Sự kiện hot
8 năm trước

Bất động sản vẫn đau đầu vì vốn

Vốn vẫn luôn là bài toán khó khăn của doanh nghiệp BĐS và theo ý kiến của các chuyên gia tín dụng ngân hàng thì vốn vẫn là số 1 với thị trường BĐS.

Vốn cho bất động sản luôn là vấn đề đau đầu với các chủ đầu tư dự án. Trên thực tế rất nhiều công trình, nhiều dự án dở dang, thậm chí phải “nằm đắp chiếu” vì thiếu  vốn giữa chừng. Để giải bài toán về vốn cho thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia đã đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực tại Hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường BĐS 2016” diễn ra hôm 23/3 tại Hà Nội.

Nhận xét về nguồn vốn trên thị trường hiện nay, Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng BĐS sử dựng chủ yếu 5 luồng vốn đầu tư bao gồm: Vốn tự có của các nhà đầu tư trong nước; Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI); Vốn do nhà đầu tư dự án huy động trực tiếp từ người mua BĐS thông qua cơ chế phân chia lợi ích kinh doanh hoặc cơ chế mua bán nhà hình thành trong tương lai; Vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại; Vốn huy động từ thị trường chứng khoán.

Theo GS Võ, thị trường BĐS Việt Nam chưa tạo được luồng vốn đầu tư ổn định. Vì thế, ông đưa ra hai giải pháp mới về vốn cho BĐS là Chứng khoán hóa vốn đầu tư vào BĐS và cho phép thế chấp bằng BĐS ở Việt Nam tại các ngân hàng thương mại nước ngoài.

 


Bất động sản luôn đau đầu vì vốn. Ảnh minh họa

 

Ở góc độ của một chuyên gia về tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) đánh giá, tín dụng ngân hàng vẫn là số 1 với thị trường BĐS. Ngược lại, ngân hàng cũng thích cho vay bất động sản bởi có tài sản thế chấp; dù có thể suy giảm trong ngắn hạn nhưng về dài hạn vẫn là thị trường nền tảng. Hơn nữa bất động sản cũng là nơi trú ẩn cho các nhà đầu tư.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường BĐS, ông Nghĩa đã lấy mốc thời gian 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO và năm 2016 khi Việt Nam ký hiệp định TPP. Ở thời điểm 2006, thị trường BĐS đã đầu tư quá mức dẫn đến tín dụng tăng khủng khiếp, cao nhất 54%, dẫn đến lạm phát tăng lên tới 2 con số, rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế vĩ mô. Còn năm 2016, đầu tư tăng thận trọng hơn, dưới 20%, lạm phát thấp. Cũng dưới tác động của hiệp định TPP, trong ngắn hạn xu hướng kinh tế đi xuống nhưng hướng đi lên sẽ là dài hạn.

Trong nhận định của mình, ông Nghĩa cho rằng đến năm 2018, thị trường BĐS sẽ cân bằng giữa cung và cầu và đến năm 2019, cầu sẽ nhiều hơn cung. Một trong những nguyên nhân là với tác động của TPP, sẽ có khoảng 2,5 đến 3 triệu người từ nông thôn ra thành phố, cộng thêm hàng vạn kỹ sư, công nhân nước ngoài vào nên nhu cầu nhà ở sẽ rất lớn ở nhiều phân khúc.

Từ những phân tích về thị trường TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc siết chặt tín dụng nói chung và tín dụng BĐS vào thời điểm này là chưa cần thiết, thay vào đó cầu kiểm soát tín dụng hiệu quả hơn. Để tiếp tục hỗ trợ cho phục hồi nền kinh tế và thị trường bất động sản thì chính sách tiền tệ nên được nới lỏng một cách hợp lý, có tầm nhìn chiến lược để ổn định lãi suất và linh hoạt tỷ giá hối đoái một cách bài bản, khoa học.

Số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS(Bộ Xây dựng) cho thấy trong năm 2015, tại thị trường Hà Nội có khoảng 20.000 giao dịch, tăng khoảng 70%  so với năm 2014. Còn tại TP Hồ Chí Minh, con số này là 26.000 giao dịch, tăng gấp 1,5 lần so với 2014.

Thị trường bất động sản chiếm 20% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Sự khởi sắc của thị trường BĐS có tác động lớn đến việc thay đổi bộ mặt đô thị và đáp ứng được một phần nhu cầu của xã hội.Tuy nhiên, bài toán về vốn cho thị trường bất động sản 2016 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn  nhất là khi Ngân hàng Nhà nước sửa Thông tư 36 theo hướng siết chặt dòng vốn từ các nhà băng đổ vào địa ốc có thể khiến thị trường xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu trong thời gian tới.

Trần Anh
theo Công lý

Từ khóa: