Sự kiện hot
13 năm trước

Chính tả - chuyện nhỏ mà không nhỏ!

“Lớn rồi ai lại sai!”, đó câu cửa miệng của teen khi được nhắc nhở kiểm tra chính tả. Nhưng cẩn thận bạn nhé, coi chừng “sai một chữ, đi cả bài” đấy!

“Lớn rồi ai lại sai!”, đó câu cửa miệng của teen khi được nhắc nhở kiểm tra chính tả. Nhưng cẩn thận bạn nhé, coi chừng “sai một chữ, đi cả bài” đấy!

Vì chữ … quá xấu

Rất nhiều bạn sai chính tả oan uổng chỉ vì viết chữ quá ẩu, quá xấu. Đặc biệt việc đánh dấu hỏi-ngã-sắc-huyền cứ phết lung tung. Chuyện này rất nguy hiểm khi làm bài Anh văn, viết nhầm một chữ coi như bạn sai nghĩa cả từ rồi còn gì.

Hay với môn Hình học, sai một chữ xem như “hi sinh” bài kiểm tra rồi. Bạn Hoàng Minh (lớp 11, trường THPT Phú Nhuận, TPHCM) đau khổ kể lại: “Có lần làm bài thi toán, đề bài kêu chứng minh AB=AD, mà tại mình viết ẩu quá nên cô dòm chữ D thành ra chữ… P. Vậy là tiêu!”.

Đừng để bị trừ điểm chỉ vì chữ xấu và sai "tè le" nhé! (Ảnh minh hoạ)

Nhiều trường hợp giáo viên vẫn biết bạn không sai chính tả, chỉ do viết quá nhanh nên khó nhìn. Tuy nhiên thầy cô buộc phải nặng tay để bạn thay đổi thói quen xấu này. Chăm chút chữ viết cho tròn trĩnh, rõ ràng đâu có khó, phải không các bạn?

Dùng ngôn ngữ "teen"

Ngôn ngữ teen ngày càng ăn sâu vào thói quen sử dụng từ của giới trẻ. Kiểu viết “trùi ui”, “rùi”, “bi nhiu”… dần trở nên quen thuộc. Không ít bạn nhiễm cách viết này mà không nghĩ nó sai chính tả. Hoàng Thanh (lớp 11, trường TQT, TPHCM) kể lại: “Bình thường mình “bùn” (buồn) riết quen, đợt đó làm văn mình tỉnh bơ ghi vào bài: “Ô hay, bùn vương cây ngô đồng” (thơ Bích Khê). Từ trạng thái buồn mình chuyển nghĩa câu thơ luôn, đọc vào cứ tưởng cây ngô bị dính bùn. Khổ nỗi có đọc lại rồi vẫn không thấy nó sai, đến khi cô khoanh đỏ, trừ điểm mình mới biết!”.

Nhiều bạn tích cực sử dụng những từ ngữ dạng này vì thấy hay hay, dễ thương. Nhưng cẩn thận bạn nhé, đừng để nó “lậm” vào bài thi của mình!

Ảnh minh hoạ

Viết tắt quá, hóa hại

Do phải chép nhiều, chép nhanh nên rất nhiều teen sử dụng kí hiệu viết tắt. Ví dụ “không” thì chỉ còn “ko”, “những” thành “n~”, thậm chí còn thay từ tiếng Việt bằng tiếng Anh như “mặt trời” thay bằng “sun”, “trường học” viết là “school”… Cách này áp dụng khi muốn tiết kiệm thời gian, viết bài không sợ bị mất ý nhưng khi làm kiểm tra mà cả bài đều như thế thì quả là “thảm họa”.

Thầy Khôi (giáo viên Văn, trường THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM) cho biết: “Đôi khi thầy cũng không muốn trừ điểm các em vì viết tắt. Nhưng nếu không làm vậy các em sẽ khó nhớ để sửa, đến khi thi tốt nghiệp hay đại học rất nguy hiểm. Viết tắt, sai chính tả đều là những lỗi trừ điểm rất nặng”.

Ảnh minh hoạ

Dành một chút thời gian kiểm tra lại chính tả chẳng bao giờ thừa đâu. Hãy để bài thi của mình không bị mất điểm “oan uổng” nha.

Hồng Hoa

Từ khóa: