Sự kiện hot
10 năm trước

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Bắt đầu triển khai cho vay thí điểm ở 11 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2011 và từ tháng 4/2012 tiến hành cho vay trên diện rộng trong toàn quốc, Agribank quyết tâm đồng lòng, chung sức cùng cả nước thực hiện thành công chủ trương, mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước, phấn đấu đến năm 2015 nước ta có 20% số xã và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM.


Người dân tham gia làm giao thông nông thôn. Ảnh: Viết Chung

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Là 1 trong 6 tỉnh ở khu vực duyên hải Bắc Trung bộ, Hà Tĩnh nằm trong số địa phương có nhiều sự đổi thay, nhất là từ khi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Nơi đây, một diện mạo mới được hình thành với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Giao thông nông thôn đã được nhựa và bê tông hóa, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm (Trường Sơn, Tùng Ảnh, Yên Hồ của huyện Đức Thọ; Gia Phố của huyện Hương Khê…). Hạ tầng thủy lợi từng bước được tăng cường, củng cố theo hướng hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất. Một số hệ thống thủy lợi phát huy hiệu quả đa mục tiêu, đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa; đặc biệt hệ thống thủy lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Rào Trổ khi hoàn thành sẽ nâng dung tích dự trữ nguồn nước của cả tỉnh lên mức 1,7 tỷ m3, cơ bản đủ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và các nhu cầu dân sinh khác đến năm 2020.

Hà Tĩnh cũng là địa phương có mạng lưới điện nông thôn phát triển nhanh, tạo động lực để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống ở nông thôn. Đến nay, 100% số xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,6%. Hệ thống trường học các cấp khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư nâng cấp. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đóng góp của người dân, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. 100% số xã của Hà Tĩnh có trường tiểu học, trường mẫu giáo mầm non và nhà trẻ… Mạng lưới y tế nông thôn được xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia; nhiều thiết bị công nghệ cao được đưa vào khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân… Kết cấu hạ tầng văn hóa ngày càng được tăng cường. Hệ thống nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng xã, thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng. Vào thời điểm năm 2012, 100% xã của Hà Tĩnh có nhà văn hóa và khu thể thao đáp ứng đời sống tinh thần của người dân… Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn từng bước được cải thiện. Từ năm 2008 đến nay, tại địa phương này, trên 40.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng, 930/1.389 cơ sở công cộng (trường học, trạm y tế xã, trụ sở UBND xã, chợ nông thôn) có công trình cấp nước và vệ sinh đạt tiêu chuẩn… Đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Hiện nay, Hà Tĩnh có 7 xã đạt chuẩn NTM; 13 xã đạt 13 - 17 tiêu chí; 73 xã đạt 9 - 12 tiêu chí; 118 xã đạt 5 - 8 tiêu chí; 20 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Với tinh thần “nhà nhà làm NTM, người người làm NTM”, ở Hà Tĩnh, quá trình xây dựng NTM đã huy động được toàn bộ mọi nguồn lực tham gia, đem đến nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân địa phương. Đến nay, có thể khẳng định, quá trình thực hiện xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đã đạt được mục tiêu là một chương trình phát triển tổng hợp về kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội, nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân…

Đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Để đạt được những thành công bước đầu trong xây dựng NTM tại Hà Tĩnh, một trong những nguồn lực quan trọng không thể thiếu đó là nguồn vốn. Nhận thức rõ điều này, Agribank Hà Tĩnh đã tích cực làm tròn vai trò của tổ chức tín dụng trong việc chuyển tải vốn cho nền kinh tế địa phương, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn. Tính đến 31/5/2014, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank Hà Tĩnh đạt 7.467 tỷ đồng, chiếm 93,3%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay NTM đạt 7.024 tỷ đồng, chiếm 87,8%/tổng dư nợ. Nhiều xã ở Hà Tĩnh đã và đang xây dựng NTM thành công, hiệu quả từ nguồn vốn của Agribank, trong đó phải kể đến xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ với dư nợ xã 45,5 tỷ đồng/dư nợ huyện 516,9 tỷ đồng; xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên với dư nợ xã 43,2 tỷ đồng/dư nợ huyện 654,8 tỷ đồng; xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà với dư nợ xã 42,2 tỷ đồng/dư nợ huyện 474,3 tỷ đồng…

Cũng như Agribank Hà Tĩnh, toàn hệ thống Agribank đẩy mạnh đầu tư nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ưu tiên cho xây dựng NTM. Đến ngày 31/12/2013, riêng doanh số cho vay xây dựng NTM của Agribank đạt 122.621 tỷ đồng, tiếp tục là tổ chức tín dụng dẫn đầu trong thực hiện chương trình này. Chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu thấp 0,56%. Nhờ có nguồn vốn được cung ứng kịp thời, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được xây dựng ngày càng khang trang, người dân khu vực này có điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống, yên tâm sản xuất kinh doanh…

Xây dựng NTM là quá trình lâu dài và chắc chắn còn không ít khó khăn. Điều đó cần sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân. Là ngân hàng thương mại có bề dày gắn bó, đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo trong việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực quan trọng này, đưa Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM tiếp tục đạt những hiệu quả tích cực trong thời gian sắp tới.

Viết Chung
theo Thanh tra

Từ khóa: