Sự kiện hot
11 năm trước

Bất động sản – có gỡ khó được không?

“Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đều thua lỗ, có nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì nợ xấu tăng, nợ vay lớn, không thể cơ cấu lại nợ đến hạn, hàng tồn kho lớn không bán được”,

“Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đều thua lỗ, có nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản vì nợ xấu tăng, nợ vay lớn, không thể cơ cấu lại nợ đến hạn, hàng tồn kho lớn không bán được”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết như vậy trong giải trình gần đây của các Bộ, ngành liên quan đến thị trường bất động sản với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Doanh nghiệp đã thực sự “hết phép”

Con số thống kê cụ thể của 2 tháng đầu năm 2013 dẫu chưa có nhưng diễn biến trên thực tế cho thấy số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đăng ký giải thể, ngừng hoạt động vẫn không ngừng tăng lên và chắc chắn sẽ đặc biệt “sôi động” trong tháng 4 và tháng 5 tới, khi mà thời điểm thanh khoản giữa năm cũng đang đến gần...


Nguồn vốn ngân hàng và nguồn tiền trong dân vẫn là kênh huy động chính cho thị trường bất động sản.

Doanh nghiệp trong nước hết vốn (nói cho đúng là bị “cắt” vốn, bởi phần lớn là vốn vay từ ngân hàng), trong khi sản phẩm tồn kho hàng loạt. Đã có nhiều thời điểm, nhất là giai đoạn cuối năm 2012, chúng ta đặt nhiều hy vọng vào nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để vực dậy thị trường, ít nhất trong giai đoạn nửa đầu năm 2013 như hiện nay. Thực tế, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ nửa cuối năm 2012 trở đi là khá lớn. Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, cho đến hết năm, đã có 389 dự án đầu tư nước ngoài trog lĩnh vực bất động sản được cấp phép với tổng số vốn đầu tư lên tới 49,8 tỷ USD. Dẫu trong số này đã có tới 85 dự án phải giải thể giữa chừng và 5 dự án hết hạn với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD, nhưng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ lệ tương đối, vào khoảng 23,32% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy vậy, tác động của những nguồn vốn đầu tư này đối với thị trường hầu như là con số 0; bởi lẽ đa số các vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản tập trung vào phân khúc cao cấp (vốn là thế mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài) như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, văn phòng, căn hộ cao cấp... Trong khi đó, ai cũng biết rằng trên thị trường bất động sản nước ta hiện nay, phân khúc này đã rơi vào trạng thái bão hòa từ lâu, dẫu đóng băng nhưng giá vẫn đứng ở mức cao, khó tìm đầu ra cho thị trường trong tình hình suy thoái kinh tế đang diễn ra. 

Như vậy, cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong nước gần như đã “bó tay”, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chưa rõ số phận của mình nếu không tìm được nguồn vốn đáo nợ ngân hàng, khi mà giai đoạn thanh khoản giữa năm không còn xa nữa. Còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tuy sẵn tiền, nhưng hướng đầu tư phần lớn cũng rơi vào bế tắc hay gặp khó khăn về đầu ra do suy thoái kinh tế. Nghĩa là, sau thời gian dài cầm cự, cho đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp còn tồn tại cũng gần như bó tay với thực tế đóng băng của thị trường, đồng nghĩa với đóng băng luôn nguồn vốn vay hay được đầu tư vào...

Hãy tự cứu trước khi chờ được cứu

Để hỗ trợ thị trường bất động sản, thời gian qua Chính phủ cũng như các Bộ, ngành liên quan đã đưa ra hàng loạt giải pháp cụ thể. Tuy vậy, ngay cả khi những giải pháp cũng như đề xuất này được triển khai đồng bộ vào thực tế thì yêu cầu tự vận động của doanh nghiệp vẫn là rất lớn, nếu thực sự muốn khơi thông lại thị trường đang thật sự đóng băng hiện nay. Mà trong đó, yêu cầu về nguồn vốn vẫn là lớn nhất và xuyên suốt nhất.


Chỉ có minh bạch và công khai mọi thông tin về thị trường bất động sản, mới mong có thể lấy lại lòng tin của người dân.

Trong ngắn hạn, nguồn vốn ngân hàng và nguồn tiền trong dân vẫn là kênh huy động chính cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, chúng ta đều biết việc trông chờ nguồn vốn đủ lớn từ hệ thống ngân hàng là không khả thi; bởi chính hệ thống này cũng đang có vấn đề về nợ xấu, hàng loạt tổ chức tín dụng cũng như ngân hàng thương mại phải tiến hành cơ cấu lại. Trong khi đó, nguồn tiền trong dân ai cũng biết là rất lớn (dẫu lớn thế nào thì cũng chỉ có thể áng chừng được thôi, qua ước tính lượng tiền mặt và nhất là vàng tích trữ tại các gia đình), nhưng để huy động được nguồn vốn này cũng không hề đơn giản. Huy động vào ngân hàng qua kênh gửi tiết kiệm thì ngày càng ít hấp dẫn do lãi suất huy động hạ, mà bản thân ngân hàng cũng đang khiến người dân bất an. Hy vọng khai thông nguồn vốn này vào thị trường bất động sản càng khó hơn rất nhiều, bởi niềm tin của người dân hầu như đã chạm đáy.  

Vậy làm thế nào để người dân chịu “bỏ tiền”? Cầu hoạt động trở lại thì cung mới bớt dần được áp lực. Thiết nghĩ, ngoài các giải pháp cốt lõi về hỗ trợ thị trường đã được Chính phủ nêu trong Nghị quyết 02, không chỉ các doanh nghiệp mà cả các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, nhất là ở những đô thị lớn, cần phải cân nhắc lại một cách nghiêm túc hai từ “công khai” và “minh bạch”. Chỉ có công khai và minh bạch mọi thông tin về thị trường, mới mong có thể lấy lại lòng tin của người dân. Gần đây, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành đã đề xuất thị trường chuyển hướng cơ cấu sản phẩm sang mảng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ để kích cầu. Tuy vậy, đó cũng mới chỉ là một vế của vấn đề. Những cái cũng cần phải điều chỉnh nữa là giá cả, chất lượng sản phẩm và dịch vụ bất động sản.

Trong năm 2012 đã có 680 doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản đăng ký giải thể, ngừng hoạt động (con số của năm 2011 thống kê được là 576 doanh nghiệp).

Cái lo ngại của chúng ta hiện nay là số hàng tồn kho bất động sản cao ngất ngưởng hiện nay, với phần lớn trong số đó là nhà ở chung cư. Tính thanh khoản của phân khúc cốt lõi này chỉ có thể được cải thiện với điều kiện chất lượng công trình được đảm bảo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội các khu nhà ở được đầu tư xây dựng đồng bộ, các tranh chấp trong quản lý và sử dụng nhà chung cư được giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng – điều mà hầu hết các nhà ở chung cư hiện tại đều thiếu, và cũng là điều gây bất bình lớn nhất của người dân sử dụng dịch vụ chung. Dẫu đây không phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thị trường địa ốc như hiện nay, nhưng nó là nguyên nhân khá quan trọng để người dân quay lưng với các sản phẩm nhà đất mà cách đây chưa lâu có tiền chưa chắc đã có nhà mà mua.

Thanh Tuấn
theo GD&TĐ

Từ khóa: