Sự kiện hot
12 năm trước

Cận cảnh việc quản lý tiền của NĐT

Hiện có tới 90% số CTCK chưa thực hiện việc quản lý tách bạch tiền của NĐT với tiền của các đơn vị này.

Hiện có tới 90% số CTCK chưa thực hiện việc quản lý tách bạch tiền của NĐT với tiền của các đơn vị này.

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), TTCK Việt Nam hiện có khoảng 1,1 triệu tài khoản của NĐT chứng khoán. Tuy nhiên, có tới 90% số CTCK chưa thực hiện việc quản lý tách bạch tiền của NĐT với tiền của các đơn vị này.

Khoản 2, Điều 71, Luật Chứng khoán quy định nghĩa vụ của CTCK: “Quản lý tách biệt chứng khoán của từng NĐT, tách biệt tiền và chứng khoán của NĐT với tiền và chứng khoán của CTCK”. Bộ Tài chính và UBCK cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu CTCK phải tách bạch tài khoản. Tuy nhiên, do các văn bản trên chưa quy định rõ ràng khiến việc tách bạch hiểu thế nào cũng được và cũng chưa có chế tài xử phạt rõ ràng.

Mới đây, Chủ tịch UBCK, ông Vũ Bằng cho biết, cơ quan này đang xây dựng dự thảo Thông tư mới thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 về quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK. Khi thông tư này được ban hành, việc tách bạch triệt để tài khoản tiền của NĐT với CTCK sẽ được thực hiện.

Tài khoản chưa được tách bạch, tiền của NĐT rất dễ bị lạm dụng

Theo dự thảo thông tư mới, CTCK phải xây dựng hệ thống đáp ứng cả 2 phương thức quản lý tiền trên để NĐT chọn.

Thứ nhất, CTCK có thể mở tài khoản chuyên dụng tại NHTM để quản lý tiền của khách hàng. Tài khoản chuyên dụng phải mở riêng biệt và tách bạch với các tài khoản khác của CTCK. CTCK và NHTM mở tài khoản chuyên dụng có nghĩa vụ quản lý tài khoản này, chỉ phục vụ cho giao dịch của khách hàng.

Thứ hai, khách hàng của CTCK mở tài khoản trực tiếp tại NHTM do CTCK lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán. CTCK và NHTM thỏa thuận về cách thức xác nhận, phong tỏa số dư tiền và chuyển tiền thanh toán giao dịch chứng khoán. CTCK phải mở tài khoản trung chuyển tại NHTM do CTCK chọn để phục vụ cho giao dịch của khách hàng.

Điểm mới của dự thảo thông tư này là yêu cầu các ngân hàng tham gia cùng quản lý tiền của NĐT. Mọi hoạt động trên tài khoản này sẽ được giám sát chi tiết đến từng NĐT.

Tài khoản tổng hay tách biệt?

Theo thống kê của ĐTCK, hiện có khoảng 90% CTCK vẫn quản lý tiền gửi của NĐT qua tài khoản tổng do công ty đứng tên. Với hình thức này, ngân hàng chỉ tham qua quản lý tài khoản của CTCK, mọi hoạt động trên tài khoản này do CTCK tùy ý thực hiện, chứ không có sự giám sát chi tiết đến từng NĐT. Về hình thức, CTCK vẫn cho rằng họ không quản lý tiền của NĐT mà do ngân hàng quản lý, nhưng thực tế, NĐT muốn rút tiền vẫn phải được sự chấp thuận của CTCK. Trong giai đoạn thị trường khó khăn vừa qua, nhiều khách hàng muốn rút một khoản tiền lớn tại một số CTCK thì không thể rút ngay, do CTCK đã dùng tiền của NĐT trên tài khoản tổng để làm việc khác.

Nếu như trước kia, công nghệ của các CTCK và ngân hàng chưa thể đáp ứng cho việc thực hiện nghiệp vụ này, thì hiện nay, các vướng mắc về vấn đề kỹ thuật đã được giải quyết. Do đó, việc bắt buộc toàn bộ CTCK thực hiện tách bạch tiền gửi của NĐT là hoàn toàn khả thi.

Theo CTCK ACBS, mô hình tốt nhất để tách bạch tài khoản tiền gửi của CTCK và NĐT hiện nay là CTCK phải liên kết với 1 ngân hàng để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng. Theo đó, CTCK thực hiện quản lý tách bạch tài khoản tiền gửi thanh toán của từng NĐT, tách bạch tài khoản của NĐT với tài khoản của CTCK. CTCK chỉ quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của khách hàng, bao gồm cả tài khoản lưu ký chứng khoán; còn tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng sẽ do ngân hàng quản lý.

Tuy nhiên, theo CTCK Tân Việt (TVSI), để có thể thực hiện nghiệp vụ này, hệ thống kết nối của các NHTM phải thật sự tốt để có thể kết nối khi khách hàng đặt lệnh mua, bán, thực hiện quyền mua, nhận cổ tức bằng tiền. Nếu việc kết nối giữa ngân hàng và CTCK không ổn định sẽ gây ra rất nhiều phiền toái cho NĐT. Thời gian đặt lệnh của NĐT trên thị trường nhiều khi tính bằng giây, trong khi thông thường hiện nay, chuyển tiền ngay trong cùng hệ thống ngân hàng cũng phải mất vài phút. Sự chậm trễ này có thể gây ra thiệt hại cho các NĐT.

Phân loại CTCK

Một trong những lý do khiến việc tách bạch tài khoản tiền của NĐT chứng khoán bị chậm trễ trong một thời gian dài là do nguyên nhân chủ quan từ ý chí của các CTCK. Sự mập mờ trong quản lý tiền của khách hàng sẽ đem lại một khoản lợi nhuận khá lớn. Lý do thứ hai là bản thân NĐT cũng không biết tiền của mình để ở CTCK nào thì được bảo đảm an toàn nhất.

Về vấn đề này, anh Cường, một NĐT tại CTCK IRS hiến kế: Để có thể giải quyết tình trạng này, UBCK nên học tập Ngân hàng Nhà nước trong việc phân loại CTCK. Ví dụ: Nhóm 1 là danh sách những công ty thực hiện tốt việc tách bạch tiền NĐT, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho NĐT. Nhóm 2 là những công ty mới chỉ tách bạch tài khoản tổng. Nhóm 3 là những công ty chưa thực hiện tách bạch rõ ràng. Nhóm 4 là những công ty có sự vi phạm trong quản lý tiền của NĐT. Danh sách này UBCK không phải không có, nhưng lâu nay vẫn là “danh sách mật” đối với đa số NĐT!

Nguyễn Quang
Theo DTCK


Từ khóa: