Bên cạnh những lợi ích mà ChatGPT mang lại cho doanh nghiệp logistics, thì nó cũng có những hạn chế và tiềm ẩn rủi ro, như không thể hiểu biết sâu và không thể cung cấp thông tin chính xác về ngành logistics, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng dần nhận thấy tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số. Theo một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), có đến 87% doanh nghiệp logistics cho rằng công nghệ giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh. Số lượng doanh nghiệp logistics có ứng dụng phần mềm công nghệ chiếm khoảng 40-50%.
Nhiều doanh nghiệp logistics đang có những nỗ lực để áp dụng công nghệ trong quản lý, vận hành các hoạt động logistics. Đặc biệt, một số doanh nghiệp logistics lớn đã đầu tư mạnh vào việc chuyển đổi số và triển khai nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến như hệ thống quản lý giao nhận, quản lý quan hệ khách hàng, quản lý đơn hàng, quản lý kho, quản lý vận tải…
Với quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng, việc ứng dụng công nghệ cũng như trí tuệ nhân tạo (Al) vào quá trình sản xuất - kinh doanh đã giúp doanh nghiệp tiết giảm nhiều chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, tạo thêm nhiều đột phá trong tiến trình hội nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, ChatGPT cũng có những hạn chế và tiềm ẩn rủi ro. Dữ liệu dùng để huấn luyện cho ChatGPT được Open AI lấy đến thời điểm tháng 9 năm 2021 trở về trước. Vì vậy các thông tin từ ChatGPT có thể sẽ không còn chính xác ở thời điểm gần nhất. ChatGPT hiện tại không thể hiểu biết sâu và không thể cung cấp thông tin chính xác về ngành logistics, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam.
Bị hạn chế trong việc hiểu rõ ngữ cảnh phức tạp hoặc câu hỏi có nhiều ý nghĩa, ChatGPT chỉ tự động tạo nội dung dựa trên sự tổng hợp và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn nhưng không viện dẫn nguồn cụ thể, do đó có thể trả lời không chính xác hoặc không phù hợp. Không có giác quan, cảm xúc, không hiểu hành vi xã hội, và không có trải nghiệm thế giới như con người nên ChatGPT không có khả năng tương tác thực tế giống như con người thật, đặc biệt là không có khả năng tương tác đa chiều.
Hiện nay, có đến hơn 95% doanh nghiệp logistics tại Việt Nam có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Phần lớn những doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trước xu hướng chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến chuyển đổi số và vẫn chỉ tập trung vào các hoạt động kinh doanh truyền thống với tầm nhìn ngắn hạn.
Ông Nguyễn Hoài Chung - CEO Phaata cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp logistics diễn ra còn chậm. Một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số còn hạn chế và họ chưa có chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với tầm nhìn dài hạn. Văn hóa ngại thay đổi, không muốn ứng dụng giải pháp mới và sự thiếu quyết tâm của ban lãnh đạo cũng là một trở ngại lớn.
Ngoài ra, thiếu nhân lực đủ chuyên môn để triển khai, nguồn lực về tài chính, thông tin về công nghệ số, trở ngại trong việc tích hợp các giải phải pháp công nghệ mới với hệ thống đang sử dụng và nỗi lo về độ bảo mật thông tin doanh nghiệp... cũng cản bước doanh nghiệp logistics chuyển đổi số.
Tiến Hoàng/KTDU