Sự kiện hot
12 năm trước

Bộ trưởng Tài chính và nhầm lẫn về giá điện 2012

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ được đánh giá là một trong những Bộ trưởng trả lời chất vấn ấn tượng nhất tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII . Tuy nhiên, phần trả lời sẽ trở nên hoàn hảo nếu không có sự nhầm lẫn đáng tiếc về vấn đề đang được dư luận cả nước quan tâm: thông tin giá điện năm 2012.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ được đánh giá là một trong những Bộ trưởng trả lời chất vấn ấn tượng nhất tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII . Tuy nhiên, phần trả lời sẽ trở nên hoàn hảo nếu không có sự nhầm lẫn đáng tiếc về vấn đề đang được dư luận cả nước quan tâm: thông tin giá điện năm 2012.

Cả buổi chiều ngày 24/11 gần như dành trọn cho phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vương Đình Huệ và không phụ lòng mong đợi của nhiều người, Bộ trưởng đã "tả xung hữu đột", trả lời nhất quán, rõ ràng trước 3 nhóm vấn đề nóng là điều hành giá; quản lý tài chính công, nợ công và chống thất thu thuế, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, điều hành giá được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi nhiều nhất, xoay quanh giá cả, lỗ lãi trong các hoạt động kinh doanh các mặt hàng "nóng" như điện, xăng dầu, than...,

Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước mà chúng ta đang theo đuổi, trong đó phải tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp và tôn trọng việc hạch toán đầy đủ các khoản chi phí hợp lý vào trong giá thành đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế có mức lãi phù hợp. Đặc biệt trong lĩnh vực về điện, nhu cầu điện cho đất nước rất lớn, nếu không có mức giá phù hợp thì sẽ không thu hút được đầu tư trong nước và nước ngoài, không giải quyết được căng thẳng về điện hoặc thiếu điện ...

Đối với Tập đoàn điện lực Việt Nam, Bộ trưởng cho biết năm 2010 theo số liệu đã được kiểm toán, thực trạng sản xuất kinh doanh điện lỗ 8.040 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá là 15.463 tỷ đồng, tổng số là 23.500 tỷ đồng. Mặc dù kế hoạch lỗ của EVN trong năm 2011 riêng về điện là trên 11 nghìn tỷ đồng nhưng hết 9 tháng đầu năm nay thì lỗ thực đối với sản xuất điện của EVN chỉ có 680 tỷ đồng do nước về rất nhiều.


Bộ Tài chính cho biết, giá điện 2012 dự kiến sẽ tăng khoảng 10-15%

Về giá thành điện năm 2012, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực đã thống nhất xác định theo giá thành sản xuất của năm 2011 và các chi phí về đầu vào và chênh lệch tỷ giá lấy theo ngày 15/9/2011, không tính tất cả phần lãi của EVN từ khâu sản xuất, truyền tải, phân phối cho đến bán lẻ, tức là tính lãi của EVN là bằng 0. Cùng với đó, giá than bán cho Tập đoàn điện lực bằng 57 - 63% giá thành tiêu thụ của than và giữ nguyên các hợp đồng mua bán điện như hiện hành.

"Theo nguyên tắc này chưa phân bổ các chi phí còn lại của năm 2010 thì giá thành của điện là 1.242 đồng và tăng 4,6% so với giá bán điện hiện nay"- Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói tại diễn đàn Quốc hội.

Từ thông tin này, hàng loạt báo, đài đã đưa tin về mức tăng giá điện 4,6% trong năm 2012 như một thông điệp chính thức về điều hành giá điện năm tới. Đây là một mức tăng không quá lớn trong bối cảnh sức ép lạm phát vẫn rất cao và có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, hai ngày sau, cuối ngày 26/11, Bộ Tài chính lại gửi đi nội dung Công văn số 16098 /BTC-QLG do Chánh văn phòng Nguyễn Đức Chi thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính ký, trong đó khẳng định "Số liệu 4,6% có báo đăng tin là giá thành, có báo đăng tin là giá bán điện tăng trong năm 2012 là không chính xác". Theo Công văn này, việc tính toán giá thành và giá điện năm 2012 được căn cứ trên cơ sở một số thông số đầu vào cơ bản như: giá than mới, giá dầu madút và diesel, giá khí, ...Đồng thời, để cân bằng tài chính một phần cho EVN, giảm dần khoản chi phí còn "treo lại" chưa tính hết vào giá bán điện từ năm 2010 thì cần phải phân bổ một phần các chi phí vào giá thành điện năm 2012 như: Phân bổ số lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010 do phát điện giá cao; Phân bổ chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2010; Phân bổ chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn từ 2010 trở về trước,...

"Với các nguyên tắc tính toán như trên thì tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện 2012 dự kiến sẽ tăng ở mức trên 10%. Về mức tăng giá bán điện cụ thể và thời điểm thực hiện sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhưng không cao hơn mức tăng 15,28% của lần điều chỉnh giá trước" - Công văn số 16098 /BTC-QLG khẳng định .

Như vậy, chỉ trong hai ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có hai phát ngôn khác nhau về giá điện, một trực tiếp trước diễn đàn Quốc hội, được truyền hình trực tiếp với đầy đủ băng ghi âm, ghi hình và biên bản thảo luận, một bằng văn bản gửi qua kênh báo chí. Chúng ta không đi sâu tìm hiểu sự nhầm lẫn đáng tiếc này xuất phát từ khâu hậu cần chuẩn bị hay tham mưu của cấp dưới..., nhưng rõ ràng, điều này cho thấy điều hành giá, đặc biệt là giá điện, xăng dầu, là việc đầy gian nan và thử thách. Nó khó khăn tới mức tổng tư lệnh ngành tài chính cũng nhầm lẫn, sai sót.

Rõ ràng, minh bạch, công khai lộ trình trong quản lý, điều hành giá cả điện, xăng dầu...là điều mà nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp đang mong mỏi. Vì vậy, sự thống nhất trong cung cấp thông tin của cơ quan quản lý cũng là một trong những việc cần để đáp ứng mong mỏi đó của xã hội.

Quỳnh Trang 
Theo VnMedia

Từ khóa: