Sự kiện hot
7 năm trước

Cảnh giác với dịch cúm gia cầm H7N9 nguy hiểm gây tử vong cao

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay dịch bệnh cúm A(H7N9) đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào.

Điều lo ngại nhất là việc gia cầm mắc virus cúm A(H7N9) sẽ không có biểu hiện gì của bệnh nên dễ gây tâm lý chủ quan. Bên cạnh đó, dịch cúm A(H7N9) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc nên giá gia cầm ở nước này giảm mạnh, dẫn đến nguy cơ gia cầm nhập lậu vào Việt Nam sẽ gia tăng.

Từ tháng 10 năm ngoái tới nay, dịch cúm gia cầm A(H7N9) tại Trung Quốc có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô, số ca bệnh và tốc độ lây lan. Riêng trong 2 tháng đầu năm,Trung Quốc ghi nhận 460 bệnh nhân, con số cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, từ 15/2 đến 22/2 có đến 56 ca mắc mới tập trung tỉnh Hồ Bắc, Giang Tây, đặc biệt là tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp ranh biên giới Việt Nam, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh tại nước ta là rất lớn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, virus cúm A(H7N9) ở Trung Quốc đang biến chủng, thay đổi gen từ độc lực thấp sang độc lực cao nên nguy hiểm hơn nhiều trên gia cầm. Hiện ngành y tế Việt Nam chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại đến vùng có dịch, song nên cân nhắc nếu không cần thiết thì không đi. Tuy nhiên, mới đây trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi họp khẩn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị nâng mức độ cảnh báo với dịch cúm H7N9, coi như đã xuất hiện ca bệnh trên người. Thứ trưởng Bộ Y tế lo ngại khi mà cúm A(H7N9) trên gia cầm triệu chứng lâm sàng không điển hình nên người dân dễ lơ là chủ quan. Người dân có thể giết mổ, ăn uống gia cầm tưởng lành nhưng thực tế lại mang mầm bệnh. Trong khi đó, chủng cúm này có tỉ lệ tử vong cao.

Mặc dù, từ năm 2013 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh cúm A(H7N9) trên người cũng như đàn gia cầm nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ Trung Quốc vào nước ta là rất lớn. Trong thời gian đầu năm 2017, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận rải rác ở các địa phương, hiện nay cả nước có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 11 xã của 7 tỉnh là Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày. Tại Nam Định, dịch cúm gia cầm A/H5N1 tiếp tục xảy ra, hiện, Nam Định còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các hộ chăn nuôi ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh chưa qua 21 ngày, địa phương đang nỗ lực khoanh vùng dập dịch.

Nhìn chung, về mức độ nguy hiểm, chủng cúm H7N9 có độc lực khá mạnh, gây tử vong cao hơn so với virus cúm A(H5N1), với tỷ lệ tử vong do nhiễm H7N9 là 40%. Diễn biến trên bệnh nhân nhiễm cúm A(H7N9) tương tự như bệnh nhân nhiễm cúm A(H5N1) với các tổn thương phổi, viêm phổi diễn tiến nhanh chóng, nguy cấp và tử vong. Có một điểm khác biệt đáng lưu ý là vi rút cúm A(H7N9) có nguồn gốc từ gia cầm, gây nhiễm trên gia cầm nhưng gia cầm lại không có biểu hiện triệu chứng - khác với vi rút cúm A(H5N1). Hiện đường lây truyền của cúm A(H7N9) chưa được hiểu biết rõ ràng và cũng chưa có kết luận nào về sự lây truyền dịch cúm từ người sang người. Cả 2 loại cúm gia cầm này hiện đều chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm A(H7N9) sang người, Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) ở người, người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

Mọi người không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, mặc dù có sự biến đổi về gene của chủng virus nhưng qua đặc điểm dịch tễ cho thấy, phần lớn những người nhiễm bệnh đều có tiếp xúc với gia cầm ốm và chết. Do đó, WHO kết luận nguy cơ lây lan từ người sang người rất thấp. WHO khuyến cáo cần cung cấp thông tin cho khách du lịch đến vùng có dịch về triệu chứng của H7N9, đồng thời cảnh báo người dân, đặc biệt những người ở khu vực biên giới thực hiện các biện pháp vệ sinh, tuân thủ tiêu thụ gia cầm tránh để bị nhiễm bệnh. Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Nếu người dân có biểu hiện bất thường như: sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, các bác sỹ cũng khuyến cáo: Mỗi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể như chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo; bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa, mỗi bữa cần có đủ số lượng và chất lượng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể. Bên cạnh đó, nên giữ ấm cơ thể, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, sử dụng thức ăn làm thông đường thở như: ớt, tỏi, hoa hồi, quế, gừng; ăn nhiều rau xanh. Một điều hết sức cần thiết là khi tiếp xúc với gia cầm phải đeo găng tay, khẩu trang…

Hồng Anh

 

Từ khóa: