Sự kiện hot
5 năm trước

Bất cập ở chợ Bình Hương, Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu lừa đảo?

Phân tích các vấn đề, điều khoản hợp đồng mà HTX Bình Hương đưa để ký kết với các tiểu thương, Luật sư nhận định chủ đầu tư có nhiều dấu hiệu lừa đảo.

Liên quan đến phản ánh của các tiểu thương đang mua ki-ốt tại chợ Bình Hương (TP Hà Tĩnh) về việc chủ đầu tư gây khó khăn cho việc bàn giao, một căn hộ xuất hiện 2 hợp đồng chuyển nhượng… Luật sư Phan Văn Chiều, Văn phòng Luật An Phát (TP. Hà Tĩnh) nhận định có nhiều dấu hiệu lừa đảo.

- Phóng viên: Thưa Luật sư, qua nghiên cứu Hợp đồng góp vốn theo mẫu của HTX Bình Hương dành cho khách hàng, Luật sư có đánh giá như thế nào về tính pháp lý của Hợp đồng này?

Luật sư Phan Văn Chiều: Một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc xác lập giao kết dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 đó là phải trên cơ sở bình đẳng, tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận giữa các bên.

Hơn nữa, tại điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ cũng đã quy định rất rõ chủ đầu tư được huy động vốn để xây dựng chợ nhưng phải trên cơ sở thỏa thuận với thương nhân đăng ký sử dụng hoặc thuê địa điểm kinh doanh tại chợ.

Chợ Bình Hương, nơi tồn tại nhiều vấn đề bất cập cần được làm rõ.

Như vậy, rõ ràng việc HTX Bình Hương nhận góp vốn từ các tiểu thương nhưng lại đưa ra hợp đồng góp vốn theo mẫu riêng của HTX Bình Hương xét về nguyên tắc là không tuân thủ các quy định trên đây và nếu trường hợp xảy ra tranh chấp thì rõ ràng “thiệt thòi” vẫn sẽ luôn là thuộc về các tiểu thương.

- Chiếu theo các điều khoản đã ký kết, việc chậm bàn giao ki ốt cho tiểu thương, bên nào phải chịu trách nhiệm về việc này?

Theo các tài liệu được cung cấp thể hiện rất rõ giữa các tiểu thương và HTX Bình Hương đã ký kết “Hợp đồng kinh tế về việc cho thuê ki ốt…” và nếu giữa các bên đã có biên bản bàn giao, cũng như biên bản đối chiếu công nợ nhưng HTX Bình Hương vẫn không bàn giao ki ốt cho tiểu thương thì đương nhiên HTX Bình Hương là bên sai phạm. Cụ thể, theo khoản 3.2.1 hợp đồng kinh tế về việc cho thuê ki ốt…đã quy định rất rõ bên B (tiểu thương) được hưởng quyền lợi đó là “quyền sử dụng địa điểm kinh doanh”, việc HTX Bình Hương không bàn giao ki ốt rõ ràng là xâm phạm quyền được sử dụng địa điểm kinh doanh của các tiểu thương theo hợp đồng các bên đã ký kết.

- Khi khách hàng không tiếp tục hợp đồng và thanh lý hợp đồng bên HTX đã đưa ra văn bản thanh lý có dấu đỏ và chữ ký của Phó Tổng giám đốc kèm theo nội dung sẽ thanh toán tiền trong thời gian 30 ngày, tuy nhiên HTX đã quá mất 2 tháng. Trong trường hợp này, phía Hợp tác xã đã thực hiện đúng cam kết chưa?

Khi các bên thống nhất thanh lý hợp đồng và có những thỏa thuận kèm theo không trái pháp luật thì đương nhiên các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận.

Theo đó, HTX Bình Hương đã cam kết thanh toán tiền trong thời hạn 30 ngày nhưng quá thời hạn này (hơn 02 tháng) mà HTX Bình Hương vẫn không thanh toán rõ ràng HTX Bình Hương đã vi phạm thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, tiểu thương có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc HTX Bình Hương thực hiện nghiêm túc nội dung đã thỏa thuận.

- Trong quá trình mở bán và bàn giao ki ốt, xuất hiện tình trạng một ki ốt được bán cho 2 người, liệu có dấu hiệu vi phạm ở đây không, thưa Luật sư?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối để người khác tin tưởng, giao tài sản cho người phạm tội.

Nếu có việc một ki- ốt nhưng HTX Bình Hương bán cho hai người rõ ràng là có sai phạm nhưng có đủ yếu tố xác định lừa đảo chiếm đoạt tài sản (bị xác định là tội phạm) thì rõ ràng các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra làm rõ. Theo đó, nếu quá trình điều tra làm rõ được việc HTX Bình Hương cố ý gian dối trong việc một ki-ốt nhưng bán cho hai người nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của những người này thì hoàn toàn có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

“Ở đây không theo cái luật nào cả!”

Đó là khẳng định của một người tự xưng là Phó Tổng Giám đốc HTX Bình Hương khi phóng viên xuất trình thẻ Nhà báo đề nghị cung cấp thông tin về những phản ánh của bà con tiểu thương.

Theo đó, để làm rõ những vấn đề mà bà con tiểu thương đang thắc mắc, phóng viên đến văn phòng của HTX tại địa điểm chợ Bình Hương. Một người phụ nữ đề nghị xuất trình thẻ Nhà báo để kiểm tra. Khi PV xuất trình thẻ Nhà báo, người này dùng điện thoại chụp ảnh và giải thích rằng “gửi lên cho Phó Tổng giám đốc”.

Mấy phút sau, một người đàn ông từ tầng 2 bước xuống và giới thiệu là Tạ Quang Huy – Phó Tổng Giám đốc HTX chợ Bình Hương đề nghị PV cung cấp Giấy giới thiệu thì mới làm việc.

Mặc dù phóng viên đã giải thích với ông Huy rằng: “Theo Luật Báo chí, phóng viên đi tác nghiệp chỉ cần xuất trình thẻ Nhà báo… Cơ quan đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ có nghĩa vụ cung cấp thông tin…” nhưng vị này vẫn tỏ ra không hiểu và nói nặng lời: “Các anh chị làm việc không chuyên nghiệp, Công an đến làm việc cũng cần có Giấy Giới thiệu đàng hoàng. Còn ở đây không theo cái luật nào ở đây cả. Anh đưa luật ra dạy tôi, xin lỗi tôi học luật và dạy luật ở đây bao nhiêu năm nay, chứng tỏ các anh chị không hiểu luật”… rồi đùng đùng bỏ đi và yêu cầu người phụ nữ “đuổi họ (phóng viên) đi, không làm việc!”.

Báo Đời sống & Tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Diễm Phước 
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: