Sự kiện hot
12 năm trước

Châu Á và cuộc chạy đua lối sống Mỹ

Cho dù suy giảm, nước Mỹ vẫn xoay sở để bán lối sống "thượng hạng" của mình tới phần còn lại của thế giới bằng nhiều cách tài tình, từ thực phẩm tới phim ảnh, từ âm nhạc tới thời trang và cả những vấn đề về béo phì.

Cho dù suy giảm, nước Mỹ vẫn xoay sở để bán lối sống "thượng hạng" của mình tới phần còn lại của thế giới bằng nhiều cách tài tình, từ thực phẩm tới phim ảnh, từ âm nhạc tới thời trang và cả những vấn đề về béo phì.

Bài viết của Andrew Lam, tác giả của cuốn "East Eats West: Writing in Two Hemisphere and Perfume Dreams: Reflection on the Vietnamese Dispora" đưa ra góc nhìn về thói quen ẩm thực của người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung, qua đó phản ánh xu hướng chạy đua "sống kiểu Mỹ" đang âm thầm tồn tại trong cộng đồng người dân châu Á.

Mỗi lần thăm lại quê hương, Việt Nam, tôi thấy rằng nhiều người thân của tôi đã trở nên giàu có và ngày càng phát tướng, đặc biệt là những đứa con được quá nuông chiều của họ. Ví như một người họ hàng của tôi ở Sài Gòn có đứa con bị béo phì. Khi được hỏi tại sao chị lại cho con ăn quá nhiều như vậy, chị chỉ nhún vui và nói: “Ừ, ngày xưa mình chẳng đủ ăn trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Giờ có tiền thì cứ cho con ăn gì nó muốn.”

Đáng tiếc, những gì cậu bé đòi hỏi là đến chuỗi những hàng ăn kiểu Mỹ như KFC, Pizza Hut, Carl Jr.’s, và mới đây nhất là Burger King. Bữa ăn ưa thích của cháu là gì? “Pizza và Coke” cậu bé hân hoan trả lời.

Ngoài sức hấp dẫn của đồ ăn nhiều dầu mỡ và đồ uống ngọt có ga thì còn có một lý do khác giải thích tại sao những thói quen này đang thâm nhập vào các quốc gia vốn nổi tiếng với truyền thống ẩm thực tuyệt vời. Không giống như ở Mỹ, nơi đồ ăn nhanh được coi là tiết kiệm thời gian, giá rẻ và thường là bữa ăn ưa thích của những người lao động nghèo, tại châu Á, những nơi như Burger King và Pizza Hut là những đồ ăn được những người có thu nhập cao lựa chọn.

Với một công nhân bình thường tại Việt Nam có thu nhập chỉ vài đô một ngày, ăn tại KFC hoàn toàn vượt quá khá năng của họ. Tuy nhiên, với những người có đủ khả năng để ăn tại một nhà hàng Pizza Hut có máy lạnh trong một khu trung tâm mua sắm sang trọng tại Hà Nội hoặc Sài Gòn, ăn uống chỉ là một phần. Phần khác quan trọng không kém, nếu không muốn nói rằng hơn là: Tiêu dùng đồ ăn nhanh của Mỹ là một bằng chứng cho địa vị kinh tế của một người châu Á.

Tại châu Á, tiêu dùng đồ ăn nhanh của Mỹ là một bằng chứng cho địa vị
kinh tế của một người.

Nhà văn Hà Jin đã bắt được xu hướng hiện đại này trong một câu chuyện ngắn vui nhộn có tên “Sau khi Gà cao bồi đến thành phố.” Câu chuyện kể về một gia đình giàu có đặt tiệc cưới tại một chuỗi nhà hàng ăn nhanh thương hiệu mới có tên “Gà cao bồi” mà không hề nghĩ rằng người Trung Quốc biết 150 cách tốt hơn để nấu thịt gà – để ăn mừng sự giàu có của họ trong giới tư bản Trung Quốc. Nếu câu chuyện có tính hài hước thì nó cũng đồng thời là một tuyên bố đáng buồn về việc một nền ẩm thực hàng ngàn năm bị ném đi vì cái mới nhanh như thế nào - trong trường hợp này là gà chiên rán và khoai tây chiên đựng trong hộp giấy.

Và nếu giác quan và khẩu vị là những nạn nhân bị tổn hại đầu tiên trong một thế giới nơi mà đồ ăn nhanh phương Tây và những đồ uống có ga có thương hiệu đang phát triển nở rộ với tốc độ đáng báo động thì nạn nhân cuối cùng chính là sức khoẻ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một tỷ người đang bị suy dinh dưỡng trên thế giới và một tỷ người khác (đa số ở các nước đang phát triển) đang bị thừa cân. Ít nhất 300 triệu người trong số họ bị béo phì lâm sàng và chi phí kinh tế cho các bệnh có liên quan thì vô cùng kinh ngạc.

Trong khi tỷ lệ béo phì chung ở Trung Quốc vào khoảng 5% thì con số đó tăng cao đáng kể tại các thành phố lớn vào khoảng 20%. Mặc dù tỷ lệ người béo phì này tương đối nhỏ so với Mỹ thì với quy mô dân số của Trung Quốc (1,35 tỷ người), 5% cũng tương đương với khoảng 70 triệu người Trung Quốc thừa cân.

Có vẻ như, người Trung Quốc đang bắt kịp với không chỉ nền kinh tế Mỹ mà cả kích thước Mỹ. Theo Bộ Y Tế Trung Quốc, trung bình, các bé trai 6 tuổi tại các thành phố Trung Quốc cao hơn 6,35cm và nặng hơn gần 3kg so với trẻ em cùng lứa tuổi 3 thập kỷ trước. Ji Chengye, một nhà nghiên cứu sức khoẻ trẻ em hàng đầu cho tờ USA Today biết: “Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên béo phì. Tốc độ tăng trưởng thật đáng kinh ngạc.” Gần 10 triệu người Trung Quốc hiện bị bệnh tiểu đường.

Về vấn đề này, Việt Nam cũng đang bắt kịp với Trung Quốc. Trong khi 28% trẻ em nông thôn bị suy sinh dưỡng, theo Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, thì 20% trẻ em ở các khu vực đô thị phải đối mặt với vấn đề ngược lại: béo phì. “Số lượng trẻ em thừa cân và béo phì đang tăng nhanh. Tại thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ trẻ em mắc phải vấn đề này là cao nhất”, bà Đỗ Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh cho tờ Tiền Phong biết hai năm trước đây.

Với nhiều người Việt Nam, điều trớ trêu là mọi chuyện đều quá hiển nhiên. Các thế hệ trước đây chịu nhiều kham khổ, khó khăn, vất vả, nhưng họ nhanh chóng được thay thế bằng một thế hệ mới, thế hệ những người cần phải đến các phòng tập thể dục để loại bỏ bớt trọng lượng thừa, hoặc nếu có điều kiện "bay" ra nước ngoài để mua sắm những đồ vật hàng hiệu mới nhất như thắt lưng Hermes và túi xách Louis Vuitton.

Giờ đây, bất cứ thứ gì từ phương Tây, không cần phải hỏi, đều được tự động coi là thượng hạng. Đây là một tình huống mà một nhà trí thức Việt Nam đúc kết là "Bán cả rừng để mua một chồng giấy."

Ví dụ một trường hợp, khi được hỏi anh muốn gì từ nước Mỹ, người anh họ tôi ở Hà Nội không ngần ngại trả lời: “Cà phê Starbucks.” Phải, anh hoàn toàn biết rằng Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Brazil, và, trên thực tế, hầu như mỗi góc gách trong thành phố đều có một quán cà phê. Người anh họ giải thích: “Nhưng chưa ai từng nếm thử cà phê Starbucks ở Việt Nam. Mọi người đều muốn biết hương vị của nó.”

Thời gian gần đây, ai cũng có thể đọc một vài bài báo về sự suy thoái của Mỹ và sự trỗi dậy của châu Á, và theo dòng thời sự đó là việc Trung Quốc đang giành được thế thượng phong trong nền kinh tế toàn cầu như thế nào. Nhưng ai cũng tự hỏi liệu điều đó có đúng không. Bởi vì cho dù suy giảm, nước Mỹ vẫn xoay sở để bán lối sống "thượng hạng" của mình tới phần còn lại của thế giới bằng nhiều cách tài tình, từ thực phẩm tới phim ảnh, từ âm nhạc tới thời trang - và trong kỷ nguyên thực phẩm, cả những vấn đề về béo phì.

Theo Vietnamnet, New America Media

Từ khóa: