Sự kiện hot
6 năm trước

Bỏ túi bí kíp 'phượt' ngon - bổ - rẻ khi đến Myanmar của 8X công sở

Chị Phạm Thu Trang (Hà Nội) là một người theo chủ nghĩa thích xê dịch. Cứ mỗi khi có thời gian rảnh, 8X lại cùng nhóm bạn có sở thích di chuyển cùng nhau khám phá những vùng đất mới. Điểm đến lần này của chị Trang là Myanmar.

Chị Phạm Thu Trang ở Mandalay (Myanmar).

Dưới đây là bài tư vấn về chuyến đi tự túc của chị Thu Trang khi đến Myanmar.

Book vé đi như thế nào?

Phương tiện di chuyển Việt Nam - Myanmar là máy bay. Bạn có thể săn vé rẻ của Vietjet khứ hồi thường rơi vào 2,1->2,5 triệu, VN airline thì đắt hơn tầm 3->4 triệu.

Hiện tại, đường bay Sài Gòn – Yangon sẽ được tạm ngừng khai thác: VN airline dừng kể từ 26/03/2017, Vietjet dừng kể từ 20/01/2018.

Hiện chưa có kế hoạch ngừng đường bay từ Hà Nội nhưng mình nghĩ mọi người nên tranh thủ đi sớm.

Chuẩn bị trước khi khởi hành

Đổi tiền: Đổi sang USD ở Việt Nam (Tờ 100USD có tỷ giá đổi ổn nhất, không rách nát, cong, cũ thì mới đổi được và được tỷ giá cao nhất). Đổi ở sân bay tỷ giá ổn nhất, mình đổi là 1USD = 1345 kyats... 1kyats = 17 VND. NOTE: đô cầm qua nhớ phải là loại đôla mới nhé.

Trang phục: mỏng, gọn, nhẹ. Nhớ mang kèm áo khoác ấm vì đêm và ngày nhiệt độ thấp (xe đi Bagan và Inle Lake để nhiệt độ rất lạnh dù đã được phát thêm chăn, nhiệt độ buổi tối của nơi này cũng lạnh khoảng 9 độ vào tháng 2 nên rất cần mang áo ấm). Nên mang theo dép lê vì đi chùa bắt cởi cả tất và giày, hạn chế mặc váy ngắn và quần soóc vì vào chùa quần phải dài hơn đầu gối.

Giấy tờ nhân thân: Không cần visa, chỉ cần passport còn hạn 6 tháng.

Hoàng hôn tại Bagan.

Thủ tục nhập cảnh

Trên máy bay, tiếp viên sẽ phát tờ khai hải quan, nên điền trước trên máy bay tránh mất thời gian nhập cảnh.

Điền thẻ Arival card

Thủ tục nhập cảnh rất nhanh vì Myanmar có rất ít chuyến bay và đường bay, hải quan dễ tính và thân thiện.

Grab và Uber

Tải lại app Grab, tạo tài khoản với số điện thoại mới, chỉ có ở Yangon mới có Grab và Uber, đi Grab cho rẻ và không bị chặt chém. Chỉ cần 1 người trong nhóm tải app để đặt xe.

Chị Thu Trang cùng nhóm phượt ở Top of Sagaing hill tại Mandalay.

Lịch trình

Ngày đầu tiên: Yangon

Ngày 1,2: Bagan (Ở đây có hơn 2000 đền chùa nên nếu không bị giới hạn về thời gian thì nên ở thêm để khám phá thêm nhiều địa điểm mới cũng như nơi ngắm bình minh và hoàng hôn)

Ngày 3,4: Mandalay

Ngày 5: Inle lake

Ngày 6,7: Yangon

Cả nhóm lên thuyền để ngắm bình minh trên hồ Inle, thời tiết khá lạnh, khoảng 8 độ.

Phương tiện di chuyển các điểm du lịch trong Myanmar

Xe bus: Có rất nhiều hãng xe di chuyển giữa các điểm thăm quan nhưng hiện đại và dịch vụ tốt nhất là JJ express và Elite Express.

JJ express: giờ không cho đặt giữ chỗ qua face book nữa, mà đặt và thanh toán qua website của hãng. Mình tải app JJexpress nên đặt cũng khá tiện lợi.

Elite cũng bắt đặt và thanh toán qua web của Elite, Elite rẻ hơn JJ. Tuy nhiên mình đã vào đặt nhưng toàn tiếng Myanmar đoạn địa điểm đón và lúc thanh toán thì bị lỗi liên tục nên đành đặt của JJ. Có thể vào trang Myanmarbusticket. Com để tham khảo thời gian, giá vé của các hãng.

Đặt phòng

Đặt qua agoda hoặc traveloka ... cái nào rẻ hơn thì book. Traveloka bắt thanh toán luôn, còn booking agoda có thể đặt giữ chỗ không cần thẻ tín dụng, không ở thì hủy. Nên đặt trước khách sạn và hỏi về việc đón tại bến xe có bao gồm trong chi phí không.

Thời tiết Myanmar

Nên đi Myanmar vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 trùng với đợt có khinh khí cầu, và thời tiết cũng mát mẻ dễ chịu nhất. Đi vào thời gian còn lại thì nắng nóng hoặc mưa dầm.

Nhiệt độ Yangon khá giống Sài Gòn: khô, nóng, độ ẩm thấp. Còn các vùng như Mandalay, Bagan thì ban ngày nhiệt độ thấp 15 độ, trưa thì trời khá nóng, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm tương đối cao. Nên mang theo áo gió, kem chống nắng, khẩu trang, quần áo gọn nhẹ vì phải di chuyển liên tục giữa các điểm thăm quan.

Đặc sản Myanmar

Salad lá trà (hỗn hợp hạt kèm lá trà lên men nên ăn dễ bị khó ngủ), cơm người Shan (cơm sệt sệt trộn cá sẽ ngon nếu được ăn nóng), cà ri Myanmar, cơm rang và mỳ Shan đậu phụ (đặc biệt ngon).

Hoàng hôn và bình minh: mặt trời mọc thường 7h, lặn lúc 5h30’ chiều.

Myanmar là vương quốc đền chùa có nhiều phong cách khác nhau tùy theo đời các vua chúa thời xưa.

Nắng và trời xanh không gợn mây: Đừng thấy ngạc nhiên nếu bạn thấy trời xanh trong không gợn mây, chụp ảnh trong đẹp hơn hẳn nhé vì Myanmar là nơi có mức độ ô nhiễm thấp.

Quạ và chim bồ câu (người dân ở đây không giết quạ nên quạ ở khắp mọi nơi, ngay cả ở thành phố đông đúc như Yangon. Điều này làm mình rất ngạc nhiên. Mọi người nhớ mang theo mũ, tránh "bom mìn" rơi từ trời, lúc rảnh người dân hay ra mua ít hạt để thả cho đàn bồ cầu ăn như kiểu làm phúc, rất hay!

Mua quà Myanmar

Kẹo me (tại Bagan),Trà sữa Royal, Tranh cát (tại Bagan, theo quan điểm cá nhân thì mình thấy tranh đẹp nhất là ở Thatbyinnyu Temple, mình định về mới mua nhưng sau này xem thêm thì không thấy đẹp bằng. Bạn mình mua bức 40x60 là 8000 kyat)

Sim card

Mua sim ở ngay sân bay sau khi nhập cảnh: giá sim là 1500 Kyats, Top Up dung lượng là 3000 Kyat đc khoảng 2G dung lượng và tiền trong tài khoản thoải mái nghe gọi, đủ dùng nghe gọi nhắn tin lướt web, fb cả tuần. Nói chung không cần dùng rón rén, mình dùng đến khi về vẫn còn hơn 1 GB.

Người Padaung hay còn gọi là người cổ dài, nổi tiếng thế giới với tục đeo nhiều vòng cổ.

Lịch trình chi tiết của đoàn

Ngày đầu tiên: Bay Vietjet chuyến 18h35’. Thời gian bay từ Hà Nội - Yangon là 1h40’. Múi giờ Yangon kém Việt Nam 30’. Khoảng 19h45’ giờ Yangon máy bay hạ cánh (Mình thấy các đoàn đều bị delay cả nên mọi người nhớ ăn trước khi tới hoặc mua đồ ăn ở ngoài vào vì ăn tại sân bay thấy giá rất cao).

Di chuyển làm thủ tục nhập cảnh, đổi tiền (mỗi người tầm 250-300 USD là hợp lý), mua sim card đến 20h45’ là xong. Giá sim và top up dung lượng là 4500 Kyats/sim (ngay cửa ra ở sân bay là các bạn thấy ngay quầy MPT màu vàng, bạn nên đổi tiền ở quầy bên cạnh và mua mỗi người 1 sim ở đây).

Thuê xe ra bến xe Aung Mingalar là 18.000 Kyats cho đoàn 9 người. Có thể thỏa thuận rẻ hơn hoặc đặt xe qua app Grab/Uber.

21h15: cả đoàn đến Bus Station, ăn tối ngay tại bến xe: 1500 Kyat/cơm rang, 300kyat/ chai nước suối, 400 kyat/ lon pepsi. Tranh thủ vào quầy vé JJ lấy vé đi Bagan (giá 12 USD/người nước ngoài).

Nếu bay từ Hà Nội và muốn đi Bagan bus đêm luôn trong đêm thì chỉ có thể đi JJ và có chuyến muộn nhất là 10h đêm, các hãng khác khởi hành sớm hơn. Không bao ăn tối giá là 12 USD, bao ăn tối giá 19 USD. Thời gian di chuyển đi Bagan (bến xe Nyang U) là 9 tiếng. Giá vé của người nội địa rẻ hơn người nước ngoài.

Xe Yangon đi Bagan sẽ dừng chân tại 1 nhà hàng sau lưng KFC để đoàn ăn đêm (đồ ăn khá ngon và thú vị) xe sẽ dừng để đi vệ sinh cá nhân 1-2 lần trong đêm.

Ngày 1:

7h sáng: Đoàn đến bến xe Nyang U (Bagan). Tìm xe di chuyển về khách sạn (có các bạn khác order khách sạn đón hoặc chuyển xe điện để sử dụng luôn nên rất tiện, team mình không biết nên vài người đi taxi, vài người đi xe ngựa). Thỏa thuận giá xe từ bến về khách sạn: 2.000 Kyats/ng nếu đi đoàn đông, và 1.500 kyats nếu đi xe ngựa. Nếu sớm có thể kịp lên 1 chùa gần nhất ngắm khinh khí cầu, vì ở Bagan mặt trời mọc lúc 7h5’.

Khuyến cáo:

Bạn nên chốt giá taxi để đi cả ngày gồm để ngắm hoàng hôn và bình minh luôn vì ở Bagan có rất nhiều nơi ngắm và mỗi nơi ngắm đều có những sự thú vị rất riêng, và cũng đề phòng những hôm sau gặp thời tiết xấu. Đặc biệt là hành lý chất luôn lên xe rồi tối về checkin khách sạn sau (khách sạn chỉ check in sau 2h chiều).

Giá thuê xe đạp điện sau khi mặc cả là 5000 kyats/ xe cho cả ngày. Nên thuê hướng dẫn viên du lịch để bạn không bị lạc lối và ngập chìm trong hơn 2.000 ngôi đền mà quên cả lối về, họ cũng sẽ đi xe điện cùng bạn.

Nếu bạn mệt thì nên chọn phương án thuê xe taxi với chi phí 55.000 kyats đi từ sunrise đến sunset. Cả ngày của người Myanmar tức là từ 8h sáng tới 4h chiều, nếu bạn đi thêm trả tiền thêm.

Nơi ăn:

Ăn sáng ở nhà hàng Seven Sisters (ngon nhưng giá hơi chat hơn các nơi khác và đồ ăn ra hơi chậm, tốt nhất không gọi sandwich ở đây vì đắt đỏ, chỉ nên gọi các món đặc sản của Myanmar).

Ăn trưa ở nhà hàng Traditional Foods of Myanmar, giá buffee là 5.000 kyats/ng (ko bao gồm đồ uống), bia Myanmar là 3.000 kyats/chai... Cả nhóm rất thích ăn đồ ăn Miến, nên 5 ngày bên này toàn ăn đồ ăn Miến mà vẫn chưa thấy chán.

Nhà hàng Traditional Food (Golden Myanmar). Mình khá thích nhà hàng này, món ăn rất ngon và kẹo me cũng ngon, nhóm đã cho đống kẹo me đó vào túi để mang theo cả hành trình còn lại.

Ăn tối ở BBQ Harmony restaurant Nyang U (ngon, bổ, rẻ khủng khiếp) team mình năng hỏi han người Myanmar nên cũng gọi rất nhiều món ăn đặc biệt ở đây, kinh nghiệm là cứ thấy gì hay gọi tất, giá mềm nên yên tâm nhé!

Nơi ở:

Bagan có 3 khu (Nyang U, Old Bagan và New Bagan). Nên ở New Bagan vì giá hợp lý, nhiều dịch vụ và di chuyển qua Old Bagan cũng rất gần.

Giá phòng có bao gồm ăn sáng. Mình ở Yandanabon 32 ÚD/ngày/giường đôi. Cá nhân mình thấy décor khá đẹp nhưng nội thất khá cũ, đặc biệt phòng tắm.

Bagan khách sạn 2->3* rơi vào 20-35 USD/phòng 2 người. Dorm thì cũng 10 USD/người. Ăn uống tầm 5.000 Kyats/người/bữa.

Khách sạn Kumudara đắt nhưng view sunrise sunset ngay từ phòng ngủ nên rất đáng đồng tiền bát gạo.

Ở Bagan, rất nhiều con rối gỗ truyền thống được treo trên cây.

Hành trình:

Vào Bagan có thể bạn sẽ không bắt buộc mua vé thắng cảnh 25.000 kyats/người cho 5 ngày thăm quan. Nhưng nếu không mua sẽ không được tham quan 1 số chùa đẹp mà chỉ loanh quanh 1 số các chùa miễn phí. Tốt nhất nên mua. Lúc mình lên chùa đẹp là thấy có người đứng bán vé luôn nên không phải tìm phòng vé, rất tiện. Nhớ lưu vé để xuất trình ở các đền khác.

Nên mua 1 cái quần Long Yi và 1 đôi tông đi cho tiện do phải di chuyển nhiều, và vào chùa đều phải bỏ giày và mặc quần dài) đặc biệt là chụp ảnh cũng đẹp hơn.

Mình nhắc lại là Bagan có hơn 2.000 đền chùa nên khó có thể đi hết được, có một vài nơi rất nên đến ở đây gồm (thông tin được mình sưu tầm trước khi đi):

Htilo Mininlo, Ananda (được mệnh danh là ngôi đền đẹp nhất ở Bagan, đền Ananda được coi là điểm đến không thể bỏ qua của bất kỳ du khách nào khi tới Myanmar)Sulamani, đền Dhammayangyi (là ngôi đền có diện tích lớn nhất Bagan hình khối kim tự tháp). Thatbyinnyu (là ngôi đền cao nhất ở vùng đất đầy gió bụi, gây ấn tượng bởi những mảng gạch được thời gian sơn màu rêu phong cổ kính). Shwesantaw (nổi tiếng với khách du lịch đến đây không phải vì kiệt tác kiến trúc mà nơi đây là nơi đẹp nhất để ngồi ngắm hoàng hôn và bình minh ngày mới). Chùa Nochanthar, chùa vàng Shwezigon (Tương truyền có đến hơn 30 tấn vàng được dát lên và hàng ngàn viên đá quý được gắn trên đỉnh chóp. Đến đây tìm một góc nhỏ để ngắm hoàng hôn tắt nắng nơi góc trời và trải nghiệm sự bình yên trong tâm hồn cũng là trải nghiệm thú vị dành cho du khách).

Nơi ngắm hoàng hôn nổi tiếng ở Bagan.

Ngày 2:

Đoàn mình tiếp tục đắm chìm trong không gian thần tiên của Bagan với mặt trời mọc và lặn… cảm giác như lạc vào thế giới rất khác khi ngắm không gian thiên nhiên bao la đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới, xa xa là những ngồi đền linh thiêng gạch nung đỏ và khinh khí cầu được bay lơ lửng trong sương mờ. Hai ngày là chẳng đủ với Bagan, mình sẽ còn quay lại.

Di chuyển Bagan - Mandalay

Có 2 chuyến buổi tối đi Mandalay từ Bagan, chuyến 8h30 của Mok That Tun (7usd) xe ghế ngồi có đón và trả khách tận khách sạn và chuyến 10h30 của JJ. Thời gian di chuyển đến Mandalay là 4h xe bus, đường từ Bagan đi Mandalay là đường đất nhiều ổ gà. Theo mình nên đi sau khi ăn tối vì ở lại chờ đến 10h30 là khá lâu và mệt, xe chạy có 4 tiếng thôi và bạn đi sớm sẽ được tới mandalay ngủ sớm để đón bình minh ở Mandalay Hill.

Ngày 3:

Mình book xe khách sạn giá 75.000 kyats cho cả ngày nếu thuê hướng dẫn viên sẽ thêm chi phí.

Khuyến cáo:

Mình may mắn được anh tài xế nói tiếng Anh như gió nên được anh kể chuyện về di tích cũng như kể chuyện về Myanmar, dẫn đi mua quà để mang về nữa. Các bạn có thể liên hệ với anh ấy qua facebook: AungKyaw Moe. Chốt giá trực tiếp với anh ấy cũng sẽ mềm hơn.

Nơi ở

Mình ở khách sạn Moon Light: ngon bổ rẻ, mới, có ăn sáng, giá ưu đãi có 12 USD/phòng, trong khi book tận nơi là 30 USD.Các bạn cứ dùng app agoda hoặc traveloka để đặt phòng nhé.

Hành trình:

Du lịch Mandalay có 2 tour trong ngày và giá mỗi tour khoảng 20 USD/người, nếu có thời gian 2 ngày nên đi 2 tour riêng biệt. Vì nhóm chỉ có 1 ngày ở Mandalay nên chọn phương án thuê xe trọn gói để đi chọn lọc các điểm nổi tiếng. Nếu quay lại mình cũng sẽ thuê xe riêng và lên lịch trình theo tour chọn lọc, sau đây là hai tour mình đề cử:

Tour 1: Hoàng cung, Golden Palace Monastery, Chùa Mahamuni, đền Hsinbyume, Menuh Pagoda, Mingun, Sunset view from Mandalay Hill, Kuthodaw Pagoda.

Tour 2: Làng nghề gỗ tech, Đồi Sagaing, Tu viện Mahagandayon, Bagaya Monastery, Menuh Pagoda, cố đô Inwa và cầu U Bein.

Hoàng hôn tại cầu Ubein.

Các điểm nổi tiếng nên tới của Mandalay, lưu ý sẽ mất phí tham quan nên các bạn nhớ chuẩn bị sẵn tiền:

Tu viện Mahagandayon: nơi cứ đúng 10h sáng hơn 1.000 tu sĩ sẽ đứng xếp hàng chờ người bố thí mang đồ ăn đến quyên góp. Các tu sĩ chỉ được ăn đến 11h, sau đó là giờ học kinh phật.

Bargaya Monastery: nằm trong khu vực Ava Ancient city, đây cũng là một trong những ngôi chùa gỗ tếch lớn ở mandalay. Tuy nhiên về độ tinh xảo thì không bằng Golden palace Momastery (do triều đại và kĩ thuật trạm trổ là khác nhau).

Menuh Pagoda: Sau khi cưới được nhà vua và trở thành chính thất, hoàng hậu Menuh đã cho xây ngôi đền này để đặt bẫy hoàng gia trả thù việc trước đây họ từng phản đối cuộc hôn nhân của bà.

Chùa Mahamuni được xây dựng vào năm 1784 với bức tượng Phật đúc bằng đồng cao 4m, nặng 4,5 tấn, mặc áo bào và đội nón với vô số lớp vàng lá trên thân dày 15cm do các Phật tử qua bao đời dán lên. Tuy nhiên, phụ nữ bị cấm đến gần tượng Phật, chỉ được quỳ cầu nguyện ở phía dưới sau hàng rào. Tại đây, bạn sẽ được chứng kiến nghi thức truyền thống “lễ rửa mặt Phật”.

Cầu U Bein: cầu gỗ dài nhất thế giới, hoàng hôn và bình minh ở đây là đặc sản. Được tạo ra vào năm 1850, sử dụng những cọc gỗ tếch vơ vét từ cung điện bị loại bỏ của Amarapura khi vua Mindon dời đô đến Mandalay. Mùa khô từ tháng hai, mực nước giảm đáng kể, các bạn nên đi tầm tháng 12 là đẹp

Chùa Kuthodaw: nằm gần khu đồi Mandalay, chứa quần thể phù đồ và những phiến đá cẩm thạch khắc kinh Phật từ thời vua Mindon. Đây được xem là thư viện kinh Phật lớn nhất thế giới.

Làng nghề trạm khắc đá truyền thống Kyauksittan: được thành lập ngay sau khi Mandalay được xây dựng. Làng nằm trên con đường 48, cạnh cổng phía tây của chùa Mahamuni, chuyên chạm khắc đá tượng Phật bằng đá đủ kích cỡ cung cấp cho toàn nước Myanmar.

Chùa Shweinbin: được xây hoàn toàn bằng gỗ tếch với nhiều hoa văn tượng thần, Phật... được chạm khắc tinh xảo trên mái chùa và cột trụ. Trải qua mấy trăm năm, chùa Shweinbin đã ngả màu đen tuyền, càng thêm vẻ huyền bí.

Cung điện Mandalay là nơi ở Hoàng gia chính của vua Mindo và Vua Thibaw - hai vị vua cuối cùng của đất nước. Nên tất cả các phần được xây dựng tráng lệ, bằng gỗ tếch và tăng mạ vàng và đỏ son. Hệ thống tường thành dài 2 km, cao 8 m, dày 3 m, với 48 bệ phóng pháo. Thành có 12 cửa đại diện cho 12 dấu hoàng đạo

Hsinbyume Pagoda: Chùa được sơn trắng và được cho là xây dựng dựa trên mô tả của ngôi đền huyền thoại Sulamani trên núi Meru, với phần dưới của ngôi chùa đại diện cho ngọn núi, 7 chuông đồng tâm đại diện cho bảy dãy núi leo lên núi Meru theo thần thoại Phật giáo. Chùa được xây dựng năm 1816.

Làng Inhwa là một ngôi làng nhỏ và có từ hàng trăm năm nay thuộc Mandalay – Myanmar là một địa điểm du lịch yên bình, hiền hòa với một ngôi làng nép mình bên bờ sông Ayeyarwady cùng những nếp sinh hoạt cũ mang đậm văn hóa truyền thống cổ xưa khiến nơi đây trở nên đặc biệt với du khách.

Tu viện gỗ Bagaya Kyaung được chống bởi 267 cột gỗ tếch khổng lồ, hầu hết mái đã bị hỏng và được lợp lại bằng tôn nhưng cũng đã hoen màu theo thời gian

Ngày 4: Inle Lake

Hồ Inle không chỉ là vẻ đẹp sơn thủy hữu tình mà còn là nơi sinh sống của tộc người Inthar (một dân tộc thiểu số của Myanmar). Inthar theo tiếng Myanamar có nghĩa là “người sống trên hồ”. Từ ngàn năm nay, hồ Inle là nơi diễn ra mọi hoạt động đời sống xã hội của dân tộc Inthar.

Thời điểm tuyệt vời nhất để đến hồ Inle là trong khoảng tháng 9 - 10 hằng năm, vì lúc này diễn ra rất nhiều lễ hội với màu sắc bản địa truyền thống

Nơi ăn:

Nhóm mình ăn ngay tại nhà hàng ven đường, trông xoàng xoàng mà lại rất ngon nhé. Nói chung là mọi người nên ăn sáng ở trên bờ vì đồ ăn sáng đặc biệt của người Shan chỉ bán vào buổi sáng thôi.

Người dân Myanmar thường truyền miệng câu “đến Inle mà chưa ăn salad cà chua ở đây coi như chưa từng đến Inle”.

Mì đậu hũ hay còn gọi là mì Shan đậu phụ một trong những món ăn đặc sắc nhất tại Myanmar, món mì này không thực sự làm bằng đậu hũ mà là một loại cháo đặc được làm từ bột đậu xanh, phủ thêm một lớp mì sợi, ăn với thịt gà hoặc thịt heo đã ướp gia vị, kèm rau xanh và ớt. Mặc dù sự kết hợp này có vẻ lạ lẫm với nhiều người nhưng hương vị sẽ khiến bạn thích thú với món ăn này.

Cơm Shan là một món ăn độc đáo của Myanmar. Thành phần của món ăn này bao gồm gạo được nấu chín với củ nghệ, được nén dẹp vào một chiếc đĩa tròn, sau đó đặt lên một lát cá nước ngọt, rưới thêm dầu tỏi. Bên trên cơm thường được rắc một hỗn hợp gồm rễ tỏi tây, lá đinh hương và da heo chiên giòn.

Nơi ở:

Bên mình thuê Dorm do chỉ có 1 ngày ở Inle Lake, bên khách sạn này được cho check in sớm nên cả nhóm đã vào nghỉ ngơi một chút trước khi bắt đầu chuyến du ngoạn trên sông. Sau này về đọc mấy bài review thì thấy có người đặt hẳn Inle Resort với giá 77USD/đêm và view đẹp tuyệt nên cũng hơi tiếc tiếc. Resort vẫn không chấp nhận credit card nên nhớ chuẩn bị cash.

Hành trình:

5h sáng, đến cổng khu du lịch Inle Lake, có nhân viên leo lên xe bán vé trực tiếp, khách nước ngoài 13.500 Kyats/người, khách nội địa free...

6h30, lái đò đón đoàn đi thăm quan hồ Inle allday (giá 15.000 kyats/ cả đoàn). Sau mình tip thêm cho 3.000 kyats. Hồ Inle sáng sớm rất là lạnh, không muốn nói lạnh tê tái nên tốt nhất mang theo áo thật ấm để không hóa đá như mình.

7h ngắm bình minh giũa hồ, những ngư dân đánh cá sẽ cho mình chụp ảnh và đòi tiền khách du lịch nên mọi người nhớ chỉ chụp khi mặt trời lên, lúc đó sẽ giá trị hơn, nếu bạn chụp trước thì họ sẽ đòi giá cao hơn. Sau bình minh, lái thuyền chở cả nhóm đi gần 1 tiếng mới đến được bờ bên kia để ăn sáng và thăm quan các làng nghề truyền thống như bạc, làng cổ dài, xì gà, dệt, chùa,...rồi trở về lại trung tâm Nyang Shu...

14h ăn trưa các món ăn truyền thống ng Shan, sau đó về phòng nghỉ ngơi.

Cả đoàn thuê xe tuk tuk giá 14.000 kyats đi Red Mountain thăm quan vườn nho mà mua rượu vang uống thử (10.000 kyat cho set 8 ly rượu).Đây là nơi trồng nho và làm rượu vang nổi tiếng của đất nước vạn chùa là một trải nghiệm thú vị. Bạn được thả mình dưới một tán cây to, ngắm toàn cảnh Inle từ trên cao, thưởng thức ly rượu vang dưới tiết trời mát mẻ, khiến không ít người tự huyễn hoặc mình đang ở một làng quê thanh bình nước Pháp.

16h về lại Dorm, trả phòng ra bến xe đón xe đi Yangon (JJ express lúc 6h tối giá 19 USD bao ăn tối).

Ngày 5: Yangon

Phương tiện di chuyển: Xe JJ express sẽ trả khách ở sân bay Yangon và nội đô Yangon.

6h tới Yangon, đoàn book Grab về khách sạn. (Lưu ý, ở Yangon cấm xe máy, và đặc sản ở đây là tắc đường nên mọi người cẩn thận khi đi ra sân bay nhé)

- Yagon di chuyển cứ Grab/Uber mà đi các điểm thăn quan quanh Yangon rất gần nhau, đi Grab chỉ khoảng 2-3000 kyats/ lần di chuyển.

Nơi ăn:

Ăn trưa ở Yangoon tea House cực ngon mà lại rẻ. có rất nhiều món ngon ở đây điển hình như:mohinga, coconut noodle … nói chung cả nhóm gọi lung tung cả, cứ món nào ở bìa ảnh là gọi hết, ăn ngon tới món cuối cùng.

Nơi ở:

Cả nhóm lại thuê 1 phòng khách sạn chỉ để đồ và ai mệt thì nằm nghỉ ngơi còn lại cả nhóm phi thân đi tiếp.

Hành trình:

Thăm quan 2 ngôi chùa đẹp nhất Yangon (Shwedagon giá vé 10.000 Kyats, chùa utatadung 6.000 kyats/người).

Chợ Bogkyo Aang San mua sắm đồ làm quà ở Việt Nam. Một khu chợ vô cùng nổi tiếng, tất tần tật các thứ từ quần áo, trang phục truyền thống Miến Điện cho đến quà lưu niệm… đều có thể được tìm thấy ở đây.

Bảo vật quốc gia - chùa Shwedagon: Chùa lưu giữ 4 báu vật Phật giáo cũng là nơi thờ 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Tầng tháp cao nhất có gắn 1100 viên kim cương, ở phần đỉnh gắn 4351 viên và có một viên kim cương 76 carat gắn ngay đỉnh chóp tòa tháp chính. Mọi người vào đừng tìm kiếm 4 bảo vật này vì đều nằm trong tòa tháp rồi, chỉ có trụ trì mới được vào thôi.

Chùa Sule: nằm ngay trung tâm ngã ba thành phố Yangon, chùa được xem là công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc của Myanmar. Điều đặc biệt hấp dẫn du khách đến với chùa Sule, chính là điểm nhìn Sule khi hoàng hôn đang tràn ngập Yangon, cả thành phố chìm trong ánh vàng rực, đỉnh Sule ở bất cứ góc độ nào đều lấp lánh và phản ánh hào quang rực rỡ khiến du khách không thể rời mắt.

Chùa cổ Botataung: Ngôi chùa cổ này là một trong những chùa cao nhất Yangon. Xây dựng cách đây 2500 năm, mang nét kiến trúc của dân tộc Môn, là công trình Phật giáo kiểu mẫu của Myanmar. Botataung gồm nhiều tháp nhỏ và 1 bảo tháp chính có nội thất được khảm vàng (bước vào là hoa mắt vì xung quanh toàn vàng là vàng) và phần đỉnh chóp rát vàng tinh xảo. Ở các khu tháp phụ du khách sẽ nhìn thấy hốc chứa hình ảnh tạo tạc Đức Phật.

4h chiều cả đoàn bắt Grab ra sân bay, ăn tối KFC ở sân bay, VJ về Hà Nội sẽ depart ở terminal 2.

18h20’ máy bay take off, 21h15’ hạ cánh ở sân bay Nội Bài, làm thủ tục nhập cảnh và trở về nhà kết thúc chuyến đi.

Khuyến cáo: Nếu không vội thì mọi người nên thong thả để được ngắm hoàng hôn tại chùa Sule, thấy bạn mình nói là ánh sáng hoàng hôn chiếu vào làm ngôi chùa trở nên lung linh huyền diệu hơn nhiều lần.

Chi phí chuyến đi

Vé máy bay VJ: khứ hồi 0đ là 2.060.000 VND.

Tổng thiệt hại bao gồm cả mua sắm là 250 USD. nếu ko mua sắm thì khoảng 200 USD(không bao gồm vé máy bay) gồm:

Tiền giá vé thăm quan: 1 triệu đồng

Tiền bus các chặng: 1 triệu đồng

Tiền phòng khách sạn 4 đêm: 1 triệu

Tiền ăn uống, thuê xe, tip: 1,6 triệu

Tiền mua sắm quà: 1 triệu

Cả đoàn ở 4 ngày khách sạn ở 4 nơi khác nhau. Ăn uống nhà hàng gọi đồ thoải mái, thuê xe ô tô chở đi thăm quan cả ngày, mua vé đầy đủ các khu du lịch...

Tổng kết: chuyến đi 6 đêm 5 ngày hết tổng thiệt hại khoảng 8 triệu, giá ngang ngửa đi du lịch trong nước.

Châu Anh (Ảnh: NVCC)

Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: