Sự kiện hot
4 năm trước

Bất động sản Long An tiếp tục hưởng lợi lớn từ “cú huých” hạ tầng khu Nam TPHCM

So với các địa phương giáp ranh với TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, thị trường bất động sản tại Long An đi sau khá lâu. Nhưng hiện tại, nơi đây đang trở thành tâm điểm và nhận được sự chú ý đặc biệt của các “ông lớn” trong giới địa ốc vì giá còn mềm.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng TPHCM bao gồm 8 tỉnh, thành là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tiền Giang và Tây Ninh. Đây sẽ là vùng đô thị hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm thương mại, tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu… 

Vùng TPHCM sẽ phát triển không gian theo hướng cân bằng, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, có khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với TPHCM là hạt nhân trung tâm. TPHCM cũng đã có các quyết định đầu tư mạnh cho mạng lưới giao thông kết nối theo đúng quy hoạch mở rộng đô thị vùng về phía Nam.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, theo đề án Quy hoạch vùng TP.HCM thì 3 huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa của Long An sẽ là đô thị vệ tinh của TP.HCM.

Theo GS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, qua nghiên cứu nếu vùng đô thị TPHCM được mở rộng, TP.HCM sẽ có thêm tổng diện tích khoảng 48.000-50.000 ha, dân số khoảng 37-42 vạn người. Như vậy, diện tích TP.HCM sẽ tăng lên khoảng 50 km2. Một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An nằm trong quy hoạch cũng đã và đang thực hiện nhiều chiến lược đầu tư lớn nhằm đón đầu cơ hội này.

Điển hình như Long An đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới 2030 và cũng đã sẵn sàng cho việc đón làn sóng đầu tư từ TP.HCM lan toả đến. Đặc biệt, tỉnh Long An và TPHCM từ nhiều năm trước đã làm việc với nhau để cùng kêu gọi đầu tư, thực hiện việc nâng cấp - mở rộng các tuyến đường kết nối theo hướng Nam TPHCM về Long An.

Trong tương lai, Long An sẽ có tuyến QLN1, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cũng như đường sắt TPHCM - Trung Lương kết nối. Còn về giao thông thủy, có hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây gắn với Cảng Quốc tế Long An trên cửa sông Soài Rạp đã đi vào hoạt động.

Hiện nay, Long An cũng tiếp tục đẩy nhanh đầu tư hoàn chỉnh các trục động lực kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh phục vụ phát triển công nghiệp như các trục nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng, đặc biệt là các trục giao thông kết nối với TPHCM.

Trong đó, nhằm giảm tải cho QL1 về phía Đông, Bộ GTVT đang xây dựng phương án đầu tư tuyến đường song hành với QL50. Có thể nói, tuyến đường này được xem là trục động lực, khi hoàn thành sẽ khơi dậy tiềm năng của vùng hạ Long An (gồm các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành), đồng thời, nó cũng là "cửa ngõ" kết nối với TPHCM cho các huyện ven biển của Tiền Giang qua cầu Mỹ Lợi như huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công.

Ngoài ra, nhiều tuyến đường trọng điểm được nâng cấp và mở rộng như: 835B, 826C, 830... giúp kết nối giao thương thuận lợi đến trung tâm hành chính huyện và khu vực lân cận. Một số công trình trọng điểm như đường Tân Tập - Long Hậu, đường cao tốc Bến Lức -Long Thành, đường Đức Hòa - Tân Tập được triển khai thực hiện, kết nối các khu, cụm công nghiệp trong huyện với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang.

Gần đây, UBND tỉnh Long An và TPHCM đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một con đường mới song hành với QL50 bổ sung vào quy hoạch GTVT TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 và theo quy hoạch, điểm đầu của tuyến đường mới sẽ kết nối với dự án nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu Kênh Cây Khô tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè (TPHCM, dài khoảng 800m), điểm cuối sẽ kết nối với QL50 tại lý trình Km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)).

Mới đây, Sở GTVT TPHCM vừa ký văn bản báo cáo UBND TPHCM về việc tăng cường đầu tư hạ tầng cho khu Nam kết nối với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM.

Theo Sở GTVT, hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông chính của khu Nam cơ bản là những tuyến đường đã được đầu tư hình thành khá lâu trước đây, như đường Nguyễn Văn Linh (vừa có chức năng là đường vành đai vừa là đường đô thị), đường Nguyễn Văn Cừ, quốc lộ 50, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, đường Bắc - Nam, đường Nguyễn Tri Phương nối dài, cầu Tân Thuận 2, đường Huỳnh Tấn Phát…

Cùng với việc đầu tư, thay thế các cầu yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương đã hình thành các trục đường chính kết nối khu Nam với các khu đô thị hiện hữu nội thành, góp phần phát triển các khu đô thị vệ tinh của thành phố, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch đô thị về hướng Nam trong tương lai.

Về đường bộ, đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, đã có kế hoạch đầu tư hoặc đang thực hiện đầu tư, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể: Dự án Nâng cấp mặt đường Huỳnh Tấn Phát (từ đường Trần Xuân Soạn đến phà Bình Khánh); Xây dựng mới 3 cầu (thay thế các cầu yếu Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm) trên đường Lê Văn Lương; Xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; Xây dựng, cải tạo, mở rộng nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư; Nâng cấp đường Nguyễn Hữu Thọ (từ cầu Kênh Tẻ đến đường Nguyễn Văn Linh).

Cũng theo Sở GTVT, trong thời gian tới TPHCM sẽ tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án: Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (vượt Kênh Tẻ và rạch Bến Nghé) nối các quận 1, 4, 7; Nâng cấp quốc lộ 50 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An); Xây dựng mới cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương; Nâng cấp đường Phạm Hữu Lầu (đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Phước Long); Xây dựng đường Nhơn Đức - Phước Lộc nối dài (đoạn từ cầu Kênh Cây Khô đến quốc lộ 50); Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng; Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50.

Song song đó, Sở GTVT sẽ chủ trì phối hợp với nhiều đơn vị liên quan tăng cường kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đó là: Xây dựng cầu đường Bình Tiên; Xây dựng tuyến đường trục Bắc - Nam (từ đường Hoàng Diệu đến cầu Bà Chiêm) giai đoạn 3;

Xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương; Xây dựng đường Vành đai 2, đoạn 4 (từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh); Mở rộng đường Nguyễn Văn Linh (từ Nguyễn Thị Thập đến Huỳnh Tấn Phát); Xây dựng cầu Phú Xuân 2B và đường 15B (trên trục đường Nguyễn Lương Bằng kéo dài); Đầu tư xây dựng các cầu lớn như cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh, cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 với quận 7).

Đối với đường sắt, Sở GTVT sẽ phối hợp cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến xe điện mặt đất số 2 (quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy - Khu đô thị Bình Quới); Tuyến đường sắt đô thị số 4a (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước); Tuyến đường sắt đô thị số 5 giai đoạn 2 (Bến xe Cần Giuộc mới - ngã tư Bảy Hiền).

Theo UBND TPHCM, địa phương hiện đang đầu tư, kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp với nhau, kết nối với khu đô thị cảng Hiệp Phước, Cảng biển Quốc tế Long An, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là kết nối với các huyện giáp ranh: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và TP.Tân An.

Qua đó cho thấy TPHCM đang huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng với ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần thực hiện nhanh chóng múc tiêu kéo giãn dân, phát triển các khu đô thị vệ tinh thuộc vùng đô thị mở rộng TPHCM về hướng Long An.

Từ những quyết sách đầu tư mạnh mẽ này, bức tranh phát triển bất động sản của vùng TPHCM về phía Nam đã phát triển khá nhanh và bài bản. Từ đó, thị trường bất động sản Long An liên tục tăng giá, tạo thành những cơn “sốt” nhất là tại các khu vực giáp ranh TP.HCM như Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc...

Theo nhận định từ một số công ty nghiên cứu thị trường BĐS mới đây, thị trường nhà phố và biệt thự xây sẵn TPHCM đã được kỳ vọng sẽ đón nhận những nguồn cung lớn từ các chủ đầu tư có tên tuổi trong và ngoài nước vào thời điểm cuối quý 3/2019, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, các dự án đều bị trì hoãn lịch chào bán đến cuối năm 2019. Điều này tiếp tục khiến cho thị trường TPHCM trở nên kém hấp dẫn hơn khi nguồn cung mới ”nhỏ giọt” và giá chào bán bị đẩy lên cao do bất động sản trải qua nhiều lần đổi chủ. 

Ngược lại ở thị trường các tỉnh thành lân cận TPHCM như Long An hay Đồng Nai, quý vừa qua đã cho thấy sự sôi động rõ ràng hơn với các dự án khu đô thị lớn được giới thiệu. Đơn cử ở thị trường khu vực các huyện tiếp giáp TP.HCM của tỉnh Long An, nguồn cung mới chào bán trong 9 tháng đầu năm đã tăng cao gần 30% so với toàn TPHCM. Các dự án nhà liền thổ xây sẵn ở tỉnh này tập trung vào các yếu tố môi trường sống sạch và cảnh quan xanh mát cùng với giá bán và chính sách thanh toán hấp dẫn, các dự án khu đô thị được giới thiệu trong mối liên kết chặt chẽ với TPHCM về hạ tầng đang thu hút được nhiều sự chú ý từ người mua. 

Theo đó, ngoài những doanh nghiệp địa phương như Trần Anh Long An, Cát Tường Đức Hòa, Đồng Tâm Long An..., Long An đã chứng kiến một sự đổ bộ của các đại gia địa ốc tên tuổi như Thaco, Vingroup, Vạn Thịnh Phát, T&T Group, Danh Khôi, Him Lam, Sea Holdings… Trong đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được UBND tỉnh Long An chấp thuận đầu tư 36 dự án với diện tích 2.086 ha vào huyện Bến Lức. 

Thị trường này còn phải kể đến các công ty như: Vingroup đang đầu tư Dự án Vincom Shophouse Tân An; Công ty Bất động sản Danh Khôi (DKR) đã công bố Dự án Long Hậu Riverside, với quy mô diện tích hơn 20 ha; Công ty Sea Holdings hiện cũng đang phát triển một dự án với diện tích 3 ha; Tập đoàn Becamex đang xúc tiến thành lập một khu phức hợp đô thị - công nghiệp - dịch vụ có quy mô khoảng 3.045 ha tọa lạc tại huyện Bến Lức...

Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, với xu hướng khai thông khu Nam Sài Gòn, phá thế cô lập của Nhà Bè, bất động sản một số vùng giáp ranh với TPHCM như Cần Giuộc, Đức Hoà sẽ giữ nhịp tăng trưởng cao, là khu vực trọng điểm dẫn dắt thị trường Long An.

Đơn cử là Cần Giuộc, nhờ mạnh tay đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, đang ngày càng thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Hiện Cần Giuộc sở hữu nhiều KCN quy mô lớn như: KCN Đông Nam Á Long An, KCN Tân Kim, KCN Long Hậu... kết nối thuận tiện tạo trục phát triển với Khu đô thị cảng Hiệp Phước được định hướng trở thành đặc khu kinh tế về cảng biển của TP.HCM. Điều này cho thấy trong tương lai nơi đây sẽ trở thành một trong những đô thị sầm uất khu vực phía Nam Sài Gòn.

Đình Tú
Theo Nhịp sống kinh tế

Từ khóa: