Sự kiện hot
12 năm trước

Chứng khoán chiều 6/3: Ngân hàng tắt sóng?

Hành động chạy hàng quyết liệt của người cầm cổ hôm nay khiến nhóm ngân hàng cũng chỉ cưỡng lại được vài phút đầu phiên khớp lệnh liên tục. Sự gục đổ của cổ phiếu ngân hàng là điều không tốt vào lúc này.

Hành động chạy hàng quyết liệt của người cầm cổ hôm nay khiến nhóm ngân hàng cũng chỉ cưỡng lại được vài phút đầu phiên khớp lệnh liên tục. Sự gục đổ của cổ phiếu ngân hàng là điều không tốt vào lúc này.

VN-Index hôm nay giảm mạnh do hầu hết các cổ phiếu blue-chip bị xả hàng.

Thị trường đã có nhiều cơ hội điều chỉnh từ tuần trước, nhưng lực cầu quá khỏe tại các mã ngân hàng đã góp phần không nhỏ đảm bảo về mặt tâm lý cho người mua. Điều này trở nên càng chắc chắn khi hầu hết nhóm ngân hàng đều giao dịch tốt chứ không chỉ ở một vài mã cá biệt. Rõ ràng các cổ phiếu ngân hàng đang hút tiền vào một cách phổ biến, vượt ra khỏi các giao dịch mang tính thâu tóm.

Hôm nay gần như tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều tạo một đỉnh về thanh khoản. Tổng khối lượng khớp lệnh của nhóm này đạt trên 75,4 triệu đơn vị. Lượng tiền hút vào lên tới gần 925 tỷ đồng chưa tính các giao dịch thỏa thuận.

Các cổ phiếu ngân hàng phiên này đã bộc lộ những động lực khác nhau trong đợt tăng vừa qua. Ngoài bộ đôi có “duyên nợ” là SHB và HBB, các cổ phiếu còn lại trong đợt tăng phần lớn là “ăn theo” bắt đầu bị chốt lời mạnh. VCB, EIB thậm chí còn đóng cửa giá sàn. EIB tăng giá theo một logic riêng liên quan đến vụ tranh giành quyền lực tại STB nhưng lại không có động lực thu gom như STB. VCB, ACB hay CTG, NVB nhìn chung đều bị bán ra nhiều và giá chuyên biến xấu.

HBB hôm nay đạt thanh khoản lên tới gần 38,1 triệu cổ phiếu (chỉ tính riêng khớp lệnh), tương đương phiên kỷ lục ngày 28/2 vừa qua. Hành động thoát hàng tại HBB là rất rõ, vì trong số khối lượng cổ phiếu khổng lồ này, trên 29,2 triệu cổ là được treo bán để chờ người mua khớp vào ở giá trần.

SHB cũng giao dịch cực mạnh với 8,61 triệu cổ khớp lệnh, trong đó người bán chạy nhiều ở giá 10.6, dưới giá trần một bước.

Cả SHB và HBB đến lúc đóng cửa đều vẫn còn rất khỏe, dư mua trần tương đối lớn. Cuộc chiến tại hai mã này không phải do nhà đầu tư nhỏ lẻ dẫn dắt nên sẽ rất khó đo lường được tiềm lực thực sự của mỗi bên. Nói chung dù có là hoạt động thâu tóm hay không thì hôm nay rất có thể người thâu tóm cũng tranh thủ tạo tiền sau khi đã bỏ ra chi phí rất lớn trước đó.

Mức độ giảm giá ở đa số cổ phiếu ngân hàng là lớn. Như vậy sự phân hóa trong nhóm này bắt đầu bộc lộ. Quá trình đi lên của cổ phiếu ngân hàng cũng có những lượt người chốt lời và người mua vào, nhưng chưa lần nào khối lượng lớn như hôm nay.

Độ rộng của hai sàn lúc đóng cửa vẫn cho thấy khá nhiều mã còn khớp ở mức trần. Dĩ nhiên phần lớn nhóm này là các cổ phiếu nhỏ. Nhóm này hóa ra lại ít bị xả hàng nhất trong một phiên giao dịch cực kỳ sôi động. Tuy nhiên, câu hỏi lớn luôn là khả năng đi ngược thị trường sẽ kéo dài bao lâu nếu nhóm blue-chip đảo chiều giảm và thị trường điều chỉnh?

Nếu làm một thống kê trên toàn bộ thị trường, không khó để thấy phần lớn các cổ phiếu thanh khoản cao đều có một dao động giá giống nhau: mở cửa tăng và được đẩy lên cao trong phiên trước khi giảm mạnh trở lại và đóng cửa sát mức thấp. Xu hướng này cũng được thể hiện ở Index.

Mức giảm khá khác biệt, có mã giảm mạnh xuống dưới tham chiếu, có mã vẫn tăng so với hôm qua nhưng giảm mạnh so với đỉnh trong phiên. Điều này hàm ý rằng người bán đã chiến thắng trong phiên hôm nay, chí ít ở các mức giá xanh.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn phiên này vọt lên một con số choáng váng: gần 3.485 tỷ đồng. Nếu tính cả thỏa thuận thì lượng tiền vào/ra đạt 3.816,6 tỷ đồng. Trên 337 triệu cổ được sang tay tuy lớn nhưng cũng chưa thấm vào đâu so với lượng hàng tích lũy trước đó cũng như lượng chưa về tài khoản. Xu hướng thị trường những phiên tới sẽ phụ thuộc nhiều vào lối hành xử của những người đang nắm giữ khối lượng hàng khổng lồ này.

Lan Ngọc
Theo VnEconomy

Từ khóa: