Sự kiện hot
11 năm trước

Chung cư thương mại thành nhà ở xã hội

Dantin - Tín hiệu điều chỉnh từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay theo lãi suất ưu đãi với cả nhà ở xã hội khiến nhiều dự án bất động sản rục rịch chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá: Đây là một lối thoát cho cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà.

Dantin - Tín hiệu điều chỉnh từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay theo lãi suất ưu đãi với cả nhà ở xã hội khiến nhiều dự án bất động sản rục rịch chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá: Đây là một lối thoát cho cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà.

Chuyển đổi nhưng phải đảm bảo điều kiện

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, 3 dự án nhà thương mại đã được chuyển sang nhà thu nhập thấp gồm nhà ở Trung Văn mở rộng tại huyện Từ Liêm của Công ty Đầu tư xây dựng Hà Nội, dự án khu nhà ở cao tầng tại 143 Trần Phú (Hà Đông) của Công ty Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà và dự án tổ hợp chung cư AZ Thăng Long của Công ty Bánh kẹo Thăng Long Ngoài ra, còn có 12 dự án đã được chủ đầu tư đăng ký chuyển đổi cơ cấu căn hộ và mô hình nhà thương mại sang nhà xã hội.

Theo ông Hoàng Văn Anh, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và phát triển Sông Đà, đơn vị này muốn chuyển đổi một tòa nhà 35 tầng sang nhà xã hội để hưởng chế độ ưu đãi. Lý do khác là đầu ra của sản phẩm này dễ dàng bởi nhu cầu nhà xã hội còn rất lớn, trong khi nếu xây nhà thương mại thì không dễ bán. Tại TP HCM, công ty này đang có 2 dự án nhà thương mại tại vị trí đẹp song không bán được trong thời điểm thị trường nhà ở trầm lắng.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cơ quan này đã thị sát nhu cầu về nhà xã hội trên địa bàn thành phố. Hiện có 35 cơ quan trung ương với 157.000 cán bộ có nhu cầu nhà ở và 83 cơ quan của thành phố với 36.000 cán bộ công chức đăng ký mua nhà xã hội. Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2015 là xây dựng 15.500 căn hộ với diện tích khoảng 1,1 đến 1,5 triệu m2 cho cán bộ viên chức.

Chung cư thương mại .

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, cho rằng, chuyển đổi nhà thương mại sang nhà xã hội là chủ trương đúng song không nên làm ồ ạt. Bởi dự án nhà thương mại có diện tích căn hộ hơn trăm m2 nay hạ xuống diện tích nhỏ 40-50m2 thì dân số tăng, kéo theo căng thẳng về giao thông, chỗ đỗ xe, trường học… Do vậy, cơ quan quản lý phải rà soát từng dự án và có điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, theo quy định các dự án chuyển đổi được phép tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất nhưng căn hộ điều chỉnh phải đảm bảo an toàn tiện lợi, phải đủ không gian, có diện tích tối thiểu 45m2 đảm bảo tiện nghi như bếp, phòng ngủ…

Lợi cả DN lẫn người dân

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát tất cả các dự án phát triển nhà ở để phân loại xem dự án nào được tiếp tục thực hiện, dự án nào tạm dừng, dự án nào phải điều chỉnh, chuyển đổi thành dự án phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội. Như vậy, không phải là chung cư, căn hộ cao cấp nữa mà nhà ở xã hội được coi là một lối thoát cho thị trường bất động sản sắp tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, việc điều chỉnh dự án chủ yếu rơi vào các dự án mới chỉ có thiết kế hoặc đã giải phóng xong mặt bằng nhưng đã bán hết. Những dự án kiểu này được cho phép thiết kế lại, chuyển thành nhà ở xã hội. “ Còn các dự án đã xây xong, đang tồn kho chưa bán được thì không khuyến khích chuyển đổi vì thực tế tồn kho còn ít và việc chuyển đổi phụ thuộc vào sự an toàn có cho phép hay không. Ngành xây dựng hy vọng, khi nhà ở xã hội bán được thì sẽ kích cầu thị trường bất động sản và nhiều người có tiền sẽ chuyển sang đầu tư vào nhà ở cao cấp và hy vọng sự sôi động của thị trường sẽ quay trở lại sớm”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Vẫn theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, mức giá cho nhà ở xã hội tại TP HCM và Hà Nội khoảng 500 triệu đồng/căn, cho các khu công nghiệp ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai từ 90 - 200 triệu đồng/căn là hợp lý. Những dự án nào đưa về mức giá lý tưởng như trên mới có khả năng chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

“Việc điều chỉnh dự án không khó, cái khó là cơ quan quản lý có cho hay không, có gây khó khăn, kéo dài hay không?Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, chúng tôi sẽ tích cực giúp đỡ các nhà đầu tư giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ”. Tuy nhiên, việc điều chỉnh dự án lâu, mau ra sao phụ thuộc vào những khâu nào của dự án cần tháo gỡ. Thí dụ, việc điều chỉnh quy hoạch thì theo quy định thẩm quyền chấp thuận và quyết định thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay, Bộ Xây dựng cũng sẽ thành lập các tổ công tác phối hợp cùng các địa phương tháo gỡ, trên nguyên tắc tính toán được từ năm 2013-2015 cần bao nhiêu nhà ở xã hội cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh..., trên cơ sở đó điều chỉnh các dự án.

“Điều chỉnh dự án trách nhiệm của địa phương là chính. Các tỉnh vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ cho doanh nghiệp tức là tháo gỡ cho người dân có nhu cầu về nhà ở”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng bày tỏ .

Trước những chủ trương mới này, ông Trần Hải Minh, Tổng Giám đốc Công ty Tecco, băn khoăn khi những khó khăn trong quá trình chuyển đổi dự án: “Các doanh nghiệp trước đây đã mua quyền sử dụng đất với giá cao gấp đôi, gấp ba, thậm chí là cả chục lần so với khung giá đất được ban hành. Nếu chuyển đổi, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thì doanh nghiệp chỉ được Nhà nước hoàn trả lại đúng bằng khung giá đất Nhà nước ban hành, vì vậy, phần chi phí về tiền sử dụng đất không giảm được bao nhiêu”.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, đây là thời cơ để các doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, chuyển hướng sang phát triển nhà ở xã hội, vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cũng chính là tự cứu doanh nghiệp, thể hiện phong cách kinh doanh một cách chuyên nghiệp cũng như trách nhiệm đối với xã hội. Nhà ở xã hội nên có diện tích vừa phải, giá phải rẻ, vì thế các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới để kéo giá nhà rẻ xuống, phù hợp với nhu cầu chi trả của đại bộ phận người mua. 

Thùy Dung

Từ khóa: