Sự kiện hot
5 năm trước

Chè Shan tuyết cổ thụ: Báu vật của Hoàng Su Phì

Mới đây, tại thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức Lễ Công nhận Cây Di sản Việt Nam cho “Quần thể chè Shan tuyết Hoàng Su Phì”. Sự kiện này là cơ hội quý báu để quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ hữu cơ của huyện Hoàng Su Phì đến với thị trường trong và ngoài nước.

Với đặc thù điều kiện khí hậu, địa hình của huyện miền núi, sản xuất nông lâm nghiệp trở thành ngành chủ lực, trong đó cây chè đã được xác định là cây tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Hoàng Su Phì nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Theo báo cáo của huyện Hoàng Su Phì, hiện nay, tổng diện tích chè trên địa bàn huyện có 4.542 ha. Trong đó có trên 2.000 ha chè cổ thụ, có những cây chè tuổi thọ trên 300 năm. Huyện có 1.500 ha chè được công nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ; 160ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các nước EU. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 12.000 tấn, chè khô 2.500 tấn, trong đó có khoảng 60 – 70% được xuất khẩu sang Đài Loan, Nga, Pakistan,... Giá trị thu nhập bình quân/ha chè/năm đạt 40 - 50 triệu đồng.

Ngoài ra, do đặc thù của các tiểu vùng thời tiết khí hậu, nông hóa thổ nhưỡng, truyền thống trồng chè của người dân… nên giống chè Shan tuyết chiếm trên 90% diện tích chè của toàn tỉnh và được xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 10.000 cây chè Shan tuyết có tuổi đời trên 100 năm tuổi, đường kính thân cây từ 30cm trở lên, trong đó quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại các xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán không chỉ có tuổi đời cao mà còn rất đẹp. Không những thế, cây chè nơi đây sinh trưởng tự nhiên, phát triển trong môi trường sạch, hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng. Việc thu hoạch và khai thác cũng hoàn toàn tự nhiên, đã tạo nên chất lượng đặc thù của sản phẩm Chè Shan tuyết Hà Giang, không chỉ chinh phục được người tiêu dùng mà cả với những người sành thưởng thức trà. Cho tới nay, sản phẩm Chè Shan tuyết ngoài tiêu thụ tại các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… còn có mặt tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ và trên 20 quốc gia.

Nhằm nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, giá trị của sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển sản phẩm bền vững, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 85 cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn 5 xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán. Sự kiện cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen quý. Góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người trồng chè. Đây cũng là cơ hội quý báu để quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ hữu cơ của huyện Hoàng Su Phì đến với thị trường trong và ngoài nước.

Có thể nói, chè Shan tuyết cổ thụ là sản phẩm đặc sản, riêng có và là tiềm năng, thế mạnh rất lớn của huyện Hoàng Su Phì, nhưng vẫn chưa có phương thức khai thác hiệu quả. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền huyện cần giúp người trồng chè nâng cao thương hiệu và giá trị các sản phẩm chè cổ thụ Hoàng Su Phì; phối hợp với các ngành chức năng xác định rõ tuổi thọ từng cây chè cổ thụ, lấy đó xây dựng thương hiệu và xác định giá trị sản phẩm. Đặc biệt, để đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, sản lượng, cải tạo các diện tích chè già thì việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chè; tổ chức thành lập hợp tác xã trồng chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè tại các cơ sở có vùng chè tập trung lớn, ký kết hợp đồng với người sản xuất đầu tư vào kỹ thuật sản xuất, bao tiêu sản phẩm… là những định hướng phát triển cần thiết. Cùng với đó là biện pháp bảo tồn, khai thác và phát triển cây chè Shan tuyết cổ thụ bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái. Từ đó nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tạo thu nhập cho người sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: