Sự kiện hot
12 năm trước

Chấm dứt đổi chiều, giật cục chính sách

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB Việt Nam khuyến nghị: "Cần tránh xu hướng thực hiện các chính sách trái ngược nhau như đã diễn ra trong lịch sử và cần minh bạch hơn mỗi khi có một ngân hàng được cứu".

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB Việt Nam khuyến nghị: "Cần tránh xu hướng thực hiện các chính sách trái ngược nhau như đã diễn ra trong lịch sử và cần minh bạch hơn mỗi khi có một ngân hàng được cứu".

Chấm dứt tình trạng giật cục chính sách

Không có sự khác biệt lớn giữa đánh giá về lạm phát và tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012 của  ADB và các con số mà Chính phủ đã dự kiến. Công bố tại cộc họp báo sáng 3/10, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 5,1% trong năm 2012 và 5,7% trong năm 2013, thấp hơn 6 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4.

Cùng với đó, lạm phát được dự báo chỉ ở mức khoảng 7% vào cuối năm 2012, đưa tỷ lệ trung bình lạm phát của năm lên 9,1%, thấp hơn so với dự báo trước kia. Đến cuối năm 2013, do giá lương thực toàn cầu và lượng cầu trong nước tăng, chính sách tài khóa có thể được nới lỏng nên lạm phát sẽ tăng nhanh lên mức 9,4%.

So với các điều chỉnh mới nhất của Tổng cục Thống kê, Bộ KHĐT thì các con số trên là tương đồng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu tâm nhất hiện nay không phải là các con số cụ thể. Dù ở mức bao nhiêu thì mọi dự báo gần đây đều có chung một "mẫu số" rằng, lạm phát năm nay của Việt Nam chắc chắn dưới ngưỡng 2 con số và tăng trưởng chậm lại dưới 6%.

Cần minh bạch tài chính ngân hàng (ảnh minh họa: theo xaluan)

"Điểm tích cực trong điều hành của Chính phủ năm nay là tỷ lệ tăng trưởng tuy giảm nhưng Chính phủ vẫn tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Các chính sách vừa qua của Chính phủ đã hỗ trợ giữ ổn định lạm phát. Nếu như có sự thay đổi thì cần lưu ý không nên thực hiện giật cục như trong quá khứ", ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB nói.

Chia sẻ với báo chí, khá nhiều lần các chuyên gia của ADB nhấn mạnh vào kiểu điều hành hết nới lỏng lại thắt chặt chính sách rồi lại nới lỏng của Việt Nam vì những mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB Việt Nam khuyến nghị: "Cần tránh xu hướng thực hiện các chính sách trái ngược nhau như đã diễn ra trong lịch sử".

Chuyên gia của ADB phân tích: "Cải cách là kế hoạch dài hạn. Trong thời điểm này, Chính phủ cần thực hiện kế hoạch cải cách đồng nhất mà trước hết, phải thể hiện bằng cam kết chính trị. Chúng tôi muốn có lộ trình với các hành động và thời hạn cụ thể. Hi vọng rằng, các biện pháp tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn sẽ không buộc Chính phủ phải thực hiện các chính sách trái ngược nhau như đã từng xảy ra trước kia?", chuyên gia này nói.

"Việt Nam đang cố gắng cạnh tranh với nước ngoài. Nếu nền kinh tế Việt Nam không vững chắc, thay đổi chính sách liên tục, tỷ lệ lạm phát có thể rất cao thì kết quả là đầu tư nước ngoài thay vì vào Việt Nam sẽ chuyển sang các nước khác", ông nói.

Minh bạch những vụ cứu ngân hàng

Một vấn đề khác khiến các chuyên gia của ADB quan ngại là thiếu minh bạch trong việc tái cấu trúc ngành ngân hàng và khu vực DNNN.

Ông Mellor cho hay, đó là vấn đề quy mô nợ xấu, những rủi ro liên quan đến khu vực DNNN và tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng với nhau.

Quy mô nợ xấu không rõ ràng, bảng cân đối đầy rủi ro của một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng làm ăn với các DNNN thua lỗ và làm ăn dàn trải đang đặt ra những câu hỏi về sự an toàn vốn của họ. Cho đến nay, Chính phủ cũng đã thừa nhận tỷ lệ rủi ro nợ xấu có thể trên thực tế cao hơn con số mà Thống đốc Ngân hàng đã công bố.

Liên quan đến DNNN, ông nói: "Chúng ta rất khó biết được hoặc không thể biết tình hình cụ thể  như thế nào khi Chính phủ công bố không rõ ràng."

"Ngay cả trong quá trình cải cách ngân hàng, khi có vấn đề, ngân hàng được cứu nhưng cần làm rõ, ai chịu trách nhiệm về những việc đã xảy ra. Tôi cho rằng, khi Chính phủ hỗ trợ một ngân hàng cụ thể nào đó thì việc chỉ ra các trách nhiệm là rất quan trọng", Giám đốc quốc gia ADB đề nghị.

Liên quan đến những rủi ro tiềm ẩn từ sở hữu chéo, ông Tomoyuki Kimura cho rằng: "Việc sở hữu chéo về bản chất là không xấu. Khi có sở hữu chéo, ngân hàng nhỏ gặp vấn đề, ngân hàng lớn có thể hỗ trợ, gửi người tới ngân hàng nhỏ để cải thiện khả năng quản lý ở đó".

Vấn đề ở đây là sở hữu chéo khi không được giám sát. Hiện, Việt Nam vẫn thiếu khung chính sách cho vấn đề này. Giải quyết vấn đề rủi ro trong sở hữu chéo rốt cục quay trở lại câu chuyện minh bạch thông tin.

Theo ông Tomoyuki Kimura, "việc công bố thêm thông tin về tiến độ thực hiện mục tiêu cải cách, đặc biệt là tài chính về các ngân hàng và DNNN sẽ củng cố hơn niềm tin trong dân chúng, các nhà đầu tư vào quyết tâm tiến hành cải các cấu trúc của Chính phủ".

Phạm Huyền
Theo Vietnamnet

Từ khóa: