Sự kiện hot
12 năm trước

Chứng khoán chiều 5/3: Cổ phiếu “cháy” hàng

Tình trạng giao dịch một chiều không có người bán trong phiên đầu tiên kéo dài thời gian giao dịch khiến cổ phiếu càng cháy "khét lẹt" và có vẻ như lượng cổ bán ra ngàn tỷ vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu.

Tình trạng giao dịch một chiều không có người bán trong phiên đầu tiên kéo dài thời gian giao dịch khiến cổ phiếu càng cháy "khét lẹt" và có vẻ như lượng cổ bán ra ngàn tỷ vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu.

Cả hai sàn, đặc biệt là HNX hôm nay giao dịch rất nhàm chán vì tình trạng mua không ai bán.

Không trông mong gì việc kéo dài thời gian giao dịch sẽ cải thiện thanh khoản, vì thanh khoản có được là do cung cầu gặp nhau. Như phiên hôm nay thì cầu năn nỉ mua và cung không đoái hoài đến, thì thanh khoản vẫn lẹt đẹt. Nhà đầu tư có cảm giác việc giao dịch buổi chiều hầu như không có ý nghĩa.

Thực ra tình trạng thị trường hôm nay chỉ là một diễn biến cá biệt. Các thái cực đối lập của thị trường dễ khiến giao dịch trở nên nhàm chán. Cũng như thời điểm thị trường đi xuống liên tục, có lẽ việc kéo dài thời gian chỉ làm sâu sắc thêm nỗi đau mà thôi.

Sự cực đoan của thị trường hôm nay tuy chưa lên đến đỉnh điểm (vẫn còn mã giảm) nhưng cũng đã là hiếm có. HSX đóng cửa với 249 mã kịch trần và 39 mã tăng giá. HNX có 310 mã kịch trần và 44 mã tăng giá. Kịch trần hôm nay đúng nghĩa là có dư mua trần, chứ không chỉ là khớp vào giá trần.

Khá nhiều nhà đầu tư lo ngại về một đợt đánh úp sau giờ nghỉ trưa nhưng điều này đã không xảy ra. Hành động tiết cung trong phiên giao dịch buổi chiều càng kích động tâm lý hưng phấn. Tổng giá trị khớp lệnh của HSX lúc kết thúc phiên đạt gần 1.180 tỷ đồng. Như vậy giá trị tăng thêm chỉ là 151 tỷ đồng nữa. HNX thậm chí chỉ tăng thêm được có 8,3 tỷ đồng.

Như vậy dễ thấy hôm nay người bán không chịu bán ra nữa, và dù thời gian giao dịch có kéo dài thêm cũng vậy. Lực cầu quá mạnh khiến người cầm cổ an tâm chờ đợi thêm.

Những cổ phiếu căng trần hôm nay đều có giao dịch rất nhàm chán. Sự sôi động lại đến ở những mã bị xả hàng nhiều. EIB dẫn đầu về giá trị trên HSX xuất hiện hoạt động thoát hàng mạnh mẽ của khối ngoại. Chẵn 900.000 EIB đã được khối này bán ra, tương đương giá trị ròng gần 18,29 tỷ đồng. Dĩ nhiên nhà đầu tư trong nước đã hấp thụ hết sạch khối lượng này và cả khối lượng mà nhà đầu tư trong nước khác bán. EIB đóng cửa trụ ở giá trần.

Một số blue-chip khác cũng bị khối ngoại bán nhiều là FPT, HAG, PVD, REE, VCB nhưng về cơ bản lực bán này không đủ để làm suy yếu sức cầu quá mạnh trong một phiên hưng phấn cao độ. HAG xuất hiện một giao dịch thỏa thuận tới gần 12,6 triệu cổ, tương đương 377,8 tỷ đồng, là kết quả của khối ngoại bán lại cho nhà đầu tư trong nước.

Ngược lại, nhà đầu tư trong nước lại sang tay nhiều cho khối ngoại ở các mã CTG, MSN, STB, VIC. Đặc biệt là MSN thậm chí còn bị đè xuống tham chiếu trong đợt khớp lệnh đóng cửa và là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm trở lại một chút, không đóng cửa ở mức đỉnh.

Thanh khoản khớp lệnh phiên hôm nay giảm hơn 11% về giá trị và 33% về khối lượng. Dĩ nhiên nếu người bán bán mạnh hơn thì rất có thể sẽ là một phiên bùng nổ thực sự.

Độ rộng thị trường hôm nay là tốt hay xấu còn tùy vào quan điểm của mỗi người. Nhưng xét trong quá khứ, HNX chưa lúc nào có quá 300 mã tăng trần trong một phiên, chí ít là theo số liệu từ tháng 3/210 đến nay. Phiên “khủng” nhất là ngày 30/8/2010 chỉ có 244 mã kịch trần. Số lượng của HSX hôm nay cũng là kỷ lục, và phiên ngày 30/8/2010 cũng chỉ có 195 mã kịch trần. Đó là chưa kể đến việc số lượng cổ phiếu niêm yết thời điểm này đã tăng thêm so với năm 2010.

Trạng thái thị trường và bối cảnh giữa hai thời điểm có khác nhau nhưng chắc chắn việc số lượng cổ phiếu tăng trần hàng loạt như vậy cùng biểu thị một điểm chung: Tâm lý đang rất mạnh. Ở thị trường Việt Nam chưa có những chỉ số đo lường tâm lý, nhưng số liệu này cũng có thể coi là phản ánh chính xác ở một mức độ nào đó. Cổ phiếu tăng trần hàng loạt nghĩa là số đông tin tưởng vào một xu hướng tăng giá cao hơn nữa. Chấp nhận mua trần hôm nay vẫn là “rẻ” so với thời gian tới.

Lan Ngọc
Theo VnEconomy

Từ khóa: