Sự kiện hot
12 năm trước

Chần chừ thoái vốn tại DNNN

Định giá tài sản, thương thuyết với chủ nợ về phần vốn vay sẽ được dịch chuyển, thị trường chứng khoán xuống dốc cổ phần chào bán chẳng ai mua… là những vướng mắc lớn nhất khi thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Định giá tài sản, thương thuyết với chủ nợ về phần vốn vay sẽ được dịch chuyển, thị trường chứng khoán xuống dốc cổ phần chào bán chẳng ai mua… là những vướng mắc lớn nhất khi thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Thoái vốn ngoài ngành tại EVN đang vướng do cơ chế ép buộc DN

thoái vốn nhưng phải bảo toàn vốn

Thoái vốn bằng mọi giá?

Tính đến hết tháng 4/2012 mới có 7 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ đề án tái cấu trúc, 35 tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng và đang hoàn thiện trên cơ sở lấy ý kiến từ các Bộ, ngành.

Ông Đặng Quyết Tiến – Phó cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, để các giải pháp thực hiện tái cơ cấu lại DNNN có hiệu quả, đề án tái cơ cấu DNNN sẽ phân chia khối DNNN thành 4 nhóm, trong đó nhóm DN nắm 100% vốn Nhà nước sẽ được tái cấu trúc về chiến lược, mô hình tổ chức, quản trị, tài chính, nhân sự. Nhóm các DN mà Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ và 65% vốn điều lệ sẽ tái cấu trúc trước cổ phần hóa, tiếp tục tái cấu trúc sau cổ phần hóa. Và nhóm DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần hoạt động kinh doanh thuần túy sẽ phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước ở những DN không cần nắm giữ vốn chi phối.

Song, một trong những điểm được các chuyên gia nêu lên tại hội thảo "Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ tái cơ cấu các DNNN” diễn ra sáng 31/5 tại Hà Nội, là việc thoái vốn tại các DNNN hiện nay đang vướng từ cơ chế tới thực tế.

Trong khi cơ chế "ép" DNNN thoái vốn nhưng phải bảo toàn vốn, thì việc định giá tài sản, thương thuyết với chủ nợ về phần vốn vay sẽ được dịch chuyển, thị trường xuống dốc... khiến quá trình thoái vốn trở nên chậm trễ, cản trở lộ trình tái cơ cấu DNNN.

Theo PGS. TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA), việc Nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào những nhiệm vụ trọng điểm Nhà nước giao cho các DNNN là việc làm cần thiết, đáng lý việc này phải làm từ lâu nhưng chúng ta đã làm rất chậm. Nhưng khi quyết định thoái vốn tại một DN nào thì cần phải tính toán một cách cẩn trọng.

"Không thể nào thoái vốn bằng mọi giá. Thị trường chứng khoán hiện nay đang xuống dốc nên không thể nào hấp thụ được lượng vốn hàng ngàn tỷ đồng thoái vốn. Vì thế, cần có lộ trình, tính toán kỹ việc thoái vốn ở từng lĩnh vực, ngành cụ thể.Không thể vội vàng vì một sức ép nào đó. Ép quả chín xanh sẽ "sôi hỏng bỏng không" – ông Thanh nói.

Nhiều người lo ngại, trong lúc thị trường chứng khoán đang đi xuống, nếu DNNN thoái vốn thì phải bán rẻ cổ phần của mình hoặc không ai mua, hoặc mất tiền, vốn của Nhà nước… Tuy nhiên, theo phân tích của Nguyên Bộ trưởng Thương mại, ông Trương Đình Tuyển thì cần trông rộng hơn một chút. "Thoái vốn tại các DNNN phải tính tới hiệu quả dài hạn chứ không thể nhìn trong ngắn hạn".

Ông Tuyển lấy ví dụ một DNNN tại tỉnh Nghệ An đầu tư nhà máy sản xuất dầu ăn thực vật trị giá 53 tỷ đồng, trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh đứng ra với vai trò bảo lãnh cho vay đối với dự án này. DN sau khi vay được vốn, đầu tư sản xuất nhưng lại lâm vào cảnh khốn khó do khủng hoảng. "Năm nào tỉnh cũng bị các chủ nợ gửi trát đòi nợ. Tôi đề nghị phải bán ngay DN này, dù lỗ cũng phải bán, không cần chờ thị trường chứng khoán phát triển. Bán ngay còn thu hồi được chút vốn còn hơn cứ giữ khư khư rồi cuối cùng tài sản thất thoát, đến lúc muốn bán cũng chẳng ai mua" – ông Tuyển nói.

Vướng do cơ chế

Tuy nhiên, theo đại diện các tập đoàn thì việc thoái vốn tại một số DN, tập đoàn đang vướng mắc từ cơ chế. Ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – đơn vị vừa trình Chính phủ đề án tái cấu trúc DN, nêu thực tế: việc thoái vốn ở EVN cũng đang "tắc" ở chính quy định của Bộ Tài chính đưa ra, đó là thoái vốn mà không được mất vốn. "Thị trường chứng khoán xuống quá thấp, khiến DN không thể bán được cổ phần với giá đã định trước đó. Có nhà đầu tư đề nghị phải giảm giá xuống thì họ mới mua, mà với DNNN thì điều này không được phép" – ông Tri nói và đề xuất phải có cơ chế linh hoạt hơn trong việc thoái vốn của DNNN, lãnh đạo DN được phép "quyết" trong trường hợp cân nhắc mọi mặt được – mất.

Cùng chung quan điểm phải đẩy nhanh quá trình thoái vốn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cũng cho rằng, nguyên tắc cơ bản của thoái vốn phải theo cơ chế thị trường, đảm bảo an toàn hiệu quả cao nhất. "Có thể khi thị trường khó khăn, hấp thụ lượng vốn thấp nên nếu giá bán đáng lý là 10 đồng thì cũng chấp nhận bán giá 9 đồng để thu hồi vốn thay vì càng để lâu càng thiệt hại lớn. Vì thế, thời điểm nào bán, bán với giá nào phải rất cân nhắc" – ông Hiếu bày tỏ quan điểm.

Tái cấu trúc tập đoàn kinh tế, DNNN hay cổ phần hóa và cụ thể hơn là thoái vốn, cần phải làm rõ là không đặt ra mục tiêu tìm kiếm giá trị bằng tiền ngắn hạn (bán để lấy giá cao) mà bán để chuyển sang một cách thức quản lý, sử dụng nguồn lực này hiệu quả hơn và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho xã hội.

Cũng cần nhìn nhận lại, sở dĩ nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư quá nhiều ngoài ngành, dẫn đến chúng ta phải tìm biện pháp khắc phục cũng có nguyên nhân từ chính sách. Do vậy, để thực hiện có kết quả lộ trình này thì chính sách phải đi trước một bước. Nếu chính sách chưa có để giải quyết được các khúc mắc, khó khăn thì rất dễ đẩy tiến trình này vào quanh co, bế tắc.

"Tái cấu trúc gì thì cấu trúc nhưng phải bắt đầu từ tái cấu trúc tài chính. Tài chính sẽ quyết định bắt đầu từ đâu, làm gì" – PGS. TS Đặng Văn Thanh chốt lại.

Nguyễn Hoài
Theo Infornet

Từ khóa: