Sự kiện hot
7 năm trước

Bộ Y tế 'góp phần' làm doanh nghiệp tốn hơn 12 nghìn tỷ đồng

Qua công tác kiểm tra 5 nội dung chuyên ngành, Bộ Y tế chiếm tới 86% trong tất cả các bộ góp phần làm cho doanh nghiệp phải tốn 28 triệu 793 nghìn ngày công trong tổng số 30 triệu ngày, tốn 12.208 tỷ đồng trong tổng số 14.300 tỷ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa mới truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở Bộ Y tế tháo gỡ cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc phạm vi của Bộ Y tế.

Theo ông Mai Tiến Dũng, hiện nay, có nhiều mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, tuy nhiên, việc kiểm tra còn nhiều bất cập, chồng chéo, một mặt hàng chịu điều chỉnh nhiều văn bản, chịu sự kiểm tra của nhiều bộ.

Tỉ lệ kiểm tra lớn, thủ tục hồ sơ nhiều, kiểm tra xét nghiệm sản phẩm thì ít nên tỷ lệ phát hiện vi phạm chỉ đạt 0,06%, trong đó lĩnh vực y tế chỉ phát hiện 0,03% là tỉ lệ rất nhỏ. Kiểm tra trên hồ sơ bằng cảm quan, không có tiêu chuẩn, không công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục mặt hàng công bố rất nhiều, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Phải làm tốt nhiệm vụ quản lý chuyên ngành, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh”. Thủ tướng yêu cầu phải cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức liên quan đến doanh nghiệp, cắt gọn giấy phép con cũng như những kiểm tra chuyên ngành không cần thiết".

Hiện nay, an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng được toàn xã hội quan tâm, tuy nhiên việc thực thi vẫn trên hình thức "nói một đằng làm một nẻo". Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đây là vấn đề quan trọng vì sức khỏe nhân dân nhưng trên thực tế lại không kiểm tra mẫu sản phẩm mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp mang hồ sơ lên trụ sở Cục An toàn thực phẩm.

Liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, Bộ Y tế là Bộ đầu tiên xung phong giảm mặt hàng, thủ tục phải kiểm tra, thay đổi phương thức kiểm tra. Tuy nhiên, cho đến nay, với 5 nội dung kiểm tra chuyên ngành, Bộ Y tế chiếm tới 86% trong tất cả các bộ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương làm cho doanh nghiệp phải tốn 28 triệu 793 nghìn ngày công trong tổng số 30 triệu ngày, tốn 12.208 tỷ đồng trong tổng số 14.300 tỷ.

Thực tế cho thấy, ngày 19/9, Tổ Công tác đã đi kiểm tra tại Hải Phòng thấy cơ quan kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm xét nghiệm tại chỗ, nhưng của Bộ Y tế thì không có lavabo xét nghiệm tại chỗ, thay vào đó, “doanh nghiệp phải xếp hàng lên Núi Trúc (Hà Nội) hết”. Kiểm tra tại cảng chỉ bằng cảm quan, trong khi không công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong khi tiền thu một bộ hồ sơ là 1,05 triệu đồng. Ở cảng thì chỉ làm thủ tục, còn việc xét nghiệm thì thậm chí xét nghiệm không có sản phẩm mà vẫn có kết quả.

Diệu Linh
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: