Sự kiện hot
12 năm trước

Chứng khoán Việt Nam chìm theo thế giới?

Phải chăng đã có một cái gì đó tương đồng giữa xu hướng điều chỉnh của chứng khoán thế giới với xu thế không thể cất cánh của Việt Nam? Trong nửa cuối năm 2012 này, có thể còn nhiều cơn thăng trầm của các TTCK, nhưng với mức đỉnh dường như đã được xác lập vào tháng 4 năm nay.

Phải chăng đã có một cái gì đó tương đồng giữa xu hướng điều chỉnh của chứng khoán thế giới với xu thế không thể cất cánh của Việt Nam? Trong nửa cuối năm 2012 này, có thể còn nhiều cơn thăng trầm của các TTCK, nhưng với mức đỉnh dường như đã được xác lập vào tháng 4 năm nay.

Những cú phá đáy

Vào cuối tháng 5/2012, trong một cuộc phỏng vấn được truyền hình trên kênh CNBC, Marc Faber, tác giả của tạp chí Boom, Gloom & Doom một lần nữa cảnh báo kinh tế thế giới đang suy giảm trầm trọng với thị trường chứng khoán là điểm phản ánh rõ nhất. Faber cũng nhận định tất cả các nền kinh tế trên toàn thế giới sẽ bị giáng những đòn mạnh mẽ từ các chuyển biến tiêu cực này. Ông cho rằng suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra vào quý 4 năm 2012 hoặc đầu năm 2013. Khi được hỏi về xác suất xảy ra kịch bản này, Faber nói “100%”.

Có thể hình dung ra những viễn ảnh nào từ sự xuất hiện và lời “tiên tri” của Marc Faber? Cần nhắc lại, dù không có được hình ảnh nổi trội như Warren Buffett, nhưng Marc Faber cũng không phải là một chuyên gia được đánh giá thấp trong thị trường chứng khoán Mỹ. Khá nhiều lần trước đây, Marc đã có một số nhận định khá chuẩn xác về xu hướng của thị trường này.

Những gì mà các chỉ số chứng khoán Mỹ thể hiện từ hai tháng qua cũng dường như báo trước điềm chẳng lành đối với kinh tế thế giới nói chung và khu vực đầu tư cổ phiếu nói riêng. Vào tháng 5/2012, ứng với câu ngạn ngữ “Sell in May and go away” (Bán tháng Năm rồi đi chơi) của giới kinh doanh cổ phiếu phương Tây, chỉ số Dow Jones của Mỹ đã giảm hơn 7%, S&P500 mất 9%, còn Nasdaq bị thiệt hại đến hơn 11%. 

Thế nhưng vấn đề đặt ra là cú lao dốc tháng Năm vừa qua chỉ đơn thuần là một đợt điều chỉnh của chứng khoán Mỹ hay còn ẩn chứa động thái nào khác. Cứ như nhiều lần từ năm 2010 đến gần đây, chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục tăng tiến bất chấp những đe dọa suy thoái kinh tế thế giới và vấn đề trần nợ công của Mỹ. Thậm chí, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ còn liên tiếp phá đỉnh cao nhất. Riêng Nasdaq còn đã phá cả đỉnh cao nhất thiết lập vào tháng 10/2007 - thời gian trước khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra.

Nhưng giờ đây, có thể tất cả những ấn tượng đó đang lui dần vào dĩ vãng. Trong đợt điều chỉnh vừa qua, có một cái gì đó không bình thường đã xảy ra. Khác với những lần trước, Nasdaq không còn đặc trưng cho xu hướng giảm mạnh - bật mạnh. Thậm chí có những giai đoạn ngắn khi Dow Jones tăng nhẹ thì Nasdaq lại chỉ đi ngang. Điều đó cho thấy sàn chứng khoán công nghệ mạnh nhất của nước Mỹ đã tỏ ra đuối sức.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất không phải từ nội tình thị trường chứng khoán Mỹ. Mà nó đến từ các thị trường chứng khoán Tây Âu. Với gánh nặng nợ công hơn 100% GDP ở Ý và tỷ lệ thất nghiệp lên đến 23% ở Tây Ban Nha, chỉ số chứng khoán của hai quốc gia này đều đã tiệm cận với vùng đáy đầu năm 2009. Chỉ một chút nữa thôi, chứng khoán Ý và Tây Ban Nha sẽ phá đáy, mở ra một thời kỳ suy giảm và thậm chí là lao dốc mới. Và đó cũng có thể là một tín hiệu khởi phát thảm họa cho khu vực Eurozone.

Trong khi đó, cả ba chỉ số chứng khoán của Hy lạp, Síp và Ireland đã phá đáy khủng hoảng 2008 từ lâu. Cần biết rằng cho tới nay, chỉ số chứng khoán Hy Lạp chỉ còn giữ dược chưa đầy 10% so với giá trị đỉnh 2007, trong khi Síp chỉ còn khoảng 3% và Ireland còn tệ hơn nữa.

Chưa thể cất cánh

Đợt suy giảm trên, tuy chỉ mới bắt đầu và vẫn chưa thể khẳng định được là chứng khoán thế giới đã biến mất khả năng tiếp tục tăng trưởng, nhưng lại cho thấy trong ngắn hạn từ đây đến cuối năm 2012, chứng khoán thế giới chỉ có thể kéo ngang, và nếu được như vậy cũng sẽ là một an ủi không đến nỗi nào đối với công sức đầu tư của các nhà đầu tư tầm cỡ như Warren Buffett và George Soros.

Tuy vậy, hình ảnh kéo ngang của chứng khoán Mỹ sẽ khó có thể giữ được nguyên vẹn, lồng trong bối cảnh giá dầu quốc tế trôi trượt từng tuần. Cho tới nay, giá dầu đã về mức 86 USD/thùng và đang tiệm cận vùng đáy cũ.

Rõ ràng, đà suy thoái của kinh tế thế giới tư bản đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ, khiến cho ngay cả vàng cũng không còn được xem là một thứ tài sản an toàn nữa. Vào lần này, có vẻ như tất cả những yếu tố ủng hộ cho chứng khoán đi lên đang bị chặn lại.

Trong hy vọng của giới đầu tư cổ phiếu phương Tây, phép màu có thể xảy ra chỉ đến từ động thái ban hành gói QE3 - một chương trình nới lỏng định lượng bổ sung của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Tuy nhiên, Bernanke - chủ tịch của FED, vẫn tỏ ra hết sức thận trọng, thận trọng đến mức mà giới đầu tư phải coi là bảo thủ, trong việc tung ra gói kích thích này. Bởi QE3 dù có thể làm cho chứng khoán Mỹ và Tây Âu tạm ổn, tạm hồi phục, nhưng thời gian tồn tại như thế cũng chỉ trong ngắn hạn. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ lại không thể bị phung phí với những gói kích thích chỉ dành cho chứng khoán và các ngân hàng.

Dưới triều dại của Obama, nhận thức về an sinh xã hội đã được củng cố một cách chắc chắn, cũng như quan điểm tăng thu thuế đối với giai tầng giàu có của đất nước này. Cũng bởi thế, chứng khoán khó có hy vọng được tiếp nhận QE3 ngay cả trong hoàn cảnh nó sẽ sụt giảm thêm nữa.

Thậm chí, ở một thái cực khác, thị trường chứng khoán Mỹ còn bị chia sẻ bởi một người bạn đồng hành bất đắc dĩ: thị trường bất động sản. Sau hơn 4 năm ngắc ngoải và phải hứng chịu nhiều trận lao dốc, mất đến 40% giá trị đỉnh của năm 2007, đến gần đây tình hình giao dịch và cả giá nhà tại Mỹ bắt đầu có chiều hướng phục hồi nhẹ. So với tháng 4/2011, doanh số bán ra của nhà mới xây đã tăng 9,9%. Còn giá bán ra của nhà mới xây trong tháng 4/2012 cũng tăng 0,7% so với tháng trước đó và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2011.

Nhìn tổng quát, doanh số bán ra và giá của nhà mới xây trong tháng 4/2012 đã tăng mạnh nhất trong vòng hai năm qua, xác định dấu hiệu cho thấy lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở Mỹ đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất và đang tiếp tục chiều hướng tốt dần lên.

Cũng vào tháng 5/2012, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đổ dốc một cách bất thường, khiến cho ít nhất 30% nhà đầu tư đã nghĩ đến chuyện tất toán cổ phiếu và “go forever” (ra đi mãi mãi). Phải chăng đã có một cái gì đó tương đồng giữa xu hướng điều chỉnh của thế giới với xu thế không thể cất cánh của Việt Nam? Và nếu điều đó là đúng thì trong nửa cuối năm 2012 này, người ta sẽ còn chứng kiến nhiều cơn thăng trầm của các thị trường chứng khoán, nhưng với mức đỉnh dường như đã được xác lập vào tháng 4 năm nay.

Việt Thắng
Theo Vietnamnet

Từ khóa: