Sự kiện hot
9 năm trước

Bất bình cao độ của cán bộ, giảng viên ĐHQG - TP. Hồ Chí Minh tại dự án nhà ở

ĐS&TD - Trong suốt 14 năm qua, gửi đi nhiều phản hồi và ý kiến, những người góp vốn đầu tư vào dự án xây nhà ở cho cán bộ, giảng viên của ĐHQG vẫn chưa nhận được câu trả lời nào hoàn chỉnh. Cứ hẹn hết lần này đến lần khác, thậm chí Chủ đầu tư là Đại học quốc gia (ĐHQG) còn lập ra Ban thông tin để tiện cho việc liên lạc và cung cấp thông tin, thế nhưng, thông tin cứ bị “ém nhẹm” đến vài tháng mới được tiết lộ ra.


Nhiều người đến trường ĐHQG để hỏi và muốn được biết rõ mọi thông tin, thế nhưng, đến nay, mọi thứ vẫn mù mịt. (Hình do nhà đầu tư cung cấp)

“Chúng tôi bị lừa hợp pháp”

Trải qua 14 năm kể từ khi các chủ đầu tư bắt đầu tham gia góp vốn, đến bây giờ, dự án này vẫn chưa đi đến đâu. Theo ý kiến của nhiều người tham gia góp vốn đầu tư, điều gây bức xúc nhất là việc được đất và mất đất. Một bên là công ty Edico được hưởng "quyền lợi đặc biệt", ôm gọn 15ha đất trước sự bức xúc của hàng nghìn người và một bên là việc mất quyền lợi một cách vô lý của những người mua nhiều nền đất trong việc tham gia góp vốn vào dự án.

Chị Nguyễn Thị T. (một chủ đầu tư) cho biết: “Tôi và cháu gái mình tham gia vào dự án. Lúc lên góp vốn để mua đất thì Ban quản lý (lúc bấy giờ là của Công đoàn ĐHQG) có khuyên, nên để một người đứng tên chung cho hai nền đất trên giấy tờ, để giảm bớt các thủ tục hành chính và các loại giấy tờ. Chúng tôi còn được “hứa hẹn” rất hay, sau khi hoàn tất việc thì sẽ tách nền ra, trao riêng sổ đỏ cho từng người. Chính vì vậy, tôi đã nhường cho cháu gái đứng tên trên hợp đồng chung đó. Rồi sau khi có kết luận của Thanh tra, chúng tôi coi như bị “bay mất” một khoản tiền không nhỏ để đầu tư”.

Chị T. giải thích thêm, có người mua nhiều nền đất vì họ có tiền đầu tư nhưng cũng có rất nhiều người là góp tiền chung của gia đình, anh em lại mua chung, với sự tin tưởng sau khi hoàn tất sẽ rạch ròi giấy tờ. Họ tin và làm theo lời của Ban quản lý khuyên là bởi vì trước đó không lâu, cũng chính Ban quản lý này thực hiện một dự án bên ĐH Bách Khoa, áp dụng hình thức tương tự và đã thành công.

Tuy không phải là người mua nhiều nền đất nhưng anh Trần Q.X. bức xúc: “Việc những người mua nhiều đất bị mất là một phần. Một phần khác là việc “hợp pháp hóa” việc giao 15ha đất cho công ty Edico. Từ một công ty thực hiện làm Chủ nhiệm điều hành dự án, không góp một đồng nào thì thành chủ đầu tư các dự án thành phần thích hợp. Rồi sau đó,“lắt léo” nhiều khâu, công ty này lại hiển nhiên trở thành chủ sở hữu rất hợp pháp của 15hecta đất trong dự án. Mà nói thêm, không phải bây giờ công ty này mới tách đất ra khỏi dự án để trao bán đâu, từ khi chưa có gì, chưa được giao gì đã trao bán thành công cho một công ty khác rồi”.


Hợp đồng góp vốn đầu tư Khu nhà ở cán bộ giảng viên ĐHQG TP.HCM của công ty Edico và công ty TNHH Đầu tư kinh doanh nhà M&T vào ngày 25/3/2002

Nói rồi, anh X. đưa ra một bản Hợp đồng gón vốn đầu tư của công ty Edico với công ty TNHH Đầu tư kinh doanh nhà M&T. Trên hợp đồng ghi rõ, ngày được kí kết giữa hai bên là 25/3/2002, thời điểm mà Edico chưa được giao làm chủ bất kì “hạt cát” nào trong số 80 hecta đất dự án. Anh X. nhấn mạnh: “Thử xem, hợp đồng này trị giá là 48 tỷ đồng, với số đất rộng 30.000 m2, có sự ký kết đầy đủ của hai bên. Vậy, Edico có quyền gì với số đất đó mà bán đi cho công ty khác? Rồi đến bây giờ, chúng tôi – những người tham gia góp vốn rất hợp pháp, rất đúng luật vẫn chưa biết phần đất của mình được nhận là phần nào. Dự án này kéo dài mệt mỏi đến mức, có những người tham gia trong dự án đã mất rồi mà vẫn chưa biết tương lai của dự án này ra sao. Giờ đây, điều chúng tôi biết chỉ là chúng tôi có thể phải bỏ tiếp tiền ra để mua lại khoản tiền mà mình đầu tư, hoặc cũng có thể là mất trắng. Chúng tôi bị lừa rồi, bị lừa một cách rất hợp pháp!”.

“Ôm trọn bốn nhất”

Chị B. , một người tham gia góp vốn cũng góp ý kiến của mình: “Dự án này ắt hẳn phải ôm trọn bốn cái nhất. Nhất về thời gian, đã 14 năm trôi qua, vẫn chẳng đi đâu đến đâu. Nhất về số lượng thầy giáo tham gia, với khoảng 700 người thầy. Nhất về sự đầu tư của nhiều người, hơn 1000 người đầu tư, số tiền chẳng hề nhỏ. Và nhất về tương lai mờ mịt, rồi chẳng ai biết nó sẽ về đâu”.

Một điều đáng nói thêm, những người tham gia đầu tư, góp vốn này khẳng định, kể từ khi có kết luận của thanh tra, các thông tin đều bị phía ĐHQG “ém nhẹm”. Chị B. cho biết thêm : “Chúng tôi hoàn toàn mù mờ về thông tin. Nếu có văn bản, giấy tờ hay chỉ thị nào mới, phải đến 2 – 3 tháng sau mới được biết. Mà có nhiều khi, là chúng tôi tự tìm hiểu và đi hỏi ngược lại họ. Họ thất hứa với chúng tôi, không phải một mà là rất nhiều. Cái thất hứa “đáng xấu hổ” nhất là việc hứa sẽ thông tin đầy đủ đến người dân, thậm chí còn lập ra Ban Thông tin để trấn an dư luận. Nhiều lần quá bức xúc, chúng tôi kéo nhau lên trường hỏi cho ra lẽ. Câu trả lời mà chúng tôi nhận được chỉ là những hồi đáp quanh co, thì cũng chung chung là đợi câu trả lời của nơi này, nơi kia rồi sẽ báo cho chúng tôi biết. Họ “chạy trốn” với trách nhiệm của mình, họ làm bay biến đi những lời hứa.Chúng tôi, nhiều người đã có tuổi,mệt mỏi với cái dự án dở dang này.”

Nhiều nhà đầu tư muốn đòi phần đất của mình trong dự án theo đúng luật nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư mệt mỏi và muốn rút khỏi dự án. Chị Nguyễn Thị T nói: “Nhiều người đã nản vì phải chờ đợi một thứ không có tương lai, hoàn toàn mờ mịt và còn mù tịt thông tin. Nói chúng tôi đợi thì không biết phải đợi đến bao giờ. Không ít người muốn rút lại số tiền của mình đã đầu tư. Mà nếu phải trả, ĐHQG phải trả đúng với giá trị của giá đất hiện hành. Như vậy thì mới hợp lý.”

Chị B. nói thêm: “Ai cũng mệt mỏi, dự án này không biết có đi đến đâu hay không nhưng điều bà con vẫn cần nhất lúc này là phải đảm bảo sự quyền lợi cho họ. Vì vốn dĩ, mảnh đất dự án này hoàn toàn là của những nhà đầu tư nhỏ lẻ, không có vốn nhà nước, không có vốn vay. Xét về lý, ĐHQG chỉ là chủ đầu tư, họ không thể tự quyết định giá trị, cách phân chia mảnh đất này cho ai và như thế nào. Còn chúng tôi, những nhà đầu tư hợp pháp, chúng tôi cần được thông tin rõ ràng và chính xác nhất về nguồn vốn của mình “trót” đưa ra”.

Kéo dài hơn 14 năm và “ôm trọn” bốn nhất, dự án này vẫn chưa giải quyết được “lối ra” hợp lý nhất cho những người đầu tư vào từ năm 2001. Bức xúc này chồng bức xúc kia. Và có lẽ rằng, sự việc này vẫn chưa có hồi kết.

Ông Vũ Đình Chỉnh (Nguyên trưởng Ban quản lý dự án của Công Đoàn ĐHQG) cho biết, thực chất, công ty Edico hoàn toàn không có ý định đầu tư trong dự án này nhưng đến khi giá đất bắt đầu lên, nhìn thấy sự “màu mỡ” nên mới tìm mọi cách để có được đất trong dự án.

Ngoài ra, ông Chỉnh cũng chính là người trực tiếp kí các hợp đồng góp chung nền lại cho người đầu tư cũng mong muốn rằng, có sự xem xét lại trong phương án chỉ nhận được một nền của Thanh tra Chính phủ. Ông nói, nếu trong trường hợp chỉ nhận được một nền thì nên xem xét đến trường hợp nếu đăng kí 2 -3 đất nền mà tổng diện tích chưa vượt đến 450m2 (tức là chỉ bằng một nền lớn trong số các trường hợp khác) thì nên cho họ được hưởng cả 2 -3 nền đó.

Tuy nhiên, kể từ khi đổi đơn vị chủ đầu tư từ Công đoàn ĐHQG sang ĐHQG, thành lập Ban quản lý 245 thì đến thời điểm này, những người đầu tư vẫn chưa nhận được bất kì câu trả lời nào chính xác. Sự việc vẫn còn bị kéo dài và tiếp diễn.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc.

(Còn tiếp)

Thanh Huyền

Từ khóa: