Sự kiện hot
12 năm trước

Chàng trai thiểu năng “rinh” HCV Olympic

Không ai có thể ngờ được, Kỳ Phong lại trở “ông hoàng” của đường chạy 50m.

Không ai có thể ngờ được, Kỳ Phong lại trở “ông hoàng” của đường chạy 50m.

Vượt qua căn bệnh thiểu năng trí tuệ, chàng trai Ngô Hữu Kỳ Phong (20 tuổi), trú tại tổ 14, KV 3, phường Thuỷ Dương, thị xã Hương Thuỷ (Thừa Thiên - Huế) đã rinh về các tấm Huy chương vàng cho tổ quốc. Từ niềm đam mê thể thao, Phong đã đến với các giải đấu và kéo lá cờ Việt Nam lên đỉnh vinh quang. Mới đây, chàng trai đặc biệt này đã trở thành chủ nhân của chiếc Huy chương Vàng Thế vận hội Thể thao dành cho người khuyết tật Olympic Athens 2011.


Phong bên tấm huy chương chụp hình kỷ niệm với lãnh đạo Trung tâm tại Thế vận hội Olympic Athens tại Hy Lạp.

Đạp xe tìm chữ cho con

Chúng tôi đến nhà chàng trai “vàng” trong cái nắng chói chang của TP. Huế. Trước sân căn nhà nằm hun hút trong con ngõ hẻm cạnh bờ ao, một chàng trai mang dáng hình đứa trẻ đang ngồi kể chuyện cho em gái. Ấn tượng đầu tiên về chủ nhân Huy chương vàng Đại hội thể dục thể thao dành cho người khuyết tật Olympic Athens 2011 rất lạ. Nhìn cậu, ai cũng nhầm tưởng khuôn mặt trông ngờ nghệch kia sẽ không biết và không thể làm được gì. Nhưng ngược lại, Phong rất lễ phép, nói chuyện có trước có sau và rất tự tin, mạch lạc, khác hoàn toàn với những người mang căn bệnh giống cậu. Nói chuyện với chúng tôi, Phong gọi em gái mình lại, rồi hai anh em lễ phép cúi chào khách lạ.

Nhìn chàng trai bề ngoài nhỏ con, giản dị ấy, ít ai tin rằng cậu chính là niềm tự hào không chỉ của bố mẹ mà còn cả bà con trong trong TP. Bình thường, để tìm một căn nhà trong ngõ ngách ở Huế rất khó. Tuy nhiên, đến đầu làng, chúng tôi hỏi nhà em Ngô Hữu Kỳ Phong ai cũng chỉ rành mạch, cặn kẽ. Và hầu như khi nói về cậu, bà con nơi đây đều dành một tình cảm đặc biệt.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn xập xệ, anh Ngô Hữu Vẽ (42 tuổi, bố Hữu Phong) cho biết: Phong là con thứ hai trong gia đình. Lúc mới sinh cháu, hai bên nội ngoại đều rất vui mừng, vì cháu kháu khỉnh, bụ bẫm, nước da hồng hào và khoẻ mạnh. Trông thấy Phong ai cũng yêu mến, cưng nựng. Song, niềm hạnh phúc của anh chị không được bao lâu. Khi Hữu Phong gần 1 tháng tuổi, cậu bỗng dưng ốm đau, sốt cao liên tục và khóc suốt ngày đêm không chịu bú sữa mẹ. Sau khi vận dụng chữa trị bằng những bài thuốc dân gian mà không có tiến triển, anh Vẽ và vợ quyết định đưa cháu đi khám ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Đôi tay run run cầm tờ kết quả bệnh tình của con, bước chân anh Vẽ chao đảo. Mẹ của Phong, chị Phạm Thị Thu Lý thì dựa vào thân cây ở bệnh viện khóc nức nở. Đứa con trai anh chị rứt ruột đẻ ra chỉ mới được vài tháng tuổi trông bụ bẫm, kháu khỉnh là vậy mà lại mắc căn bệnh thiểu năng trí tuệ (thường gọi là bệnh Down - PV). Từ đó, chứng kiến quá trình con lớn lên, với những biểu hiện bề ngoài giống như đặc điểm không bình thường, anh chị cũng đau lòng lắm. Tuy nhiên, không muốn con tủi thân, tủi phận nên anh chị luôn cố gắng giúp con hòa nhập cuộc sống.

Nói chuyện với chúng tôi, chị Lý tâm sự: “Khi Phong bước vào độ tuổi đến trường, muốn con được hòa nhập với bạn bè nên chị đã cất công đi hết các trường để xin cho Hữu Phong đi học. Nhưng đau đớn thay, tuyệt nhiên không có trường nào chịu nhận một học sinh thiểu năng trí tuệ. Thời gian tất tả đạp xe đi xin học cho con là những giọt mồ hôi, nước mắt mặn chát của người mẹ. Trong một lần đi họp lớp cùng bạn bè cũ , anh chị Vẽ được một người giới thiệu cho Trường chuyên biệt Tương Lai ( phường Vỹ Dạ) và Trung Tâm khuyết tật phường Thuỷ Biều (TP Huế). Đây là hai địa nhận đào tạo trẻ em thiểu năng và chậm phát triển. Ngay lập tức, vợ chồng anh Vẽ đem hồ sơ đến các trung tâm ấy để xin cho cháu vào học. Năm đó Hữu Phong tròn 12 tuổi.


Phong cùng bố trong ngôi nhà nhỏ của mình

Vượt lên chính mình

Kể từ khi được đi học cùng các bạn, Phong thay đổi hẳn so với trước. Phong trở nên nhanh nhẹn, ăn nói lưu loát, mạnh dạn, sống lễ phép hơn trước. Ngoài ra, cậu bé này còn biết giúp bố mẹ đỡ đần công việc nhà như vệ sinh nhà cửa, nấu cơm, biết thương yêu và dẫn em đi chơi. Trước sự hòa nhập của con, vợ chồng anh Vẽ vui mừng ra mặt. “Hồi trước chưa đến trường, cháu nhát và ít tiếp xúc với ngưới khác lắm. Nó sống khép kín và khuôn mặt trông lúc nào cũng đờ đẫn, chậm chạp. Giờ nhìn con thay đổi thế này, vợ chồng tôi mừng lắm cô chú ạ”, anh Vẽ chia sẻ với khuôn mặt hạnh phúc.

Mặc dù cho con cắp sách đến trường nhưng vợ chồng anh Vẽ chưa bao giờ mong mỏi một điều gì lớn lao hơn ở Kỳ Phong cả. Họ chỉ hi vọng con trai được phát triển và hòa nhập với cuộc sống như bao đứa trẻ bình thường khác. Năm 2008, một CLB bóng đá trẻ khuyết tật do Na Uy tài trợ được thành lập tại Trung tâm Giáo dục Năng khiếu Văn thể mỹ tỉnh Thừa Thiên Huế. Đón nhận tin vui này, cả Trung tâm háo hức gấp rút tìm kiến, tập hợp, chọn lựa ra một đội bóng đặc biệt để đào tạo. Lúc đó, Phong cứ nằng nặc đòi ba mẹ cho tham gia. Chiều lòng con, anh chị chở cháu đến Trung tâm làm đơn xin cho Phong gia nhập cùng đội bóng. Với lòng đam mê bóng đá và thái độ tập luyện nghiêm túc, nhiều người không khỏi bất ngờ và cảm phục ý chí của cậu bé thiểu năng trí tuệ.


Mỗi khi đi học về, Phong thường lấy chổi quét nhà, đỡ đần mẹ những công việc trong gia đình.

Không lâu sau đó, Hữu Phong được ký biên chế với đội bóng, trở thành một trong những cầu thủ trụ cột trong mỗi trận ra quân của CLB. Tại Trung tâm Giáo dục Năng khiếu Văn thể mỹ, Phong là một người luôn nhiệt tình và đi đầu trong các hoạt động. Trong quá trình theo dõi tập luyện hằng ngày, cán bộ trung tâm luôn nhìn thấy ở Phong một tinh thần luyện tập nghiêm túc, có trách nhiệm. Sau những nỗ lực ở bộ môn bóng đá, lãnh đạo Trung tâm đã đào tạo Phong thành vận động viên điền kinh. Lúc này, cậu bé thiểu năng được luyện tập chuyên sâu, bài bản để đi tham dự các giải đấu. Qua sự miệt mài rèn giũa, Phong được vào đội đi dự giải thi chạy ở Thế vận hội Olympic Athens Hy Lạp (6/2012). Đến tham dự Thế vận hội lần này gồm có 180 Quốc gia trên toàn thế giới, với gần 7.500 VĐV. Và kết quả thật bất ngờ, khi cậu bé này đã xuất sắc vượt qua các đối thủ kỳ cựu để đoạt Huy chương Vàng với môn chạy điền kinh cự ly 50m nam.

Chia tay với chúng tôi, Phong nở nụ cười ngây thơ và nói: “Em thích đá bóng, chạy điền kinh và mong muốn được tiếp tục đi thi đấu để giao lưu gặp gỡ các bạn khiếm khuyết như mình”. Chính từ tình yêu dành cho thể thao, Hữu Phong đã dần chiến đấu được những hạn chế của căn bệnh thiểu năng trí tuệ này. Sự cố gắng ấy đã giúp Phong vượt qua nỗi đau luôn dằn vặt mình suốt bao nhiêu năm, để rồi mang vinh quang về cho Tổ quốc, quê hương.

Quán quân Olimpic ở đường chạy 50m

Trao đổi với phóng viên Người đưa tin, ông Trần Văn Phước, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Năng khiếu Văn thể mỹ cho biết: Trong đợt thi vừa qua, Việt Nam chỉ có 4 em đại diện đi dự giải Thế vận hội Olympic Athens tại Hy Lạp. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế vinh dự có hai em được chọn là em Ngô Hữu Kỳ Phong và Hồ Thị Thuỳ Linh, ngoài ra còn có hai em ở TP HCM. Sau khi giải đấu kết thúc, toàn đoàn đạt được hai Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng, trong đó, Phong là quán quân đường chạy 50m. Cũng theo ông Phước, Phong được nhận vào CLB dành cho trẻ khuyết tật của Trung tâm từ năm 2008. Với bản tính cần cù, siêng năng, nhanh nhẹn trong tập luyện và ham học hỏi, Phong đã lọt vào tầm ngắm của ban lãnh đạo Trung tâm. Lúc đó, CLB đã đăng ký đi thi đấu chính thức tại Na Uy môn bóng đá năm 2009 và đạt Huy chương Đồng. Kể từ đó, Phong luôn hoà nhập với anh chị em trong Trung tâm. Cậu bé không còn ngại ngùng, hổ thẹn như những ngày đầu mới vào.

Hoàng Ngọc - Loan Nguyễn
theo Người đưa tin


Từ khóa: