Sự kiện hot
12 năm trước

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick sẽ từ chức

Ngày 15/2, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 6 tới.

Ngày 15/2, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 6 tới.

Ông Robert Zoellick quyết định từ nhiệm vào ngày 30/6 cũng là lúc kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của ông.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông khẳng định đó là quyết định của riêng ông, chứ không phải do áp lực từ chính quyền Washington.

Ông nói: “Tôi cảm thấy đã đến lúc tôi nên ra đi. Tôi nghĩ rằng một khi đã cảm thấy như vậy thì không nên ở lại”.Ông cũng phủ nhận tin đồn sẽ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ với tư cách ứng viên của đảng Cộng hoà.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick sắp từ chức.

Robert Zoellick từng là Thứ trưởng ngoại giao Mỹ trước khi được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vào năm 2007. Ông đã điều hành tổ chức tài chính quốc tế này tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo, vấn đề lương thực và cuộc khủng hoảng giá năng lượng.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, WB đã cho vay lên tới 44 tỷ USD trong tài khoá 2010, vượt xa năm 2008 là 13,5 tỷ USD. Với một nỗ lực hiện đại hóa Ngân hàng Thế giới, ông còn đấu tranh cho các nền kinh tế mới nổi có được tiếng nói lớn hơn trong tổ chức.

Ông cũng đã thuyết phục Trung Quốc, Brazil và nhiều nước khác góp quỹ nhiều hơn.

Để tìm người kế nhiệm Zoellick, chính quyền Obama sẽ mở cuộc đua tranh cử cho mọi quốc gia. Đây là biểu hiện đầu tiên cho thấy Mỹ đang nới lỏng sự kiểm soát với WB.

Washington cam kết trong vài tuần tới sẽ đưa ra một ứng cử viên thay thế cho vị trí xưa nay luôn thuộc về người Mỹ. Ứng cử viên của nước này là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Lawrence Summers.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, bà Clinton sẽ không tham gia tranh cử vị trí này.

Những năm gần đây, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã nỗ lực phá vỡ sự nắm quyền của châu Âu ở vị trí hàng đầu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế và của Mỹ tại Ngân hàng Thế giới.

Năm ngoái, các nền kinh tế mới nổi đã tích cực tranh cử vào vị trí hàng đầu của IMF trong một cuộc chạy đua căng thẳng với ứng cử viên của Pháp, Christine Lagarde.

Lần này, các quan chức từ nền kinh tế mới nổi như Brazil đã đề nghị quá trình lựa chọn người kế nhiệm ông Zoellick phải dựa trên trình độ thay vì quốc tịch.

Tuy nhiên, họ không phủ nhận rằng, sức ép từ Quốc hội Mỹ về vấn đề ngân sách của WB có thể sẽ khiến vị trí lãnh đạo vẫn nằm trong tay người Mỹ.

Ngọc Huyền
Theo GDVN

Từ khóa: