Sự kiện hot
11 năm trước

Cà phê Việt Nam: Sản lượng cao, chất lượng thấp

Sản lượng cà phê 2011-2012 của VN ước đạt trên 1,6 triệu tấn, xuất khẩu mức kỷ lục khoảng 1,5 triệu tấn so cùng kỳ 2011 tăng 23% về lượng và 24% về giá trị, nhưng chất lượng chưa được đánh giá cao.

Sản lượng cà phê 2011-2012 của VN ước đạt trên 1,6 triệu tấn, xuất khẩu mức kỷ lục khoảng 1,5 triệu tấn so cùng kỳ 2011 tăng 23% về lượng và 24% về giá trị, nhưng chất lượng chưa được đánh giá cao.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch diện tích cây cà phê cả nước đến năm 2020 là 500.000ha (trong đó có 60.000ha cà phê chè). Tuy nhiên, do giá cà phê tăng cao trong những năm qua khiến diện tích trồng đến thời điểm này đã lên tới khoảng 586.000ha.


Sản lượng và chất lượng cà phê VN chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững.

Vẫn chạy theo số lượng

Theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam: “Mặc dù diện tích trồng cà phê không ngừng mở rộng song sản lượng và chất lượng lại chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững”.

Cụ thể, ông Hải dẫn chứng: Diện tích cà phê có tuổi đời trên 20 năm chiếm tới 30% nên hiệu quả kinh tế rất thấp... Ngoài ra, tình trạng trồng cà phê tự phát ở một số nơi đã gây lãng phí đầu tư, thoái hóa đất, cạn kiệt nguồn nước ngầm, suy thoái môi trường… Trong khi đó việc sản xuất cà phê theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ Certified đang còn khiêm tốn. “Trước mắt, chúng ta cần tập trung làm tái canh cây cà phê đối với các diện tích cà phê có tuổi đời cao, năng suất thấp” - ông Hải kiến nghị.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Xuân Thái - Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi (Đăk Lăk) cho rằng: “Hỗ trợ vốn để tái canh và chuyển đổi giống cây cà phê là điều cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề rất khó khăn vì cần phải có một lượng vốn lớn với lãi suất ưu đãi”.

Cần xác lập chuỗi giá trị cây cà phê

Cũng theo ông Nguyễn Nam Hải, vấn đề về giá cả và chất lượng cà phê là mục tiêu sống còn của ngành cà phê Việt Nam song hiện nay đang thiếu tính ổn định. Cụ thể, Việt Nam là nước xuất khẩu 60% sản lượng cà phê Robusta cho thế giới song giá cà phê Robusta lại thấp hơn giá cà phê Arabica đến 2,53 lần.

“Đây là điều bất hợp lý và bất lợi cho Việt Nam khi chúng ta lại có tới hơn 90% diện tích trồng cà phê Robusta” - ông Hải phân tích.

VN là nước xuất khẩu 60% sản lượng cà phê Robusta cho thế giới song giá cà phê Robusta lại thấp hơn giá cà phê Arabica đến 2,53 lần.

Theo ông Lê Đức Thống - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên XNK 2.9 (Đăk Lăk): “Chúng ta nên xác lập chuỗi giá trị cây cà phê với quy trình chuẩn để có cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê. Đồng thời, cũng phải kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng cà phê đóng một khoản để lập quỹ phát triển ngành cà phê Việt Nam. Quỹ này sẽ dùng để tái đầu tư cho nông dân, như đầu tư về giống, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường…”.

Trong nỗ lực nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Việt Nam, Bộ NNPTNT đã xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, số địa phương trồng cà phê sẽ giảm dần từ 18 tỉnh (năm 2011) xuống còn 11 tỉnh vào năm 2020. Tổng diện tích trồng cà phê sẽ giảm từ 586.000ha (tính đến năm 2011) xuống còn 500.000ha (năm 2020), giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.

Quốc Hải
theo Dân Việt

Từ khóa: