Sự kiện hot
11 năm trước

Chàng trai mù giật “vàng” bơi lội

Hỏng mắt từ khi lên 3 tuổi, nhưng Nguyễn Văn Tùng (SN 1983) thuộc Trung tâm mái ấm Nhật Hồng TP HCM đã bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê với bơi lội.

Hỏng mắt từ khi lên 3 tuổi, nhưng Nguyễn Văn Tùng (SN 1983) thuộc Trung tâm mái ấm Nhật Hồng TP HCM đã bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê với bơi lội. Tùng đã giành 3 Huy chương Vàng trong Giải Thể thao người khuyết tật 2013 được tổ chức từ ngày 22 đến 28/7 tại Hà Nội.


Nguyễn Văn Tùng vinh dự nhận Huy chương. Ảnh: T.G

Thèm lắm một mái nhà có mẹ

Qua bà Xuân Thảo – Phụ trách đoàn thể thao khuyết tật của Mái ấm Xuân Hồng (Trung tâm mái ấm Nhật Hồng, TP HCM) chúng tôi gặp Nguyễn Văn Tùng tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Tùng kể, từ năm lên 3 tuổi đôi mắt cậu cứ mờ dần. Gia đình cậu hồi ấy còn ở Long Xuyên, cha mẹ thương con, bòn vét hết tiền của trong nhà đưa con đi chữa trị. Họ đã đau xót vô cùng khi bác sĩ thông báo cậu con trai đầu lòng sẽ bị mù hẳn. Tuy thế cha mẹ Tùng vẫn cho Tùng học hết cấp 1 ở Long Xuyên, An Giang, nhưng rồi điều kiện không cho phép nên Tùng đành lần hồi lên TP HCM kiếm sống và tình cờ biết mái ấm Nhật Hồng dành cho người khiếm thị.

Nhớ lại những tháng ngày bôn ba đường phố, Tùng chia sẻ, thời điểm khó khăn nhất là năm 18 tuổi. Mẹ mất, Tùng phải bỏ làm, bỏ học nghề một thời gian để về nhà vừa đi nhổ khoai, mì, gặt lúa… thuê, vừa giúp ba chăm sóc cho mấy em. Nhà Tùng nghèo lắm, việc làm không có thường xuyên nên cuộc sống cực kỳ khó khăn. Nhà cửa thiếu vắng bàn tay mẹ nên khó khăn càng thêm khó khăn. Lúc đó anh em Tùng thật sự thèm lắm một mái nhà có mẹ. Ba đi làm xa về rất muộn, Tùng lúc đó cùng đi làm phụ thêm với ba đến 7 giờ tối mới vào bếp nấu nướng để mấy anh em cùng ăn. Lúc đó nhà hàng xóm sáng mắt đã được nghỉ ngơi, thoải mái xem tivi, cười đùa vui vẻ, nghe mà thèm… Thời gian khó khăn rồi cũng qua đi, các em Tùng lớn lên, đi làm cuộc sống bớt khó khăn. Nhưng nhờ những ngày gian khó ấy mà Tùng biết nấu ăn ngon.

Tham dự Para Games ở Hà Nội là cơ hội lớn cho Tùng cọ xát và rèn luyện nhiều hơn, được giao lưu và kết thêm nhiều bạn mới. Tùng cũng gặp nhiều số phận còn bất hạnh hơn, cùng cảm phục nghị lực, khả năng vượt qua và hòa nhập với cộng đồng của các bạn. Từ đó thấy mình còn rất may mắn để mà cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.

Hạnh phúc nở hoa

Theo bà Xuân Thảo, từ khi vào mái ấm Nhật Hồng, Tùng làm nhân viên trị liệu gai cột sống, thoái hóa khớp ở Phòng điều trị (quận Thủ Đức, TP HCM). Tùng có rất nhiều tài lẻ như đánh cờ vua, chơi đàn… nên tham gia rất nhiều hoạt động của Trung tâm. Nhờ tài chơi đàn mà Tùng đã cưới được vợ vừa đảm vừa hiền ngoan. Bây giờ mỗi lần đi thi đấu ở xa, bên cạnh Tùng luôn có người vợ hiền đảm thương yêu, động viên giúp đỡ.

Tùng bật mí, mấy năm trước có đoàn tình nguyện viên của Chiến dịch Mùa hè xanh về Trung tâm giúp làm từ thiện. Đêm giao lưu, Tùng lên biểu diễn đánh đàn ghi ta. Tiếng đàn mượt mà, êm ái của chàng trai mù đã làm rung động trái tim cô sinh viên Trịnh Hồng Hà – một trong những tình nguyện viên của chiến dịch. Kết thúc mùa chiến dịch tình nguyện xanh thì họ đã yêu nhau.

Quá trình yêu nhau, họ gặp rất nhiều điều ra, tiếng vào. Ba mẹ Hồng Hà nói với con gái: Gia đình thì không chấp nhận, nhưng con gái bằng lòng thì cha mẹ gả. Con gái tự quyết định chứ ba mẹ không cản. Nhưng Hồng Hà vẫn quyết tâm yêu thương Tùng và cả hai đã vượt qua trở ngại, giành được tình yêu trọn vẹn bằng một đám cưới.

Bây giờ thì vợ Tùng đã là cán bộ của Chi cục kiểm dịch thực vật ở TP HCM. Vợ chồng Tùng đã có hai thiên thần nhỏ là Nguyễn Hồng Ngọc và Nguyễn Hà Ngọc Thanh ngoan ngoãn xinh xắn, rất được ông bà ngoại yêu quý. Hiện Tùng đang sống chung với gia đình vợ, tình cảm ngày càng gắn bó, khăng khít. Bản thân Tùng luôn phấn đấu để được cha mẹ vợ thương và yên tâm đón nhận chàng rể.

Theo bà Xuân Thảo, Tùng còn tham gia ban nhạc tự phát gồm 4 bạn khiếm thị cùng ở mái ấm Nhật Hồng, có đủ trống, đàn và các dụng cụ biểu diễn, chuyên đi phục vụ cho các đám cưới. Mỗi buổi biểu diễn được trả hơn 1 triệu đồng cho 4 bạn, mỗi tháng nhận được khoảng 8 sô diễn, thường vào thứ Bảy, Chủ nhật. Bận rộn nhất là từ tháng 8 đến tháng 10 – là mùa cưới và vào những ngày tốt là đi sô ban đêm miết. Tuy Trung tâm tạo điều kiện cho đi biểu diễn, nhưng Tùng và các bạn luôn có ý thức chỉ đi làm thêm vào ngày nghỉ, chứ ngày thường không nỡ nghỉ, vì Mái ấm rất đông khách, các bạn khác sẽ phải vất vả gánh hộ việc.

Bây giờ trở về cuộc sống đời thường sau mỗi cuộc thi, Tùng là người cha luôn làm tròn trách nhiệm và gương mẫu với công việc của mình. Tương lai của một người khiếm thị như Tùng đang rất tươi sáng, anh hy vọng sẽ góp sức mình mang lại cho những trẻ em thiếu may mắn như mình.

Tùng vui mừng cho biết: Khi Para Games kết thúc Tùng đã giành 3 Huy chương vàng (nội dung bơi hỗn hợp, bơi bướm, bơi tiếp sức tự do) và 1 Huy chương bạc (bơi tiếp sức). Mùa giải trước Tùng cũng giành 3 Huy chương vàng. Trong niềm vui thành công, Tùng muốn gửi lời tri ân nhất là những dì – ma xơ của Trung tâm Mái ấm Nhật Hồng, những người đã dìu dắt và giúp đỡ Tùng có việc làm ổn định và có được người vợ hiền đảm, gia đình an vui.

Hà Dương
theo GĐ&XH

Từ khóa: