụ thông qua các vựa xoài, thương lái và siêu thị (Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Winmart, Siêu thị Mega market Long Xuyên…). Như vậy, còn lại trên 92.000 tấn trái cây cần tiếp tục mời gọi và gắn kết thêm với DN, thương lái thu mua.
Nhằm đảm bảo chất lượng cây ăn trái đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, Chi cục TT&BVTV cùng với các địa phương xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng (code) tại những nơi chưa có mã số vùng trồng. Tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức cấp mã số vùng trồng đi các thị trường tiêu thụ, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc… và kỹ thuật sản xuất an toàn. Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với DN chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhận diện, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái
6 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian “nóng” trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái. Bởi, mặc dù dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trên thương mại điện tử đã trở lại và diễn biến phức tạp hơn.
Do đó, để ngăn chặn hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và ý thức tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp cũng như việc nhận diện và tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả của người dân.
Có thể thấy rằng, một năm trở lại đây tình trạng xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng trở nên phổ biến; tiếp đó là các mặt hàng vật tư nông nghiệp, phân bón.
Qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã liên tục phát hiện nhiều vụ việc sản xuất phân bón giả ngay tại thị trường nội địa. Nhiều vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng, thậm chí trộn cả đất cả xỉ vào để làm phân bón bán ra ngoài thị trường.
Hay chỉ cách đây 2 ngày, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh phối hợp cùng với Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra bắt giữ một số lượng rất lớn 20 tấn nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu giả mạo hoàn toàn; đồ gia dụng, vật tư y tế, giả cả những nhãn mác của thực phẩm...
Ngoài ra, hiện nay mua sắm chủ yếu thực hiện qua sàn thương mại điện tử nên tại các mô hình kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử, hàng giả thậm chí là vận chuyển một cách tương đối công khai qua việc lợi dụng kẽ hở từ chuyển phát của các hãng chuyển phát công khai chính thức. Điều này làm cho lực lượng chức năng rất là khó đối phó.
Tiến Hoàng/KTDU