Sự kiện hot
12 năm trước

Chứng khoán ngày 23/2: Tiền bắt đầu “điên”

Nhịp độ giao dịch “nghìn tỷ” đã trở lại và tiền đang đổ vào mỗi lúc một lớn. Điểm tốt là giá cũng được đẩy lên theo.

Nhịp độ giao dịch “nghìn tỷ” đã trở lại và tiền đang đổ vào mỗi lúc một lớn. Điểm tốt là giá cũng được đẩy lên theo.

Còn bear-trap trong phiên tức là thị trường còn đang mạnh.

Hôm nay tổng hai sàn hút vào một lượng tiền “choáng váng” nữa: trên 1.430 tỷ đồng, vượt qua cả phiên phân phối ngày 21/2. Cường độ giao dịch này cũng gợi nhớ lại thời kỳ trung tuần tháng 9/2011 vừa qua với bình quân khoảng 1.700 tỷ/phiên.

Dĩ nhiên lượng vốn vào và ra như vậy cũng gợi nhớ đến rủi ro của tuần mà thị trường đạt đỉnh. Tâm lý hưng phấn cũng tương tự, tiền cũng tương tự…

Cảnh giác không lúc nào thừa. Dĩ nhiên đợt tăng này không khó để tìm thấy những điểm khác theo hướng tích cực. Thường khi hưng phấn nhà đầu tư nhìn đâu cũng thấy tốt, nhưng thực sự lần này tiền vào theo những cách gây bất ngờ lớn.

Thông tin chắc chắn có ảnh hưởng, nhưng thị trường lên xuống luôn là câu chuyện của tiền. Tiền mới vào mạnh trong tuần này và vào những lúc tưởng như tạo đỉnh. Dòng vốn vào muộn đã chấp nhận rủi ro khá cao và tạo được một mức hỗ trợ mạnh. Sự cộng hưởng của tâm lý, tin hỗ trợ và tiền mạnh là những yếu tố không còn gì đáng mong đợi hơn vào lúc này.

Thực ra hôm nay hiện tượng chốt lời dần vẫn tiếp diễn. Thanh khoản vẫn ở mức cao ngay cả trong nhịp chùng xuống nhẹ lúc trước 9h30. Cả hai sàn chính xác là có sự điều chỉnh: Giá cổ phiếu yếu thì giảm, Index giảm, cổ phiếu khỏe thì bị dư bán nhiều…

Điểm tốt hôm nay là ngày càng có nhiều người coi nhịp chùng xuống trong phiên là cơ hội để mua. Tức là trong phiên xuất hiện bear-trap càng nhiều thì thị trường càng mạnh.

Lực mua sau đó đã đẩy giá tăng ngược trở lại và độ rộng trên hai sàn cải thiện chóng mặt. Số lượng cổ phiếu tăng giá dãn rộng so với số giảm giá, đặc biệt là số tăng trần đến gần 10h đã rất nhiều. Trong phiên, chỉ báo về sự thay đổi tương quan số lượng cổ phiếu tăng giá/giảm giá hôm nay rất tương đồng với biến động của Index đã khẳng định đà tăng là có thực lực và trên diện rộng.

Sự phân hóa cổ phiếu hôm nay không theo hướng tăng giảm, mà chỉ ở cường độ tăng khác nhau. Đa số cổ phiếu đều tăng giá, chẳng hạn HSX có khoảng 200 mã và HNX có 243 mã, nhưng chỉ có những mã thực sự mạnh mới trần cứng. Còn lại, cung cầu ở vùng giá cao khá cân bằng mặc dù trước đó người bán đã có lúc đè xuống sát hoặc dưới tham chiếu.

Tình trạng này cũng không có gì lạ lắm vì với một thị trường trong tâm trạng hưng hực khí thế, người bán dễ dàng chọn lựa được giá tốt. Ai muốn thoát ra đều có điều kiện dễ dàng, bán lúc nào cũng được. Sau khi khối lượng bán giá thấp bị tranh cướp quá nhanh, đa phần người bán treo giá trần hoặc sát trần. Người mua nếu muốn mua bằng được thì không đến nỗi phải đua lệnh. Với những mã mà dư mua, dư bán đều dồi dào thì thanh khoản thấp không phải là điều tốt vì như vậy lực đẩy lên là không mạnh.

Khối ngoại hôm nay cũng có một phiên giao dịch khá sôi động. Lượng mua vào trên HSX hôm nay xấp xỉ phiên ngày 10/2 và cũng trên 7 triệu đơn vị. Tỉ trọng lớn số tiền được dồn vào nhóm blue-chip, trong đó đặc biệt nổi trội là MBB (21,76 tỷ đồng ròng), HPG (11,26 tỷ) và VCB (10.83 tỷ). Dĩ nhiên số còn lại cũng được mua nhiều như PVD, DPM, CTG, VIC, ITA…

Nhìn chung chiến thuật của khối ngoại cũng giống khối nội: tranh thủ mua lúc giá lình xình. Cung không phải là thiếu và nếu muốn mua giá tốt thì chỉ cần quyết đoán. Độ dốc đi lên của Index cũng như giá phần lớn cổ phiếu thậm chí còn cho thấy sự quyết đoán hơi quyết liệt!

Thị trường đang trong xu hướng tăng rõ rệt và tiền vào ngày một nhiều. Với cường độ tăng tương đối mạnh như hiện tại, cũng như dòng vốn vận động mạnh, áp lực chốt lời sẽ tăng dần lên. Giá trị tiếp tục cao mà giá không chuyển biến tốt luôn là tín hiệu đầu tiên của hiện tượng chốt lời dần. Dĩ nhiên để lượng tiền mấy hôm nay thoát ra, có lẽ cần thời gian không nhỏ và quán tính sẽ còn mạnh.

Lan Ngọc
Theo VnEconomy

Từ khóa: