Sự kiện hot
12 năm trước

Bỏ trần chi phí quảng cáo, tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp

Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), xóa bỏ quy định về khống chế các khoản chi phí quảng cáo không được vượt quá 10% tổng số chi được khấu trừ của doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), xóa bỏ quy định về khống chế các khoản chi phí quảng cáo không được vượt quá 10% tổng số chi được khấu trừ của doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Quảng cáo - khâu tất yếu cho thành công

Đối với doanh nghiệp, quảng cáo là cách thức phổ biến để tung hàng hóa dịch vụ ra phục vụ người tiêu dùng. Thông tin từ hoạt động quảng cáo có thể nói lên sự tồn tại của sản phẩm, hay thông tin về chất lượng sản phẩm (mẫu mã, mùi vị, vòng đời sản phẩm). Có những hình thức quảng cáo cung cấp thông tin về giá cả sản phẩm, nguồn cung cấp hoặc đưa ra hướng dẫn cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm hiệu quả nhất.

Tại Việt Nam, ngày càng xuất hiện nhiều quảng cáo cổ vũ cộng đồng tích cực tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến hệ sinh thái như giấy tái chế, các loại vật liệu sạch, ô tô chạy bằng nhiên liệu sinh học… Tương tự, khuyến mại hướng dẫn cách tiếp cận, hoặc cung cấp thông tin về các ưu đãi khuyến khích khách hàng mua hàng. Có thể nói, các hoạt động quảng cáo và khuyến mại là một trong những hình thức quan trọng hỗ trợ hoạt động bán hàng của các công ty hiện nay.

Theo phân tích của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), trong một nền kinh tế thị trường, hoạt động của doanh nghiệp bắt đầu từ việc nghiên cứu thị trường về khả năng tồn tại của sản phẩm, từ thiết kế sản phẩm rồi các khâu đoạn tiếp theo nhằm đưa lại những lợi ích cuối cùng cho người tiêu dùng.

Chi phí phát sinh từ chuỗi giá trị này bao gồm chi phí nghiên cứu, phân bổ chi phí đầu tư, nguyên liệu dùng cho sản xuất và nguyên liệu đóng gói, chi phí sản xuất và phân phối, bán hàng đồng thời bao gồm cả chi phí thu thập thông tin của khách hàng tiềm năng và khả năng tiếp cận của khách hàng với các lợi ích của sản phẩm với chi phí và rủi ro thấp. Đây là một khâu tất yếu trong chuỗi giá trị, mà bất cứ doanh nghiệp thành công nào đều thấy được sự cần thiết phải đầu tư những khoản đáng kể hàng năm.

Gỡ nút thắt, tăng khả năng cạnh tranh

Trên thế giới, cùng với Trung Quốc thì hiện chỉ có Việt Nam vẫn giữ nguyên chính sách khống chế chi phí quảng cáo khuyến mại, vốn đã được áp dụng suốt 13 năm nay kể từ khi Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đầu tiên được Quốc hội khóa IX, kỳ họp 11 thông qua ngày 10/5/1997 và có hiệu lực từ 1/1/1999. Trong các kỳ sửa đổi luật sau này, mức không chế trên được nâng từ 7% lên 10% tại Luật thuế TNDN năm 2003, và áp dụng mức 15% trong 3 năm đầu cho doanh nghiệp mới thành lập tại Luật thuế TNDN 2008.

Bà Hương Vũ, Phó tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Thuế và Tư vấn, Công ty Ernst and Young Việt Nam

Chia sẻ quan điểm với báo chí bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa qua, bà Hương Vũ, Phó tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Thuế và Tư vấn, Công ty Ernst and Young Việt Nam, cho biết thuế TNDN hiện nay là 25% và có thể sẽ được hạ xuống 20%, nhưng với mức thuế suất 25% đang áp dụng, cộng với việc khống chế 10% chi phí quảng cáo, khuyến mại thì cộng gộp lại toàn bộ thuế TNDN có thể lên đến 32% hoặc 40%. Mức thuế quá cao này là một gánh nặng lớn, làm cản trở sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước nhà.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoạt động quảng cáo tiếp thị có vai trò quan trọng đối với sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam vốn đã cạnh tranh kém, nay lại bị “trói” bởi giới hạn 10% này, khiến nhiều doanh nghiệp càng rụt rè không muốn quảng bá thương hiệu của mình. Và hệ quả ai cũng biết, đó là thương hiệu hàng Việt Nam ngày càng tỏ ra hụt hơi đuối sức trong cạnh tranh, thậm chí thua trắng ngay trên sân nhà.

Để giải quyết triệt để vấn đề tồn đọng này, EuroCham đã nhiều lần lên tiếng chính thức đề xuất Chính phủ xóa bỏ toàn bộ mức khống chế 10% này. Gần đây, trong buổi làm việc với Tổng Cục thuế, đại diện Eurocham phát biểu rằng quy định hiện hành về giới hạn chi phí quảng cáo được khấu trừ đang hạn chế các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị vì các doanh nghiệp này khó có thể chịu nổi chi phí lớn. Việc này dẫn tới hệ quả là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng đánh mất khả năng cạnh tranh trước các công ty quốc tế.

Eurocham kiến nghị Bộ Tài chính nhanh chóng cởi bỏ nút thắt này, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài thông qua đầu tư mạnh hơn vào thương hiệu doanh nghiệp.

Bảng mức thuế suất thực tế phải trả cho các nhu cầu QC&KM khác nhau

Tỷ lệ % QC&KM trên doanh thu

5%

10%

15%

20%

Doanh thu

1,000,000

1,000,000

1,000,000

1,000,000

Chi phí (không bao gồm chi phí QC&KM)

650,000

650,000

650,000

650,000

Lợi nhuận ròng trước chi phí QC&KM

350,000

350,000

350,000

350,000

Chi phí QC&KM thực

50,000

100,000

150,000

200,000

Chi phí QC&KM (phần được khấu trừ)

50,000

65,000

65,000

65,000

Lợi nhuận sau chi phí QC&KM

300,000

285,000

285,000

285,000

Thuế suất

25%

25%

25%

25%

Thuế phải nộp

75,000

71,250

71,250

71,250

Lợi nhuận thuần

300,000

250,000

200,000

150,000

Thuế suất thực tế

25%

29%

36%

48%

Thúy Quỳnh
Theo Vietnamnet

Từ khóa: