Sự kiện hot
11 năm trước

Các nhà đầu tư hãy cẩn trọng

Giới “chơi” cổ phiếu (những nhà đầu tư chứng khoán) đang sốt ruột.

Giới “chơi” cổ phiếu (những nhà đầu tư chứng khoán) đang sốt ruột. Trước đó, họ đã có nhiều tuần lễ hạnh phúc với thị trường khi cả hai chỉ số VN-Index và  HNX-Index  liên tiếp đi lên với nhiều mã cổ phiếu tăng hàng chục cho tới cả vài trăm phần trăm trong một thời gian rất ngắn. 

Khối ngoại dồn dập đổ tiền vào TTCK sau những thông tin nới room của cơ quan chức năng. Riêng trong tháng 1-2013, mua ròng của khối này lên tới gần 3.000 tỷ đồng, tương đương gần 140 triệu USD. Nhiều nhà đầu tư lướt sóng kiếm tiền tỷ chỉ trong hơn một tháng qua.

Đa số các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng tin tưởng vào một kết quả tốt đẹp của TTCK trong năm 2013. Một chuyên gia thậm chí còn nhìn nhận sự phục hồi của TTCK sẽ giúp đánh thức nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Qua TTCK, doanh nghiệp sẽ dễ huy động vốn hơn so với kênh ngân hàng; thị trường BĐS có thể được phá băng; nợ xấu có thể được giải quyết nhanh chóng hơn... Nhiều nhà đầu tư đã bán vàng dự trữ, nhiều tay ngang cũng đã ôm tiền chuẩn bị lao vào thử lửa. Người ta sớm quên cơn suy thoái thị trường năm 2012, sớm quên cảnh những cổ phiếu có giá hàng triệu, hàng trăm ngàn rớt xuống hạng mớ rau muống, nắm hành đẩy nhiều nhà đầu tư ra đứng đường. Vì vậy nhìn rõ thị trường, cân nhắc kỹ trước khi “xuống tiền” có lẽ là việc cần thiết vào thời điểm này.

Cẩn trọng với những “bong bóng” thị trường

Trong hai năm qua, hàng loạt các doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ, phá sản, những doanh nghiệp còn sống cũng đang vất vả để tồn tại. Vậy mà gần đây, không ít các mã cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ vốn một thời bị bán tống bán tháo lại đang vào mùa "tăng trần". Một số doanh nghiệp BĐS và liên quan BĐS báo lỗ vài trăm tỷ đồng trong quý IV-2012 hay tồn kho hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn kéo dài những phiên tăng trần dù 2-3 lần trong 5-7 tuần trước Tết.

Có một điều dễ nhận thấy trong đợt uptrend gần đây là, TTCK trong nước vẫn nặng tính “bầy đàn”, tâm lý - yếu tố khiến nhiều quả bong bóng đã hình thành. Trong suy nghĩ của nhiều người, trong xu hướng uptrend (của thị trường) thì không có gì phải nghĩ ngợi, đu theo giá đỉnh của nhiều "hàng nóng" cũng không phải là vấn đề lớn.

Dòng vốn ngoại và định hướng hỗ trợ thị trường có lẽ góp phần không nhỏ giúp các nhà tạo lập kéo đẩy các cổ phiếu lởm. Niềm tin về thị trường nhiều lần đã cạn kiệt và nhiều người sợ điều này lại xảy ra.

Gần đây, các cơ quan chức năng đang tính đến một loạt các giải pháp để thúc đẩy TTCK phát triển như tháo gỡ tín dụng cho chứng khoán, mở rộng cửa hơn cho khối NĐT ngoại, ưu đãi thuế, xây dựng thị trường phái sinh, nâng cao chất lượng niêm yết...

Theo nhiều lý thuyết, định hướng hỗ trợ các thị trường phát triển là cần thiết. Nó giúp nền kinh tế không bị rơi vào tình trạng thái quá ở bất cứ chiều nào tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nếu kỳ vọng sự phục hồi của một thị trường để vực dậy nền kinh tế cao quá có thể dẫn tới những hậu quả khó lường khác.

Số liệu của NHNN tới gần cuối tháng 1-2013 cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn giảm khoảng 1%, trong khi đó số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tiếp tục tăng gần 7% so với cuối năm 2012. Các tín hiệu nói trên cho thấy nền kinh tế chưa có nhiều cơ hội bứt phá đi lên, khả năng đình đốn vẫn còn đó. Vì vậy việc tăng giá đột ngột hàng loạt cổ phiếu không phải là bình thường và hợp với quy luật. Bỏ tiền vào chứng khoán thời điểm này không phải là hành vi khôn ngoan, theo quan điểm của chúng tôi. Bên cạnh những khó khăn vẫn còn nặng nề với các doanh nghiệp, một thị trường minh bạch vẫn còn là mơ ước của các nhà đầu tư chứng khoán chân chính.

Những dấu hiệu đáng lo lắng

Chỉ trong những ngày đầu năm 2013 cùng với những giải pháp thúc đẩy phát triển TTCK, hàng loạt các bê bối của các công ty chứng khoán, những hành vi vi phạm các quy định nhà nước về kinh doanh chứng khoán, thậm chí là vi phạm pháp luật đã được công bố, nhiều chế tài mới đã có hiệu lực, nhiều chế tài mới đang được gấp rút xây dựng để sớm đi vào đời sống thị trường. Tuy nhiên có thể nhìn thấy, ảnh hưởng của những biện pháp đó chưa thể hiện trong TTCK.

Đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết các vi phạm trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện và xử lý. Riêng trong năm 2012, theo UBCKNN, cơ quan này đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền phạt gần 11 tỷ đồng. Trong đó, trọng điểm như: Kiểm tra đột xuất đối với 1 CTCK, xác định vi phạm nghiêm trọng về sử dụng tiền và chứng khoán của nhà đầu tư; kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với hành vi cho vay chứng khoán để bán khống của 2 CTCK và nhân viên môi giới 1 công ty, kiểm tra hoạt động giao dịch ký quỹ của 3 CTCK và xử phạt đối với 2 CTCK; .triển khai 6 đoàn kiểm tra giao dịch đối với các cổ phiếu CVN; HQC, CDC, FLC, GBS, ASM và đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc cho cơ quan công an.

Đối với vụ việc thao túng giá tại SBS, UBCKNN đã chuẩn bị tài liệu liên quan, chuyển cho cơ quan công an. UBCKNN cũng đã chuyển một số vụ việc cho cơ quan công an để điều tra, làm rõ như: 4 vụ việc giao dịch thao túng cổ phiếu, 6 vụ việc theo đơn tố cáo và thuộc thẩm quyền cơ quan công an; đã phối hợp cung cấp tài liệu theo đề nghị của cơ quan công an liên quan đến vụ việc đang được điều tra (TAS), chuẩn bị tài liệu liên quan để cung cấp khi có đề nghị chính thức của cơ quan công an... Vào tháng 8-2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ra quyết định đặt 7 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát đặc biệt . Tuy nhiên cho đến nay, trừ việc một số lãnh đạo CTCK bị bắt do vi phạm pháp luật quá lộ liễu, một CTCK tuyên bố tự giải thể, tất cả vẫn nguyên vẹn, nghĩa là những hành vi thao túng giá cổ phiếu, lạm dụng tài sản các nhà đầu tư, mua bán cổ phiếu khống vẫn có cơ hoạt động.

Mới đây, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến nhân dân. Theo ý kiến của các chuyên gia, Dự thảo lần này đưa ra các mức phạt khá nặng đối với các hành vi vi phạm hành chính về chứng khoán. Và mới đây nhất, ngày 19-2-2013 theo ông Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Đặng Công Khôi, Chủ tịch UBCKNN đã đề xuất bổ sung thẩm quyền điều tra cho cơ quan quản lý TTCK trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK. Như vậy những chế tài nặng hơn, nghiêm khắc hơn đang nằm trên bàn các cơ quan chức năng, trong khi đó mỗi ngày hàng ngàn tỷ đang được mua đi bán lại trên thị trường chứng khoán. Lo lắm thay.

Vấn đề của nhà đầu tư

Không thể phủ nhận kinh doanh chứng khoán là một lĩnh vực kinh doanh thu hút được đông đảo nhà đầu tư với khả năng sinh lợi lớn. Tuy nhiên số lượng nhà đầu tư thành công cực kỳ thấp. Lý do tại sao? Ông Nguyễn Hữu Việt, Giám đốc khối Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS), chia sẻ: Sai lầm phổ biến nhất là lối tư duy không mang tính chất tài chính chuyên nghiệp. Nhiều nhà đầu tư nghĩ mua cổ phiếu giống như mua một món hàng vậy. Nhưng thực tế, việc tham gia thị trường chứng khoán là đầu tư tài chính và nó khác rất nhiều.

Có hai phương cách đầu tư: dài hạn và ngắn hạn. Đầu tư dài hạn nhà đầu tư cần quan tâm tới giá trị doanh nghiệp, quản trị, hoạt động của doanh nghiệp đó trong dài hạn. Giá cổ phiếu vào thời điểm mua chỉ có giá trị tham khảo, những khả năng phát triển và giá trị thị trường của doanh nghiệp mới là những yếu tố cần quan tậm. Điều này lý giải hiện tượng nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua thỏa thuận số lượng lớn cổ phiếu cả các ngân hàng với giá cổ phiếu cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua. Một số doanh nghiệp báo lỗ nặng năm 2012 vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đó là thái độ đầu tư nghiêm túc. Để đầu tư dài hạn rõ ràng cần tới các chuyên gia tư vấn đầu tư nghiêm túc, có hiểu biết và có thông tin chính xác đối với cổ phiếu và doanh nghiệp mình quan tâm. Tiếc thay, hầu hết các nhà đầu tư chứng khoán của chúng ta là những nhà đầu tư ngắn hạn, đúng hơn là những nhà đầu cơ. Chỉ những lô cổ phiếu đầu tư ngắn hạn nhưng thua lỗ và nhà đầu tư không muốn cắt lỗ thì lại thành món đầu tư dài hạn. Như vậy ngay từ khi đầu tư, thương vụ đó đã thất bại thì thất bại chung cuộc là rõ.

Đối với đầu tư ngắn hạn, đúng hơn là đầu cơ, nhà đầu tư vẫn cần  nhiều kỹ năng, trong đó phải có chiến lược quản trị tài chính, các nguyên tắc cắt lỗ cơ bản, có chiến lược vào hàng, thoát hàng. Không nên tự vẽ ra các kịch bản theo hy vọng của mình rồi chạy theo nó. Theo tư vấn của ông Nguyễn Hữu Việt: Lưu ý hai góc độ là nên tránh các cổ phiếu có nguy cơ cao về phá sản hay tỉ lệ nợ quá cao, hoặc chỉ tham gia với tỉ trọng thấp để giảm rủi ro cho danh mục. Còn tư vấn phổ biến nhất là nên tham gia với các cổ phiếu có thanh khoản tốt.

Và cũng xin lưu ý một nguy cơ quan trọng nhất đối với TTCK nói chung và các nhà đầu tư chứng khoán đến từ các nguyên nhân vĩ mô. Thị trường đang kỳ vọng nợ xấu sẽ được giải quyết và dòng vốn cho nền kinh tế được khơi thông. Nếu câu chuyện đó không thấy chuyển biến gì thì kỳ vọng sẽ chuyển thành thất vọng. 2013 sẽ chứng kiến áp lực thoái vốn của các quỹ và điều này thường dẫn đến việc phải thanh khoản danh mục sớm. Những nguy cơ này dẫn đến một lời nhắc nhở: Hãy thận trọng hỡi các nhà đầu tư chứng khoán.

Trần Việt
theo ANTĐ

Từ khóa: