Sự kiện hot
12 năm trước

Cần thiết và cấp bách giảm thuế

Trong phiên thảo luận ngày 12.6, các đại biểu Quốc hội đều tán đồng việc cần có nghị quyết “cứu trợ doanh nghiệp”, tuy nhiên vấn đề mà nhiều người lo âu là nghị quyết này được ban hành quá muộn.

Trong phiên thảo luận ngày 12.6, các đại biểu Quốc hội đều tán đồng việc cần có nghị quyết “cứu trợ doanh nghiệp”, tuy nhiên vấn đề mà nhiều người lo âu là nghị quyết này được ban hành quá muộn.

Đã quá trễ?

Sự đình đốn, phá sản, ngừng hoạt động, giải thể đã bắt đầu từ năm 2011 với gần 200.000 doanh nghiệp (DN). Chính vì thế, những giải pháp tiền tệ, tài chính của Chính phủ và bản thân gói giải pháp đang được Chính phủ trình, nhiều đại biểu (ĐB) cho là đưa ra quá trễ.

Việc được miễn, giảm thuế sẽ tạo động lực để doanh nghiệp phát triển sản xuất
(ảnh minh họa).

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhấn mạnh đến hai từ “cần thiết” và “cấp bách” của việc tháo gỡ khó khăn cho DN, cũng đồng thời là tháo gỡ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng việc đến giờ mới đưa ra gói cứu trợ là quá chậm. Chính phủ cần kiểm điểm nghiêm túc trong điều hành nền kinh tế khi mà “nền kinh tế phát triển rất bấp bênh, 5 năm gần đây luôn trong vòng luẩn quẩn”.

Ông Thuyền đề nghị: “Chính phủ phải có năng lực lắng nghe để điều chỉnh nền kinh tế”.

ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cũng bình luận là các giải pháp tiền tệ được đưa ra quá muộn, khiến cho các DN đã yếu lại càng yếu. Ngay cả gói cứu trợ này, ông Hùng cũng đặt câu hỏi “vì sao đến giờ mới đưa ra?” và “liệu có còn kịp để biến khó khăn thành cơ hội?”. Bởi thực tế, như phát biểu của ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương): “Hơn 50% hội viên DN vừa và nhỏ làm ăn không có lãi”.

Theo ông, đối với những DN này cần có những giải pháp tích cực cứu giúp họ thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Bởi nếu các DN tiếp tục giải thể, hậu quả có thể nhìn thấy ngay qua tình trạng thất nghiệp đang tăng rất cao, chưa nói tới những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế.

“Kính cho người mù”

Điểm then chốt của dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình Quốc hội hôm qua, cũng là bản chất của con số 29.000 tỷ đồng cứu trợ - theo tính toán của Bộ Tài chính, sẽ là việc “miễn, giảm, dãn” các loại thuế. Nghị quyết cũng xếp việc giảm 30% thuế TNDN ở vị trí số 1 trong thứ tự biện pháp. Tuy nhiên, điều rất dễ nhận thấy là chỉ có DN “còn sống”, có lợi nhuận, có nộp thuế, thì mới có thuế mà được giảm.

ĐB và là doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) thẳng thắn: Các DN hiểu việc giảm 30% số thuế TNDN chỉ dành cho DN có lãi và đang hoạt động. Còn những DN khó khăn tức thời về tài chính, lỗ hoặc không có lãi lại không được hưởng ưu đãi.

Theo báo cáo Chính phủ, trong quý I/2012, số DN tạm nghỉ là gần 18.700, số DN giải thể, phá sản và ngừng hoạt động là 10.350, tăng 14,8%. Lĩnh vực có số DN ngừng hoạt động tăng cao nhất là sản xuất, kinh doanh nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản (tăng 18,6%).

ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) nêu thực tế: Chỉ riêng trong năm 2011, chi phí tài chính - tức là khoản phải trả nợ - của các DN lên tới 850.000 tỷ đồng. Đây chính là khoản đã giúp ngành ngân hàng tăng 45% lợi nhuận bởi 70% trong số này là từ các khoản vay của DN. Dẫn câu chuyện một DN, vị chuyên gia kinh tế này so sánh chính sách giảm thuế cũng giống như “cho người mù cái kính”, trong khi thứ họ cần phải là “cây gậy”.

“Cây gậy” đó là việc giảm thuế TNDN song song với giảm thuế VAT trong một số lĩnh vực. Ông Lịch đề nghị cần rà soát những yếu tố của giá nông sản giảm, vật tư sản xuất nông nghiệp để giảm thuế VAT, thông qua đó giảm chi phí, giá thành sản phẩm. Và theo ông, đây mới thực sự là cách cứu giúp DN hữu hiệu: “Nghị quyết QH cần đưa ra thông điệp từ năm 2013 sẽ giảm thuế TNDN từ 25% còn 20% để tạo niềm tin, để các DN đang khó khăn có động lực tiếp tục sản xuất”.

ĐB Bùi Trí Dũng (An Giang) đề nghị xác định rõ chính sách này là dành cho DN thực sự khó khăn, nhất là DN sản xuất hàng hóa mà thị trường cần, DN sản xuất để xuất khẩu hàng hóa, chứ không nên cào bằng. Ông Dũng nhấn mạnh “sự hỗ trợ đặc biệt các DN gắn với nông nghiệp” và “các DN bất động sản tạo ra sản phẩm dành cho người có thu nhập thấp”.

Từ khóa: