Sự kiện hot
13 năm trước

Chủ nhà trọ găm phòng, ép giá tân sinh viên

Thời điểm hiện tại, khi mà các tân sinh viên chuẩn bị nhập học cũng là lúc giá nhà trọ, điện, nước, các dịch vụ "cò", môi giới bắt đầu "nóng" lên. Dẫu không còn "sốt" nhà trọ như trong mùa thi nhưng hành trình đi tìm chốn "nương thân" của các tân sinh viên cũng không hề dễ.

Thời điểm hiện tại, khi mà các tân sinh viên chuẩn bị nhập học cũng là lúc giá nhà trọ, điện, nước, các dịch vụ "cò", môi giới bắt đầu "nóng" lên. Dẫu không còn "sốt" nhà trọ như trong mùa thi nhưng hành trình đi tìm chốn "nương thân" của các tân sinh viên cũng không hề dễ.

“Cuộc đua”… tìm nhà trọ

"Bác ơi, cho cháu hỏi ở đây có nhà cho thuê không?", "Cô ơi, nhà mình còn nhà cho thuê không ạ?"...là những điệp khúc quá quen thuộc với những người dân xung quanh khu vực các trường đại học, cao đẳng.

Theo khảo sát, phòng trọ quanh các trường đại học giá thuê phòng rất cao. Như khu vực Cầu Giấy, quanh trường ĐH Sư Phạm, ĐH Thương Mại, khu vực Phương Mai, Lê Thanh Nghị, gần trường ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân, Xây dựng… phòng trọ có diện tích từ 8 – 10m2, giá cho thuê lên tận 800.000 đồng đến trên 1 triệu, chưa kể điện nước. Với giá thuê đó nhưng cũng không dễ tìm được phòng.

"Hai tuần liền, mình lùng sục hết các ngõ hẻm xung quanh địa bàn trường, mở rộng địa bàn nhưng vẫn chưa thể tìm nổi được một căn phòng ưng ý. Nhà thì chật chội, nóng bức, nhà thì lắm âm thanh ồn ào, không thể nào ngồi học được. Nhà thì giá cao quá… ", Tuấn Anh tân sinh viên ĐH Xây Dựng tâm sự và vẫn tiếp tục chặng đường gian nan.

Còn ở khu vực Thanh Xuân gần trường Đại học KHXH &NV, Đại học Tự nhiên thì giá phòng cũng “sốt” không kém, một phòng rộng chừng 15 m2 cũng phải giá 1,5 triệu đến 1,7 triệu đồng ở khu Khương Trung, Khương Hạ gần Ngã tư Sở. Còn sát gần trường ĐH Nhân văn khu vực đường Nguyễn Trãi thì giá phòng cũng phải lên đến 1, 7 đến 2 triệu đồng/phòng.


Khu nhà trọ ẩm thấp nhưng cũng có giá từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/ tháng

Tại khu vực Cầu Diễn - nơi được coi là nơi có giá phòng trọ mềm nhất cho sinh viên Hà Nội, giá phòng cũng đã tăng vùn vụt, phòng bình thường rộng 14 m2 thì cũng phải 900 nghìn đồng/phòng, còn phòng đẹp rộng từ 16 m2 từ cũng phải hơn triệu.

Thu Phương, tân sinh viên trường ĐH Hà Nội chia sẻ “Sau khi nhà trường báo điểm chuẩn, biết đã đỗ, bố mẹ em đã lên 2 lần, rồi lần này hai bố con em lên nhưng vẫn chưa tìm được nhà vì những nhà còn phòng thì giá cao quá toàn hơn 1 triệu mà phải đóng trước 3 tháng, nhà giá thấp thì đều hết phòng”.

Chủ nhà trọ “găm’ phòng”, “ép” giá

Năm nào cũng vậy, biết trước giá phòng trọ đầu năm học sẽ lên cơn sốt, nhiều chủ nhà cố tình “găm phòng” để tăng giá. Có khu còn phòng trọ, nhưng chủ nhà lại để dành chờ tăng giá. Có khu, nhiều chủ nhà trọ treo biển “Có nhà trọ cho thuê’, khi có người đến thuê phòng thì chủ nhà cho biết đã có người đặt cọc rồi, sau đó ép tăng giá 

“Gần đến ngày  nhập học rồi mà bây giờ em vẫn chưa tìm được phòng trọ. Đã hơn 3 ngày nay, em đi mọi ngõ ngách, hễ ở đâu có phòng trọ là em lại đến nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chủ trọ. Có nơi còn phòng, nhưng tiền quá đắt và phải ở ghép, em chưa biết phải  tính sao,…” – một tân sinh viên trường ĐH Kiến Trúc tâm sự.

Trong khi đó, những khu còn phòng trọ thì chủ nhà lại để dành… chờ giá tiếp tục lên cao. Vì khi nhiều trường nhập học, nhu cầu nhà trọ càng cao, sinh viên sẽ chấp nhận giá cao hơn hiện tại.

Cũng trong tình cảnh tương tự, Thảo, tân sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, để tìm được phòng trọ giá cả vừa phải, gần trường, tiện xe buýt thật là khó. Mấy ngày nay, ngày nào em cũng đi tìm thuê phòng, đi đến đâu hỏi cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Hết phòng”, không biết khi nào em mới tìm được phòng để ở, thật là gian nan. 

Không những vậy, một số nhà trọ còn đưa ra quy định bắt người trọ phải đặt cọc trước 1 tháng và đóng trước từ 3-5 tháng tiền nhà. Hợp đồng có thể trong 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc vài năm và phải đặt cọc một khoản tiền nhất định theo mức mà chủ nhà đưa ra. Nếu tự ý chuyển nhà đồng nghĩa với phá hợp đồng, sinh viên sẽ mất số tiền đặt cọc. Còn nếu chủ nhà tự ý phá hợp đồng, tiền đặt cọc sẽ trả lại mà không chịu bất cứ khoản bồi thường nào.

Cò nhà trọ tranh thủ kiếm tiền


Mất rất nhiều thời gian, chạy đôn chạy đáo tìm nhà trọ mà vẫn không tìm được nhà trọ, nhiều người đành phải nhờ đến “cứu cánh” là các trung tâm môi giới nhà đất với hy vọng tìm được nhà. Nhưng rồi trong nỗi cơ cực đi tìm nhà trọ, họ lại rơi vào cảnh bi đát khi gặp phải các trung tâm môi giới lừa đảo.

Dạo một vòng trên các tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, (quận Cầu Giấy), Trần Đại Nghĩa, Đại Cồ Việt, đường Nguyễn Trãi…, tờ rơi quảng cáo cho thuê nhà trọ được dán khắp cột điện và các biển chỉ dẫn giao thông hai bên đường. Quảng cáo giới thiệu có phòng đẹp, rộng và giá cả phải chăng, phù hợp túi tiền sinh viên với những số điện thoại ngay phía dưới. Nhưng lần theo địa chỉ và số điện thoại đó, toàn là "cò" và những người môi giới chuyên nghiệp.

Trang, tân sinh viên trường Đại học KHXH & NV, trên đường đi tìm nhà trọ được một ông xe ôm chỉ vào một trung tâm môi giới nhà đất gần đó. Nghe nhân viên ở đây giới thiệu và thông tin nhà trọ, Thu Trang như trút đi được gánh nặng bấy lâu nay.

Với mức phí ban đầu là 100.000 đồng gọi là tiền giao dịch, cộng thêm tiền hoa hồng là nửa tháng tiền thuê nhà cho nhân viên để thuê căn phòng với giá 800.000 đồng/tháng ở phố Khương Trung. 


Một tờ rơi quảng cáo của “cò” nhà trọ

Nhưng khi được nhân viên môi giới mà thực ra là bác xe ôm lúc trước dẫn đến nơi, nhìn phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp, ngay sát cạnh khu vệ sinh, mùi khai nồng nặc. Trang không đồng ý thuê nhưng trung tâm cũng không chịu trả tiền vì cho là Trang tự phá vỡ hợp đồng và họ còn nói, không thuê ngay, lúc quay lại không còn phòng đâu mà thuê.

Trong bối cảnh “cầu vượt xa cung” khi mà các tân sinh viên lần lượt đổ về Hà Nội nhập trường, vấn đề nhà trọ lại trở nên căng thẳng hơn lúc nào hết. Nhà trọ hiếm và đắt, không ít tân sinh viên rơi vào cảnh đỏ mắt không tìm thấy nhà.

Lê Nho Việt
Theo Vietnamnet

Từ khóa: