Sự kiện hot
12 năm trước

Chứng khoán ngày 24/2: Biểu hiện sớm của ám ảnh T+4?

Áp lực thoát hàng đã gia tăng mạnh hơn và hạ giá nhiều hơn. Có lẽ ám ảnh về nguy cơ khối lượng lớn hàng về tài khoản tuần tới đã kích thích lượng cung trong phiên.

Áp lực thoát hàng đã gia tăng mạnh hơn và hạ giá nhiều hơn. Có lẽ ám ảnh về nguy cơ khối lượng lớn hàng về tài khoản tuần tới đã kích thích lượng cung trong phiên.

Một bull-trap trong phiên hôm nay phản ánh áp lực chốt lời khá mạnh.

Độ mạnh yếu khác nhau ở các cổ phiếu tiếp tục lộ ra rất rõ. Với đa số các cổ phiếu thanh khoản cao, lực cầu ở vùng giá cao không đủ sức chống đỡ áp lực bán. Tuy nhiên, vùng dưới tham chiếu cầu vẫn tỏ ra vững chắc, một phần vì người bán chưa có ý định chạy hàng quá rẻ.

Ngược lại, số tăng mạnh và kịch trần hôm nay trên cả hai sàn đa số là cổ phiếu nhỏ, thanh khoản không lớn. Do đó, chỉ báo về độ rộng hôm nay không phản ánh thực chất lắm về cung cầu. Về tổng thể, lượng hàng bán ra tăng lên và rẻ đi.

Áp lực chốt lời có lẽ đến sớm từ những người đang có sẵn hàng từ khá lâu, thậm chí có cả những nhà đầu tư ôm chặt từ đầu con sóng. Mức lợi nhuận đạt được đã khá lớn, trong khi rủi ro được đánh giá là ngày càng tăng lên vì rất nhiều mã đã gặp phải ngưỡng kháng cực mạnh. Chốt lời dần trong bối cảnh thị trường hưng phấn là điều dễ hiểu.

Có thể điểm ra một số mã đạt thanh khoản cao hôm nay gặp hiện tượng chốt lời mạnh như HAG, SSI, REE trên HSX, hay PVX, VND, KLS, VCG… trên HNX. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của xu hướng chốt lời, là giá được đẩy lên cao đầu phiên, gặp cung lớn liền chững lại và sau đó bên bán ken lệnh hạ giá vào dần khiến mức điều chỉnh tăng lên theo thời gian.

Nếu ngày hôm qua thị trường xuất hiện bear-trap, một biểu hiện của lực mua mạnh thì bull-trap trong phiên hôm nay phản ánh tình trạng vượt trội của cung. Khi giá đã đi được một đoạn đường khá dài, thị trường sẽ xuất hiện dao động mạnh như vậy vì tương quan cung cầu sẽ thay đổi từng phiên.

Áp lực bán ra là mạnh nhưng hôm nay vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định về một đỉnh phân phối hay điểm đảo chiều xu hướng. Cần vài phiên mới có thể đánh giá hết, liệu sức cầu đã kiệt so với nguồn hàng sẵn có hay chưa. Nguyên nhân khá đơn giản, trong 4 phiên vừa qua lượng tiền vào là lớn, khối lượng chứng khoán tích lũy được cũng thuộc loại kỷ lục. Nhà đầu tư cá nhân có thể tháo chạy ào ào, còn tổ chức khó chọn được cách này.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn hôm nay có thêm khoảng 1.640 tỷ đồng nữa, nâng tổng quy mô tích lũy của 4 phiên gần nhất lên trên 5.544 tỷ đồng. Những nhà đầu tư đánh theo vòng quay cổ phiếu bình thường (T+4) vẫn đang nắm giữ lượng chứng khoán rất lớn.

Với những chu kỳ tăng có lượng tích lũy lớn như vậy, quá trình tạo đỉnh thường kéo dài. Thời điểm này quan sát quy mô vốn vào và biến động giá trở nên quan trọng và khá dễ dàng. Nếu liên tiếp nhiều phiên tới đây, tiền vẫn vào mạnh nhưng giá lình xình đi ngang thì khả năng lớn là lượng hàng tích lại theo vòng quay thanh toán bắt đầu thoát dần.

Dĩ nhiên ẩn số vẫn còn nhiều, mà đáng kể nhất là niêm tin đang dâng cao. Đúng ra là trong hơn 1 năm gần đây, chưa lúc nào các cơ sở về vĩ mô được nhà đầu tư tin tưởng như vậy. Các sóng tăng năm ngoái chủ yếu trên cơ sở kỳ vọng lời hứa, hơn là số liệu cụ thể.

Lượng tiền vào mạnh dồn dập trong tuần này (bình quân mỗi ngày trên 1.300 tỷ đồng hai sàn) dĩ nhiên một phần là đầu cơ, nhưng cũng có một phần là kỳ vọng dài hơi. Nếu so với sóng tháng 9 năm ngoái thì thị trường mới có một tuần chứng kiến quy mô thanh khoản trên ngàn tỷ, trong khi sóng trước quy mô này kéo dài tới 3 tuần. Không chỉ các động lực hỗ trợ rõ ràng hơn, ngay cả độ cao của giá cổ phiếu cũng chưa trở lại mức tương đương.

Tóm lại, nguy cơ bị xả hàng ngày càng mạnh là điều dễ xảy ra trong vài phiên tới. Điều còn lại là sức mua có sẵn lòng đón nhận hay không. Sự bất ngờ về dòng tiền vừa qua là lớn, liệu mặt bằng giá mới với thanh khoản mới có được tạo thành?

Lan Ngọc
Theo VnEconomy

Từ khóa: