Sự kiện hot
12 năm trước

Bí ẩn thánh địa vàng ở Quảng Nam

Ẩn đằng sau những ngôi tháp trầm mặc trong ánh chiều tà kia là một kỹ thuật xây dựng bí ẩn, nhuốm màu huyễn hoặc. Có nhiều giả thiết về chất kết dính giữa các viên gạch trên tháp Chăm nhưng vẫn chưa có được câu trả lời.

Ẩn đằng sau những ngôi tháp trầm mặc trong ánh chiều tà kia là một kỹ thuật xây dựng bí ẩn, nhuốm màu huyễn hoặc. Có nhiều giả thiết về chất kết dính giữa các viên gạch trên tháp Chăm nhưng vẫn chưa có được câu trả lời.

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi.

Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa năm 1999.

Qua đoạn đường nhỏ với hàng cây cao, thẳng tắp đầy lãng mạn, bạn sẽ bước chân vào một thế giới khác. Khi đứng trước những di tích còn lại của nền văn hóa Champa, bạn như quên đi cuộc sống ngược xuôi của thực tại mà mơ tưởng về một thời kỳ hùng mạnh của xứ sở Champa. Những cụm tháp nhỏ, với một tòa tháp chính ở giữa, nhiều tháp phụ bao bọc xung quanh như một sự tôn vinh về quyền lực và đoàn tụ về tổ chức, những gì còn lại nơi đây thật đầy hoài niệm.

Có đến thung lũng này vào buổi hoàng hôn mới thấy được hết vẻ đẹp của phế tích Mỹ Sơn. Những ngôi tháp cổ bỗng chốc trở nên lung linh, huyền ảo trong nắng chiều và dường như các nàng vũ nữ Apsara lại tiếp tục vũ điệu ngàn năm của mình. Tiếng gió rì rào qua núi như bỗng trở thành nhịp trống baranưng bập bùng càng làm vũ điệu Chămpa thêm say lòng người.

Thánh địa Mỹ Sơn được ví như những tòa tháp cổ của người Champa, là nơi  là nơi có không gian lý tưởng cho một trung tâm đậm đà bản sắc tôn giáo Chăm Pa mang trong mình vẻ đẹp của một nền  văn minh đã mất.

Nghệ thuật kiến trúc đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ. Thánh địa có một tháp chính (Kalan) và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh. Những đền tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng bằng gạch đỏ, không vôi phủ ngoài, giữa các viên gạch không có mạch hồ. Các đền tháp đều có hình tứ giác. Mái tháp được cấu trúc theo nhiều tầng tháp chồng lên nhau, trên đặc dưới rỗng, càng lên cao càng nhỏ dần tạo dáng cao vút. Mặt ngoài cửa các tháp mang những đường nét và đường cong mô tả hình người, hình động vật, cỏ cây hoa lá với nhiều dáng vẻ khác nhau rất sinh động và uyển chuyển.

Trong những ngôi đền tháp chính thường thờ một bộ Linga, tượng trung cho thần Siva, đấng hủy diệt tạo dựng vũ trụ. Nhưng cũng có khi thờ hình tượng của thần dưới dạng một người đàn ông. Các đền miếu nhỏ thờ các vị thần như thần Sấm, Sét, Indra, thần mặt trời Surya, thần chiến tranh Skanda…

Những phù điêu, tượng đá tại đây thể hiện phần nào tín ngưỡng và khát vọng của người Chăm. Đó là chưa kể đến hàng trăm tấm bia đá khắc đầy ký tự cổ là những tư liệu khảo cổ vô cùng quý giá.

Không quá hùng vĩ như các đền Ankor (Campuchia), cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi làn sóng du lịch như đô thị cổ Hội An, nhưng Mỹ Sơn vẫn cuốn hút được nhiều du khách bởi nét trầm mặc rất riêng của mình. Trong từng viên gạch, từng tấm phù điêu vũ nữ đang say múa, từng ngôi tháp cổ đổ nát… tất cả như đang kể cho khách phương xa những câu chuyện về một thời kỳ rực rỡ đã qua.

Hàng ngàn năm trôi qua mà vẫn không làm phai được sắc đỏ thắm của viên gạch nơi tháp cổ. Ẩn đằng sau những ngôi tháp trầm mặc trong ánh chiều tà kia là một kỹ thuật xây dựng bí ẩn, nhuốm màu huyễn hoặc. Có nhiều giả thiết về chất kết dính giữa các viên gạch trên tháp Chăm nhưng vẫn chưa có được câu trả lời. Có người còn cho rằng những nghệ nhân Chăm xưa kia đã chất đất sét thành hình những tòa tháp rồi mới nổi lửa nung. Thậm chí, người dân vùng này còn nói rằng dưới chân những tòa tháp có những “bộ rễ” bằng gạch để hút tinh khí trong lòng đất mẹ nuôi thân tháp. Nếu chặt đứt “bộ rễ”, tháp sẽ “chết khô” như một loài cây…

Có phải vì những màu sắc huyễn hoặc này mà những ngôi tháp Chăm kia mãi mãi có một sức hút thật khó cưỡng lại với những ai đã từng một lần đến Mỹ Sơn. Thật và ảo, vàng son và đổ nát…, tất cả đã làm nên một tình yêu đắm say với Mỹ Sơn trong lòng du khách khi lạc bước vào thung lũng này.

Minh Thành
Theo Datviet

Từ khóa: