Sự kiện hot
5 năm trước

Bảo hiểm y tế phát hiện nhiều sai phạm tại Bệnh viện mắt Thái Nguyên

Liên quan đến nghi vấn về những sai phạm tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên trong việc khám chữa bệnh, mượn trang thiết bị; một số bác sĩ đang đi học tập trung vẫn ký “khống” phiếu siêu âm, hồ sơ bệnh án, vẫn tham gia khám chữa bệnh; bác sĩ chưa hết tập sự, chưa có chứng chỉ hành nghề vẫn khám, kê đơn thước cho bệnh nhân… phóng viên đã đặt giấy giới thiệu tại Sở Y tế Thái Nguyên. Tuy nhiên, ba tháng trôi qua, đơn vị này vẫn “im lặng” một cách khó hiểu!.

Như Tuổi trẻ & Pháp luật đã thông tin, tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên có nhiều ca phẫu thuật đục thủy tinh thể không thành công khiến nhiều bệnh nhân bị viêm, nhiễm có nguy cơ bị mù, và việc “mượn” máy siêu âm chưa đúng quy trình, quy định (Máy siêu âm AB nhãn hiệu Compacst touch MS3584).

Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên từ chối thanh toán chi KCB BHYT tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên từ chối thanh toán chi KCB BHYT tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên

Đáng chú ý, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên còn bị tố cáo về việc các bác sĩ ký khống vào phiếu kết quả siêu âm. Minh chứng là việc bác sĩ Nông Xuân Ngàn mặc dù đang học tập trung ở Trường Đại học Y Hà Nội nhưng vẫn ký vào nhiều phiếu kết quả siêu âm bằng dịch vụ kỹ thuật trên máy siêu âm AB (mượn). Việc này khiến Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Thái Nguyên đã không thanh toán (trên 54,3 triệu đồng) chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế quý IV năm 2018 và quý I năm 2019. Nguyên nhân được chỉ rõ: do bác sĩ Nông Xuân Ngàn và Hoàng Mạnh Hùng có quyết định đi học tại Trường Đại học Y Hà Nội vẫn trực tiếp tham gia khám chữa bệnh và điều trị trong giờ hành chính tại bệnh viện; vừa đi học vừa đi làm và thực hiện dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn.

Theo nguồn tin riêng được biết, bác sĩ Hoàng Mạnh Hùng, trong thời gian học ở Trường Đại học Y Hà Nội vẫn “trốn” học về Bệnh viện để trực tiếp khám chữa bệnh cho các đối tượng bệnh nhân.

Trong khi đó, bác sĩ Hoàng Mạnh Hùng muốn tham gia khám chữa bệnh trong giờ hành chính tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên buộc phải có đơn xin nghỉ học ở Trường Đại học Y Hà Nội (đơn xin nghỉ và bảo lưu kết quả khi quay trở lại để học tiếp) và phải được sự đồng ý của ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện (Bệnh viện chưa có Giám đốc).

Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ lùm xùm tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên từ chối thanh toán chi KCB BHYT tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên

Trước những thông tin ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân mắt, ngày 11/3, phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã liên hệ đặt lịch làm việc với Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa phản hồi.

Nhằm thông tin kịp thời cho độc giả, ngày 31/5 phóng viên đã chủ động liên hệ qua điện thoại cho ông Nguyễn Vy Hồng - Giám đốc Sở Y tế Tỉnh Thái Nguyên. Ông Hồng cho biết, Sở đã cho xác minh và chuyển kết quả kiểm tra lên UBND tỉnh Thái Nguyên. PV muốn tiếp cận biên bản thì cứ qua UBND tỉnh để làm việc.

“Tin này nó thiu, thiu kinh khủng rồi, Sở Y tế Thái nguyên đã có quyết định thanh tra và có công bố quyết định cách đây 1 tuần rồi, cũng đã có kết luận thanh tra gửi lên UBND tỉnh Thái Nguyên rồi”.

Có thể thấy, để làm rõ sai phạm của Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, PV đã phải chờ đợi và gặp rất nhiều khó khăn từ đơn vị quản lý. Trong khi đó, những lùm xùm tại Bệnh viện này khiến người bệnh hoang mang, không tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh cũng như đội ngũ y bác sĩ ở cơ sở khám chữa bệnh hàng đầu về mắt tại Thái Nguyên. Báo Tuổi trẻ Thủ đô đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chức năng, Công an tỉnh Thái Nguyên vào cuộc làm rõ những sai phạm tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, cũng như có hay không việc "bao che" của Sở Y tế Thái Nguyên cho đơn vị trực thuộc.

Một phiếu siêu âm nghi là đã ký khống sẵn tên bác sĩ Ngàn
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên từ chối thanh toán chi KCB BHYT tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên

Theo ông Trần Đình Thắng, Giám đốc Công ty luật KOCI, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Mọi hành vi ký khống phiếu siêu âm, ký khống sổ bệnh án là trái quy định pháp luật. Theo điều 215 BLHS Việt Nam các hành vi giả mạo giấy tờ, hồ sơ để trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT): Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng. Phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Lập hồ sơ, bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm các loại thuốc ,vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật....".

Thực tế, việc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên từ chối không thanh toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại bệnh viện mắt Thái Nguyên không phải là không có căn cứ.

Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân của việc này là do bác sĩ Ngàn ký "khống" nhiều phiếu siêu âm, bác sĩ Hùng vừa đi học vừa đi làm, khám chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân, Bệnh viện thực hiện dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn…

Theo luật sư Vi Văn Diện (Đoàn luật sư Hà Nội) thì đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng bởi một cá nhân không thể làm được. Hành vi này muốn “trót lọt” phải có tổ chức, có hệ thống. Đặc biệt phải có chỉ đạo người đứng đầu thì bác sỹ Ngàn, bác sỹ Hùng mới dám thực hiện hành vi này. Nếu Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên không phát hiện thì sẽ có hàng nghìn ca ký “khống” siêu âm, sổ bệnh án… gian lận, trót lọt hòng trục lợi BHYT, thu tiền của các đối tượng bệnh nhân sai quy định.

Theo Tuoitrethudo

Từ khóa: