Chuyển đổi số là xu thế tất yếu diễn ra trong mọi lĩnh vực, báo chí, truyền thông không là ngoại lệ.
Thực tế cho thấy, tờ báo nào tận dụng cơ hội này càng nhanh thì càng thu hút được bạn đọc nhiều hơn.
Chủ động tìm độc giả, làm những gì độc giả cần
Vài năm trở lại đây, báo Nhân dân điện tử - một tờ báo vốn nặng về nội dung chính trị, khô khan, có sự thay đổi mạnh mẽ. Giao diện báo đẹp, hàng loạt thể loại báo chí hiện đại như: E-magazine, longform, radio, video… được thể hiện trên các chuyên mục khiến tờ báo trở nên hấp dẫn, gần gũi với độc giả.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó trưởng ban Nhân dân điện tử, báo Nhân dân dí dỏm: “Không chuyển đổi số thì làm sao cạnh tranh được với các “kẻ thù thân thiện” như: Google, Apple, Facebook, YouTube… làm sao “níu chân” bạn đọc, làm sao cạnh tranh được trong làng báo!”.
Theo ông Việt Anh, triển khai kế hoạch chuyển đổi số, tờ Nhân dân điện tử đang đẩy nhanh thực hiện chiến lược multi-platform (đa nền tảng) và xu hướng social-first (ưu tiên phát thông tin lên mạng xã hội).
Những công nghệ, công cụ miễn phí như: Flourish, infogram... được ứng dụng vào quy trình sản xuất các sản phẩm trực quan, dữ liệu. Mục tiêu là thông tin được ưu tiên đưa lên báo điện tử, thông tin xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa tin đến với độc giả, thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin.
“Hiện, ở Nhân dân điện tử, các phóng viên, biên tập viên có thể tự làm Infographic có tính tương tác cao, trong thời gian chỉ vài chục phút thay vì chờ bộ phận kỹ thuật vẽ tay hàng giờ trước đây.
Báo Nhân dân cũng bắt đầu cung cấp các bản tin thời sự hàng ngày trên các nền tảng podcast. Người dùng có thể nghe trực tuyến qua các ứng dụng trên điện thoại di động, nghe trực tiếp trên website báo Nhân dân, hoặc tải về thiết bị để nghe ngoại tuyến không kết nối internet…”, ông Việt Anh chia sẻ.
“Hãy làm những gì bạn đọc cần, không làm những gì mình có” là triết lý đang được Pháp luật plus - một chuyên trang của Báo Pháp luật Việt Nam nỗ lực theo đuổi. Theo nhà báo Phạm Quốc Cường, Tổng Thư ký tòa soạn Pháp luật Plus - Trưởng ban Pháp luật bạn đọc, Báo Pháp luật Việt Nam, hiện Pháp luật Plus đang phát triển các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, Spotify…
“Pháp luật Việt Nam có hệ thống kênh TikTok hiện đã đạt được 1 tỷ lượt xem, gây ấn tượng và tác động rất lớn đến đa dạng đối tượng bạn đọc, nhất là những người trẻ”, ông Cường chia sẻ.
Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, Pháp luật Plus đã kiện toàn đội ngũ phóng viên trẻ, nắm bắt được xu thế báo chí và kĩ thuật công nghệ tốt. Về mặt kĩ thuật công nghệ, tòa soạn liên tục cập nhật, nâng cấp nền tảng hệ thống CMS để tối ưu giao diện và trải nghiệm cho bạn đọc.
“Chúng tôi cập nhật những công nghệ mới nhằm phân tích hành vi, thói quen của bạn đọc để từ đó sản xuất những tin bài phù hợp với bạn đọc hơn. Hiện, hầu hết các ấn phẩm điện tử Báo Pháp luật Việt Nam đã và đang tiến tới làm báo đa phương tiện, video media, Podcast, radio blog, E-magazine…”, ông Cường cho hay.
Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số của tòa soạn, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Hà Nội cho rằng, trước hết phải nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số báo chí và có ý chí thực hiện chuyển đổi số.
“Cơ quan báo chí cần chuẩn bị các điều kiện, đặc biệt là điều kiện về nhân lực để thực hiện chuyển đổi số; hạ tầng công nghệ thông tin gồm các phần mềm, yếu tố thực hiện kĩ thuật tạo ra các sản phẩm số. Việc này rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chủ quản để báo chí chuyển đổi số thuận lợi”, ông Đức nói.
Xây dựng chiến lược chung để báo chí chuyển đổi số
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho rằng, quá trình chuyển đổi số của báo chí đang chậm hơn xu thế chung. Do đó, muốn chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần phải thay đổi từ quy trình cung cấp dịch vụ đến con người.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện Bộ TT&TT đã hoàn thiện việc xây dựng Chiến lược chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí, hiện đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, trong chiến lược này Bộ TT&TT sẽ tư vấn, đưa ra các nền tảng dùng chung nhằm giảm thiểu tối đa chi phí cho các cơ quan báo chí.
“Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực số hóa.
Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hóa trong tòa soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số.
Các cơ quan báo chí phải có suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, phải đánh giá được nhu cầu của mình, phải xác định được con đường mình muốn đi, xác định mục tiêu hướng tới, từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh”
Về định hướng chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, có 2 mảng rất rõ.
Thứ nhất là quản trị nội bộ, văn bản, giấy tờ, giao việc, quản trị nhân sự, kinh tế tài chính cơ quan báo chí.
Khi chuyển đổi số xong, mảng này khá ổn định và chi phí đầu tư không quá lớn vì đều đã có sẵn nền tảng.
Tuy nhiên, chuyển đổi số mảng sản xuất, quản lý và lưu trữ nội dung đòi hỏi cần có nguồn đầu tư lớn.
Trong chương trình chuyển đổi số của Bộ TT&TT xây dựng, đã có định hướng cụ thể những vấn đề liên quan nền tảng cho quản lý sản xuất, lưu trữ nội dung.
Khi chiến lược chuyển đổi số báo chí được phê duyệt, Bộ sẽ bắt tay vào triển khai theo hướng chủ trương xây dựng các nền tảng lớn để đảm bảo độc lập chủ quyền trên không gian mạng.
“Dự thảo Chiến lược đề xuất Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng những nền tảng chuyển đổi số lớn dùng chung, đặc biệt là đầu tư nền tảng lớn cho 6 cơ quan báo chí chủ lực.
Ví dụ với Đài Truyền hình Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng một nền tảng sản xuất và quản lý nội dung cho truyền hình. Sau đó, các đài truyền hình địa phương sẽ ứng dụng dùng chung trên nền tảng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phải xây dựng nền tảng phát thanh và các đài địa phương kết nối dùng chung. Việc làm này sẽ đảm bảo hiệu quả, không bị lãng phí nguồn lực”, Thứ trưởng Tuấn cho biết.
Riêng với các cơ quan báo chí vừa và nhỏ - hiện chiếm trên 90% số lượng cơ quan báo chí cả nước, Bộ TT&TT định hướng để các đơn vị này kết nối vào các nền tảng do Nhà nước đầu tư cho các cơ quan báo chí chủ lực.