Sự kiện hot
4 năm trước

Chuyển đổi số ngân hàng: Ngôi sao nào dẫn đường?

Không có ngân hàng nào có thể đứng ngoài cuộc CMCN 4.0, vấn đề là trong “bầu trời” công nghệ, chọn ngôi sao nào dẫn đường cần phải có chiến lược, mục tiêu bài bản, rõ ràng, cùng với quyết tâm và nỗ lực cao để thích ứng và thay đổi cho phù hợp theo hành trình số đã chọn.

chuyen doi so ngan hang ngoi sao nao dan duong

Nếu nói về số hóa hoạt động ngân hàng, có thể tính từ thời điểm ra đời chiếc máy ATM của John Shepherd-Barron vào năm 1967 dựa trên ý tưởng máy bán chocolate tự động đang thịnh hành ở thời điểm đó và được đặt tại một chi nhánh của Ngân hàng Barclays (Anh Quốc). Sau đó là sự ra đời của mô hình ngân hàng trực tuyến (online banking) đầu tiên vào năm 1983 tại Hoa Kỳ, rồi Anh, Pháp cung cấp các dịch vụ ngân hàng cơ bản như chuyển tiền, truy vấn tài khoản, thanh toán hoá đơn điện/nước…

Ngày nay cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với sự giao thoa của các công nghệ số - vật lý - sinh học và phát triển theo cấp số nhân đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức mà con người sống, làm việc và điều hành xã hội. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đẩy mạnh số hóa là tất yếu đối với ngành Ngân hàng. 

Khi không còn sự độc quyền…

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống thì số hoá hoạt động ngân hàng hứa hẹn sẽ đánh dấu bước chuyển mình rõ rệt và khác biệt của hệ thống ngân hàng so với trước. Tuy nhiên, để thích nghi và làm quen với cái mới, chắc chắn sẽ có những thách thức mà mỗi nhà băng phải nhìn nhận để đối diện và hoá giải nó. Chuyển đổi số vừa phải gia tăng hiệu quả, vừa phải đảm bảo sự an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD song vẫn phải hạn chế được các tác động tiêu cực có thể xảy ra; đòi hỏi phải nhanh chóng có các chính sách phù hợp với các mô hình hoạt động mới, các chủ thể mới tham gia vào cung ứng dịch vụ ngân hàng…

Nhưng thách thức lớn nhất lại nằm ở tư duy thay đổi và cách thức ứng dụng công nghệ khi nhiều dịch vụ tài chính, ngân hàng không còn độc quyền của các TCTD như nhiều năm về trước. Ví dụ Fintech - các công ty công nghệ tài chính - đang sinh sôi nảy nở và phủ rộng khắp toàn cầu. Fintech tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ nhờ sáng tạo sản phẩm vượt trội so với ngân hàng truyền thống, dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn ngân hàng truyền thống, và Fintech cung cấp một mảng dịch vụ tài chính đơn lẻ, nâng cao trải nghiệm khách hàng - đó chính là thách thức mà nhà băng phải nhìn nhận để có giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của mình.

Trong một hội thảo về chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, nếu như không có Fintech thì Mobile Banking của các ngân hàng sẽ khó có thể phát triển như ngày nay. Theo diễn giải của ông Dũng, cách đây hơn chục năm, nhiều ngân hàng Việt Nam đã trang bị Mobile Banking rồi, nhưng nếu xét trên diện rộng thì chưa thật hiệu quả. Phải cho tới khi có sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech, thì Mobile Banking và Internet Banking gần như thay đổi hoàn toàn. Bởi đơn giản, có Fintech tức là ngân hàng có cả một hệ sinh thái số. 

Như đã nói ở trên, Fintech tập trung vào các dịch vụ đơn lẻ như tư vấn tài chính, thanh toán, ngoại hối, cho vay... với thế mạnh công nghệ, các công ty này đem lại các dịch vụ tài chính tương tự ngân hàng, nhưng trải nghiệm lại tốt hơn, tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn và chi phí thấp hơn. Đối tượng khách hàng hiện nay ưa thích sử dụng công nghệ đã không còn chỉ dừng lại ở thế hệ X, Y nữa mà chỉ trong tương lai gần, thế hệ Z (1995 - 2012) và Alpha (2013 - 2025) sẽ thống lĩnh. Nếu có nhu cầu chỉ với một chiếc điện thoại, họ có thể làm được tất cả các dịch vụ của tài chính một cách nhanh, tiện lợi nhất và hiệu quả nhất. Và ngân hàng sẽ phải tính tới chuyện này - nâng cao trải nghiệm khách hàng. 

Ông Trần Viết Huân - chuyên gia tư vấn chuyển đổi số của Microsoft chia sẻ, một trong những bài học được Microsoft rút ra từ hơn 1.000 dự án chuyển đổi số với khách hàng bao gồm nhiều ngân hàng với quy mô khác nhau là quá trình chuyển đổi số thường được bắt đầu với những cuộc cách mạng “vi mô”. Theo ông Huân, lựa chọn chiến lược thứ nhất là việc tạo ra trải nghiệm vượt xa mức kỳ vọng của khách hàng, giúp ngân hàng được tổ chức xung quanh việc kết nối với khách hàng. Lựa chọn chiến lược thứ hai, cho phép ngân hàng tổ chức các giải pháp tài chính xuyên suốt được dẫn dắt từ nhu cầu của khách hàng và được xây dựng dựa trên sự khác biệt nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. 

Nắm cơ hội để đi đường dài

Nói về tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam, giới chuyên gia đều đồng quan điểm rằng, Việt Nam có lợi thế khi dân số hơn 96 triệu người với cơ cấu dân số tương đối trẻ (người trưởng thành xấp xỉ 70%), trong đó 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh; có 130 triệu thuê bao di động; 51 triệu thuê bao internet di động kết nối 3G/4G phủ sóng toàn quốc; 64 triệu người dùng internet chiếm 67% dân số. Chưa kể, thương mại điện tử tăng trưởng cao (30%/năm) và Việt Nam đang là nền kinh tế đứng thứ 2 Đông Nam Á (12 tỷ USD), tăng trưởng 40%/năm. Thế hệ Z (1995+) hiện chiếm 4% khách hàng của ngân hàng trong 10 năm nữa sẽ là nhóm khách hàng chủ lực khi chiếm tới 40% dân số. 

Thực tế, thời gian qua, các TCTD ở Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ để tối ưu hoá sản phẩm, dịch vụ và bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng số hoá với các giải pháp ngân hàng tự động, ngân hàng số. Đây có thể xem là thời điểm thích hợp để hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam có bước chuyển mình, nhanh chóng bắt kịp với tốc độ và trình độ phát triển của các hệ thống tài chính - ngân hàng tiên tiến trên thế giới. 

Vì lẽ đó TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các ngân hàng phải coi là chiến lược cốt lõi, không dừng lại ở quan điểm chỉ là một dự án về công nghệ thông tin. Theo khảo sát của Vụ Thanh toán, tại Việt Nam hiện có khoảng 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế.

Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về kênh giao tiếp (học máy, sinh trắc học, ứng dụng trợ lý ảo, ứng dụng mobile app…) và quy trình (dữ liệu lớn, hệ thống giao dịch trực tuyến, tức thời, quy trình xử lý các nghiệp vụ tự động). Việc chuyển đổi về nền tảng dữ liệu (phân tích dữ liệu, ứng dụng lập trình mở, chuỗi khối, đám mây…) mới được nghiên cứu, triển khai tại một số ngân hàng tiên phong. 

Xác định năm 2019 là năm chiến lược về chuyển đổi số, nhắc tới nguyên tắc thực hiện chuyển đổi số, ông Phạm Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT Vietcombank cho hay: Chúng tôi lấy khách hàng làm trọng tâm trong các sáng kiến chuyển đổi số nhằm đem lại giá trị cho khách hàng là bí quyết để thành công.

Theo đó, cần phát triển song song năng lực nền tảng và xây dựng trải nghiệm khách hàng - chủ động thay đổi trải nghiệm khách hàng ngay tại thời điểm hiện tại, không chờ đợi triển khai xây dựng các năng lực nền tảng. Ngân hàng phải coi hành động là yếu tố quan trọng, tập trung triển khai điểm đối với phân khúc khách hàng được lựa chọn thay vì thay đổi toàn diện, kết hợp với việc linh hoạt trong các cấu phần giao tiếp với khách hàng, đồng thời cải thiện năng lực nền tảng số một cách liên tục. 

Không có ngân hàng nào có thể đứng ngoài cuộc CMCN 4.0, vấn đề là trong “bầu trời” công nghệ, chọn ngôi sao nào dẫn đường cần phải có chiến lược, mục tiêu bài bản, rõ ràng, cùng với quyết tâm và nỗ lực cao để thích ứng và thay đổi cho phù hợp theo hành trình số đã chọn.

Việt Nam có lợi thế khi dân số hơn 96 triệu người với cơ cấu dân số tương đối trẻ (người trưởng thành xấp xỉ 70%), trong đó 72% dân số sở hữu điện thoại thông minh; có 130 triệu thuê bao di động; 51 triệu thuê bao internet di động kết nối 3G/4G phủ sóng toàn quốc; 64 triệu người dùng internet chiếm 67% dân số

Minh Khuê

Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: