Sự kiện hot
12 năm trước

Bốn Bộ trưởng “tiếp sức” cho ông Cao Đức Phát

Xen giữa phần trả lời chất vấn của ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bốn bộ trưởng khác đã làm rõ nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri cả nước quan tâm.

Xen giữa phần trả lời chất vấn của ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bốn bộ trưởng khác đã làm rõ nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri cả nước quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: 1.200 tỷ đồng dành cho thí điểm bảo hiểm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Từ khi có nghị quyết TƯ 7 khóa X, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng như Chính phủ vẫn luôn chú ý cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tổng chi cũng như tốc độ tăng lên so với các năm: Năm 2009 chi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (bao gồm cả trái phiếu) đạt 35,9% tổng chi ngân sách, năm 2010 là 39,3%, năm 2011 là 39,8%, dự toán chi năm 2012 khoảng 40,9% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Với các số liệu trên cho thấy tăng chi của năm 2010 dành cho nông nghiệp, nông thôn là 0,3% (tăng chi ngân sách 18.4%), năm 2011 con số này đã là 34,7% (tăng chi ngân sách là 24,7%).

Năm 2012, Quốc hội và Chính phủ cũng đã bố trí ngân sách cho bảo hiểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 1.200 tỷ đồng, tăng chi cho 52 huyện nghèo từ hơn 2 nghìn tỷ đồng lên hơn 3 nghìn tỷ đồng; Chương trình bảo vệ rừng từ 715 tỷ năm 2011 lên mức 1.127 tỷ năm 2012; Chương trình nuổi trồng thủy sản và cây trồng vật nuôi tăng từng 475 tỷ của năm 2011 lên 790 tỷ năm 2012; Bố trí định canh định cư tăng từ 345 tỷ đồng lên 445 tỷ đồng.

Về vấn đề thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, thực hiện Nghị quyết TƯ 7 của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 315 ngày 1/3/2011 thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013. Chương trình thí điểm này tập trung vào bảo hiểm rủi ro thiên tai (lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại...), các bệnh thuộc về gia súc và bệnh trên cây trồng như rầy nâu, soắn lá…

Về đối tượng trong chương trình thí điểm lần này, có 3 loại đối tượng được lựa chọn: cây lúa, gia súc gia cầm, một số loại thủy sản (cá tra, cá basa, tôm sú, tôm chân trắng).

Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí cho các hộ nông dân nghèo, 80% cho các hộ cận nghèo, các đối tượng nông dân khác hỗ trợ ở mức 60%; các doanh nghiệp tham gia chương trình này được hỗ trợ phí bảo hiểm 20%.

Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT triển khai các kế hoạch tập huấn có trong chương trình, từ nay tới cuối năm thì sẽ hoàn thành nốt các vấn đề khác liên quan để đảm bảo triển khai kế hoạch thuận lợi vào năm 2012.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Lưu ý 5 vấn đề trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp

Vấn đề nhập khẩu nông sản, từ năm 2007, chúng ta gia nhập tổ chức WTO và theo cam kết cùng với sự chỉ đạo của Chính thì chúng ta cố gắng bảo hộ một số mặt hàng nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập. Theo đó, có 4 mặt hàng nông sản mà chúng ta áp dụng hạn ngạch thuế quan là muối, đường ăn, thuốc lá nguyên liệu… Vậy có nghĩa là đối với các sản phẩm này thì áp dụng hạn ngạch, còn đối với các sản phẩm nông sản khác thì chúng ta được phép nhập khẩu không hạn chế. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát nhập khẩu thông qua các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là rau quả.

Vấn đề thứ hai liên quan đến nhập rau quả thì vừa qua có tình hình xuất nhập 2 chiều chủ yếu với Trung Quốc, có mặt lợi và không lợi. Nếu kiểm soát không tốt thì ảnh hưởng tới nông dân, nhưng mặt lợi thì trong lúc giáp hạt, sản xuất rau quả trong nước hạn chế và vào những lúc gặp thiên tai thì nhập khẩu có lợi.

Nhập khẩu nông sản, theo con số thống kê năm 2010 (có thể chưa chính xác), nước ta xuất khẩu rau quả đạt 76 triệu USD rau quả, còn nhập là 60 triệu USD.

Về các biện pháp kỹ thuật kiểm soát nhập khẩu rau quả thì Bộ trưởng Phát đã báo cáo, còn ở đây tôi chỉ nói thêm: Tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng phải áp dụng được cho cả hàng trong nướcc và hàng nước ngoài, như vậy thì sẽ tránh phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và ngoài nước. Vì vậy, tôi cho rằng Bộ Nông nghiệp cũng như Bộ Khoa học Công nghệ cần hết sức thận trọng khi đưa ra các biện pháp kỹ thuật Làm rõ xuất xứ.

Một vấn đề nữa là tiêu thụ sản phẩm thì cần xây dựng được hệ thống phân phối trong nước, đó là vấn đề mà Chính phủ đang hết sức quan tâm, nhất là đối với 11 nhóm mặt hàng, trong đó thì đã có 5 nhóm mặt hàng thuộc Nông nghiệp, bao gồm: gạo, muối, đường ăn, thức ăn gia súc, phân bón.

Tôi cho rằng năm vừa qua tiêu thụ gạo cho nông dân là tốt, về muối có Tổng Công ty muối trực thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, trong năm 2010, Chính phủ cũng đã chỉ đạo và Bộ Nông nghiệp cũng đề nghị công ty này mua gom muối của nông dân trong lúc muối còn tồn kho cao, thì đó là điều đáng mừng vì đã hỗ trợ bà con nông dân kịp thời. Về việc tiêu thụ phân bón thì Trung ương thì có hệ thống tốt còn ở địa phương thì làm chưa tốt nên có gian lận thương mại, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới cần phải sát sao hơn nữa với vấn đề này.

Như các ĐB đã phản ánh đúng là thị phần thức ăn chăn nuôi gia súc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (của Mỹ, Thái lan…) đang chiếm ưu thế hơn so với các doanh nghiệp nội địa. Theo quan điểm của chúng tôi là cần khuyến khích tất cả các đối tượng tham gia đầu tư, và vấn đề ở đây là khuyến khích được các doanh nghiệp tăng cường đầu tư trong nước, còn nếu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vi phạm thì sẽ áp dụng pháp lệnh giá, còn về thị trường theo luật cạnh tranh nếu vượt quá 30% thì sẽ phải xử lý.

Về xuất khẩu sản phẩm trong nông nghiệp thì có 5 vấn đề phải lưu ý: Thứ nhất là tăng cường ký kết các hiệp định khu vực mậu dịch tự do, thí dụ vừa qua ký với Nhật và Trung Quốc thì xuất khẩu tăng lên nhiều; Thứ hai là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thì lãnh đạo của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội khi đi công tác đều rất quan tâm đề nghị các nước đó tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đang có hiệu quả tốt; Thứ ba là chống phân biệt giữa hàng Việt Nam và nước ngoài, chống bán phá giá; Thứ tư là hỗ trợ nông dân, trong cam kết gia nhập WTO thì chúng ta được hỗ trợ tới 10% tổng GDP nông nghiệp hàng năm cho nông dân; Thứ 5 là vấn đề đầu ra cho sản phẩm của nông dân và đảm bảo đầu vào không quá cao, vấn đề này thực hiện qua chương trình bình ổn giá và cân đối cung cầu. Thời gian vừa qua nhất là 2008 và 2009, Chính phủ cũng đã yêu cầu một số doanh nghiệp Nhà nước, hiệp hội tự nguyện không tăng giá để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến chi phí sản xuất của nông dân, phân đạm và sắt thép đã thực hiện tương đối tốt yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang: Cần những biện pháp tích cực để đảm bảo an ninh lương thực

Vấn đề thứ nhất là giữ 3,81 triệu hec-ta lúa, hiện nay TƯ và tỉnh có ý kiến khác nhau. Tại sao phải giữ? Trong đó chỉ có 3,2 triệu hec-ta lúa 2 vụ và hơn 100 nghìn hec-ta lúa 1 vụ, trong khi đó Thái Lan hiện có tới 10,5 triệu hec-ta lúa. Dân số ổn định của nước ta sẽ khoảng 120 triệu, vì vậy cần những biện pháp tích cực để đảm bảo an ninh lương thực.

Qua phần phát triển của Bộ trưởng Cao Đức Phát, tôi xin bổ sung 5 giải pháp:

Thứ nhất, cần khuyến khích địa phương giữ đất lúa, điều tiết ngân sách địa phương để có công tác hỗ trợ tốt cho vấn đề này; Thứ hai, có chính sách quy hoạch đối với các vùng được rõ ràng hơn, tốt hơn, hỗ trợ tích cực cho bà con nông dân trong công tác nuôi trồng và sản xuất, xuất khẩu; Thứ ba là giúp người dân mất đất lúa được đào tạo nghề; Thứ tư là xây dựng các quy trình pháp lý để trợ giúp cho người nông dân có nhiều lợi thế hơn trong quá trình sản xuất lúa gạo; Thứ năm, rà soát chỉ tiêu đất trồng lúa và phân bổ trách nhiệm, giao tới từng UBND xã quản lý. Trong trường hợp các địa phương muốn chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải có kế hoạch rõ ràng và phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì vừa qua Chính phủ đã thông qua chương trình, các địa phương đang xây dựng chương trình hành động. Chương trình mục tiêu quốc gia mới thực hiện 2 năm, vấn đề này đang được thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đề nghị tập trung vào một số hạng mục như đê kè biển, rừng phòng hộ (ưu tiên rừng ngập mặn), một số địa phương khác có triều cường cao như TP.HCM. Chúng tôi kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội dành nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới, Tổ chức JICA Nhật Bản cho các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu mà tôi vừa nêu. Hiện nay, các tỉnh đã gửi về Bộ TN&MT 600 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên chưa thể tiến hành.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh: Thực hiện nghiêm việc rà soát các dự án trồng rừng có yếu tố nước ngoài

Về việc cho nước ngoài thuê đất rừng thì ở kỳ họp trước đã có chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, ngay sau đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ ngành, trong đó Bộ KHĐT đã thành lập một tổ liên ngành để khảo sát, kiểm tra lại vấn đề này.

Từ năm 1995 đến nay, chúng ta có 10 dự án, và từ năm 1995 đến trước tháng 7/2006 khi có Luật đầu tư và hướng dẫn Nghị định 108 thì chỉ có 1 dự án được cấp phép là công ty TNHH trồng rừng ở Quy Nhơn hợp tác với Nhật Bản do phía bạn đầu tư tại tỉnh Bình Định. Còn lại từ tháng 7/2006 đến tháng 3/2010, cả nước có thêm 9 dự án khi chúng ta đã có Luật đầu tư nước ngoài, trong 9 dự án này thì có 2 dự án đã bị thu hồi giấy phép ở Hòa Bình và Lạng sơn do chậm triển khai.

Như vậy, cộng cả cũ và mới thì cả nước chỉ có 8 dự án và theo dự kiến thì tổng diện tích trồng rừng khoảng 343.126 hec-ta, Nghệ An đã chủ động thu hồi 53.000 hec-ta của một dự án (năm 2008) do một số lý do nhạy cảm liên quan tới an ninh quốc phòng.

Thực tế hiện nay thì hợp đồng đã ký kết giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư mới chỉ có 18.571hec-ta đúng như số liệu mà Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nêu và tất cả các quy trình đều được tiến hành hết sức nghiêm túc.

Kiểm tra về thủ tục quy trình thì không có gì đặc biệt, về cơ bản các địa phương đều làm đúng trình tự thủ tục cho thuê đất, diện tích cho thuê chính thức chủ yếu là đất trống đồi núi trọc.

Đối với hai địa phương là Kontum và Lạng Sơn, do nằm sát biên giới nên đã xin ý kiến một số ban ngành, trong đó có quân sự địa phương nhưng chưa thấy trả lời, qua kiểm tra tại xã Hữu Kiên có 48 hec-ta rừng do nhà nước quản lý chứ không phải rừng đầu nguồn, nên không có vấn đề gì xảy ra. Đối với Kontum thì sau khi chính quyền địa phương đã ký kết cho thuê đất thì quân sự địa phương mới có ý kiến là cho Việt Nam thuê chứ không nên cho nước ngoài thuê, còn về trình tự cấp phép thì các địa phương làm chặt chẽ.

Trách nhiệm cấp phép theo Nghị định 108 và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư, cho phép địa phương cấp phép, Bộ kế hoạch đầu tư không cấp phép mà chỉ cấp phép các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Ngay sau khi có các ý kiến thảo luận tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 405 tháng 3/2010 yêu cầu tạm dừng các dự án đầu tư trồng rừng có yếu tố nước ngoài để kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh lại các quy định và từ đó đến nay không có bất kỳ một dự án nào được cấp phép mới. Như vậy là ý kiến của Quốc hội đã được Chính phủ, các Bộ ngành thực hiện rất nghiêm túc.


Ngọc Quang
Theo Giaoducvn

Từ khóa: