Sự kiện hot
13 năm trước

Chàng trai kết hợp hiphop với xẩm

Sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, ông ngoại là cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, bố mẹ đều là nhạc sĩ, Vũ Tùng Phương - popper trẻ Hà thành đã làm được điều tưởng chừng không thể: kết hợp hiphop với âm nhạc dân gian truyền thống.

Sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, ông ngoại là cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, bố mẹ đều là nhạc sĩ, Vũ Tùng Phương - popper trẻ Hà thành đã làm được điều tưởng chừng không thể: kết hợp hiphop với âm nhạc dân gian truyền thống.

- Chào Phương, mình rất 'sốc' với ý tưởng kết hợp hiphop và xẩm của bạn, vốn dĩ, hiphop và xẩm khác nhau rất xa?

- Đối với Phương hai loại hình đó cũng không khác xa nhau lắm, hiểu nôm na hiphop và xẩm đều là nghệ thuật đường phố. Ngày xưa, hát xẩm được biểu diễn từ làng đến ngõ, từ sân chợ đến sân đình. 

Vũ Tùng Phương (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm nhảy Milky Way

Hiphop ngày nay cũng được các bạn trẻ thể hiện ở mọi địa điểm. Hát xẩm dù có nhiều chương trình bảo tồn vẫn ngày càng mai một, hiphop bị bỏ mặc tự phát triển lại tạo nên một trào lưu lớn trong giới trẻ. Tại sao không kết hợp hai thể loại đó, vừa đưa nghệ thuật truyền thống đến lớp trẻ, vừa tạo một sân chơi lành mạnh cho các bạn.

- Tức là bạn sẽ nhảy popping trên nền nhạc xẩm?

- Năm 2008, mình được tham dự Nhiều mặt - một vở kịch kết hợp thành công giữa âm nhạc cổ truyền, múa với văn hóa đương đại. Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu nên mình và các bạn nhảy chưa thực sự truyền cảm âm nhạc vào từng động tác.

Nếu như breakdance thiên về sự kỹ thuật, chứng tỏ bạn có thể làm những điều tưởng chừng phi lý: quay người bằng đầu, nâng cả cơ thể và nhảy chỉ bằng một tay,… thì popping thiên về nghệ thuật. Popping giúp kiểm soát cơ thể, thể hiện điệu nhạc bằng chính những cử động của khớp, kết hợp cùng giai điệu tạo nên nhiều chuyển động, dáng điệu. Như vậy, khi đã ngấm được nhạc rồi, dù đó là nhạc cổ truyền, bạn vẫn hoàn toàn tái hiện lại được bằng popping.

Vũ Tùng Phương (áo ghi) trong cuộc thi Street Freestyle Dance Battle 1 vs 1


- Từ năm 2008 đến nay, kế hoạch của bạn đã phát triển như thế nào?

- Có thể nói tới thời điểm hiện tại, Phương cùng với nhóm nhảy Milky Way đã có một bước tiến xa khi kết hợp các làn điệu dân ca quan họ, xẩm, đờn ca tài tử, âm nhạc của các dân tộc miền núi phía Bắc,… vào popping.

Bộ phim phóng sự Hiphop Việt trong cuộc đối thoại với quá khứ mà Milky Way vừa tham gia thực hiện là một trong dự án có mục đích như thế: đưa nhạc cổ đến với các bạn trẻ. Đó là thành quả của một quá trình làm quen, cảm thụ, kết hợp nhạc cổ truyền vào từng động tác popping. 

Trên nền nhạc xẩm, nhóm nhảy sử dụng popping để kể về quá trình hiphop du nhập, phát triển tại Việt Nam, dấu mốc của quá trình phát triển hiphop Việt. Bộ phim là sự giao thoa giữa nghệ thuật hiện đại - popping và nghệ thuật truyền thống lâu đời - xẩm. Kết quả mà bộ phim đem lại thật bất ngờ, có những bạn trẻ lần đầu tiên biết đến xẩm và cũng có những người già lần đầu biết đến nghệ thuật hiphop.

Theo Phương, hiphop hay popping dù được du nhập vào Việt Nam nhưng chính sự sáng tạo của người Việt Nam mới làm nên bản sắc riêng cho hiphop nước nhà, tạo nên dấu ấn trong làng hiphop thế giới.

- Trong suốt quá trình từ lên ý tưởng, thực hiện ý tưởng, bạn có được sự giúp đỡ nào?

- Mẹ là nhạc sĩ dân tộc, cũng là người gợi ý cho mình. Trong quá trình thực hiện, cả nhóm nhận được sự trợ giúp rất lớn từ phía các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian. Nói thật, bọn mình đã phải rất vất vả mới cảm thụ cái hay của âm nhạc truyền thống để đưa vào popping. Được cái càng nghiên cứu sâu càng thấy thích thú (cười).

- Gia đình đã hỗ trợ bạn như thế nào trên con đường trở thành popper chuyên nghiệp?

- Tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ giúp mình cảm nhận nghệ thuật tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mình thấy nỗ lực bản thân vẫn là quan trọng nhất. Những ngày đầu, bố mẹ phản đối ác lắm. Mình còn nhớ như in hồi lớp 6, mình muốn đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp, đã thi đỗ vào đội tuyển, trước ngày nhập đội bố còn xích chân Phương vào giường một tuần liền để cho “chết” cái đam mê không liên quan đến học hành đi. Rút kinh nghiệm, khi đi theo hiphop mình chỉ âm thầm làm, âm thầm chứng minh quyết định trở thành popper chuyên nghiệp của mình là đúng đắn.

Tùng Phương làm "ảo thuật" với các ngón tay


- Rõ ràng ở Việt Nam popper chưa đủ đất sống, mấy ai có thể ăn và uống bằng đam mê?

- Vấn đề “đầu tiên” bao giờ cũng nan giải nhất. Ở nước ngoài, một nghệ sĩ đường phố kiếm được khoảng 50 USD/ buổi diễn, 1 ngày họ diễn 5 buổi cũng đủ sống. Nhưng ở Việt Nam rõ ràng không thể kiếm tiền bằng cách biểu diễn ngoài đường được.

Milky Way đang có 6 lớp dạy popping, chừng đó cũng tạm đủ để duy trì nhóm và giúp một số thành viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải. Nhưng muốn được đi du đấu nước ngoài như Singapore, Indonesia thậm chí Pháp, Đức,… mình phải nhận dàn dựng các show diễn. Điều này cũng hợp với ngành Đạo diễn sự kiện mà mình học trong trường đại học Sân khấu điện ảnh. 

Từ những show diễn đó, tên tuổi nhóm được biết đến nhiều hơn, có nhiều "bầu sô" gọi đi hơn, có thêm được nhà tài trợ nữa. Vả lại, ở Việt Nam, anh Nguyễn Viết Thành - trưởng nhóm Big Toe - đã sống được bằng đam mê đó thôi. Vậy thì tại sao mình không làm được?

- Bây giờ bạn còn trẻ, còn nhảy sung được. 10 năm nữa bạn sẽ làm gì?

- Vẫn nhảy thôi (cười lớn)! Ở Nhật Bản, có nhiều trung tâm đào tạo các em dưới 10 tuổi nhảy popping, trình độ của các em khiến nhiều dancer chuyên nghiệp phải nể phục. Huyền thoại popping Jeffery Daniel đã gần 60 tuổi nhưng ông vẫn nhảy rất tuyệt. Popping không đòi hỏi sức lực quá nhiều nên độ tuổi, giới tính hoàn toàn không là vấn đề. Điều quan trọng là mình có đam mê và quyết tâm đi đến cùng hay không.

Theo BĐVN

Từ khóa: