Sự kiện hot
10 năm trước

"Chuyện lạ" giữa Hà Nội: Vừa nộp thuế đất, vừa phải thuê

Người dân phải "thuê" bằng cách "ủng hộ" cho phường số tiền hàng triệu đồng/lần.

Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (hiệu lực từ 1/1/2012) quy định rõ quyền sử dụng của người nộp thuế. Thế nhưng, tại phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, có một chuyện lạ đời là trên cùng mảnh đất ấy còn xuất hiện một hợp đồng cho thuê giữa UBND phường với người dân. Và cách thức trả tiền thuê đất là: Ủng hộ bằng tiền!

Mập mờ chuyện cho thuê

Báo GĐ&XH vừa nhận được đơn kêu cứu của 5 hộ dân ở các số nhà từ 23 đến đầu ngõ 27 Đại Cồ Việt (người dân quen gọi là số 5 Đại Cồ Việt theo địa chỉ cũ), thuộc phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), phản ánh nỗi bức xúc khi ngày 25/2/2013 phường ra thông báo “giải tỏa” khu đất này mà không thực hiện theo các trình tự thu hồi đất phục vụ dự án theo luật định.

Thực tế, khu đất từ số 23 đến 27 hiện là dãy 10 ki-ốt đang được người dân sử dụng, khai thác kinh doanh ổn định trong nhiều năm. Cái lý của thông báo trên là văn bản chỉ đạo của UBND quận Hai Bà Trưng về việc “giải tỏa” dãy ki-ốt đẻ cải tạo hè phố. Nhưng cái lý “to” hơn nữa là chính quyền phường cho rằng, đây là mảnh đất… lưu không. UBND phường Cầu Dền cho người dân thuê kinh doanh, bây giờ cần đến thì đòi lại. Trong khi đó, các hộ dân cho rằng, chính quyền muốn thu hồi đất thì phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ và làm đầy đủ các trình tự về thu hồi đất chứ không chỉ bằng một thông báo giải tòa là xong.

Trả lời PV Báo GĐ&XH, ông Phan Bá Tường - Chủ tịch UBND phường Cầu Dền và bà Đỗ Phương Nga - Phó Chủ tịch cùng cho biết: “Về nguồn gốc đất, năm 1991 sau khi hoàn thành dự án đường Đại Cồ Việt, các hộ dân có đất đã được đền bù, hỗ trợ di chuyển, dãy ki-ốt là phần đất không sử dụng đến, trở thành đất lưu không. Trong quá trình quản lý buông lỏng, đã từng có các hộ dựng lều lán kinh doanh đồng nát. Đến năm 1997 thì xảy ra một vụ cháy. Chủ tịch UBND phường khi đó đã chỉ đạo san lấp mặt bằng. Đến năm 1998, dù quận không có văn bản đồng ý, phường vẫn xây ki-ốt cho thuê”.

Nhưng mập mờ ở chỗ, có hợp đồng thuê giữa chính quyền phường nhưng không không có hóa đơn chứng từ nào thể hiện việc này ngoài các biên lai thu tiền ủng hộ của các hộ dân cho phường với số tiền khá lớn. Ví dụ, trường hợp của bà Dương Thị Kim Yến năm 2004 “ủng hộ” phường 3 lần, mỗi lần… 6 triệu đồng với nội dung “ủng hộ kinh phí hoạt động UBND phường”. Hay năm 2009, bà Yến góp một lần với số tiền 10 triệu đồng nhằm “ủng hộ bảo vệ an ninh trật tự của phường Cầu Dền”.

Lãnh đạo phường Cầu Dền khẳng định với phóng viên, việc thu “ủng hộ” này và cả thu thuế kết thúc vào cuối năm 2008 đầu 2009.


Dãy nhà mà người dân vừa nộp thuế, vừa phải thuê. Ảnh: Việt Nguyễn

Luật “thua” hợp đồng?

Chưa bàn đến việc UBND phường Cầu Dền sẽ sử dụng nguồn tiền “ủng hộ” khá lớn kia vào việc gì, có nộp ngân sách không, nhưng theo khẳng định của người dân và theo tìm hiểu các hồ sơ liên quan, giữa UBND phường và người dân có hợp đồng cho thuê ki-ốt nhưng lại không có chứng từ, hóa đơn nào thể hiện việc thu tiền thuê đó. Do vậy, khoản “ủng hộ” hàng chục triệu đồng mỗi năm rất bất thường. Và dĩ nhiên, khi chính quyền dựa vào hợp đồng cho thuê này để lấy lại đất đã vấp lại sử phản đối quyết liệt của người dân.

Theo tìm hiểu, việc nộp thuế được quy định theo Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiệu lực tháng 1/2012, trước đó là pháp lệnh thuế nhà, đất, quy định quyền sử dụng cả với trường hợp có “sổ đỏ” hoặc không. Vậy nên, người dân đã trưng ra một bằng chứng “cứng” hơn nhiều các hợp đồng cho thuê mập mờ của UBND phường Cầu Dền trên dãy ki-ốt mà lãnh đạo phường khẳng định mảnh đất là “lưu không”.

Cụ thể, người dân cung cấp cho phóng viên một loạt các biên lai nộp thuế nhà, đất. Ví dụ, ông Trần Quốc Cương, bà Dương Thị Kim Yến, Nguyễn Thị Vượng cùng được xác nhận đã nộp thuế từ 1992 đến 2008 theo “Thông báo truy thu thuế sử dụng đất” do nguyên Chủ tịch UBND phường Lê Đức Thịnh ký tháng 8/2007. Đáng nói là, ông Lê Đức Thịnh cũng chính là người ký “hợp đồng trách nhiệm” với người dân về việc cho thuê ki-ốt nói trên.

Bên cạnh đó, trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọc, ông Trần Văn Thắng còn có xác nhận của Công an phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) xác nhận gia đình mình đã sống ổn định tại địa chỉ số 5 Đại Cồ Việt (trước đây), nay thuộc quản lý của UBND phường Cầu Dền từ năm 1991.

Với chứng từ, biên bản về nguồn gốc, nghĩa vụ sử dụng đất như vậy, các hộ dân cho rằng, phường không thể “giải tỏa” một cách dễ dàng theo thông báo được.  Người dân cho biết, phường và quận phải cho họp các đoàn thể, đối thoại với dân và đưa ra các kết luận bằng văn bản. “Hiện nay, phường và quận thi thoảng lại có văn bản thông báo, chứ không phải quyết định gì và đến khu chúng tôi yêu cầu giải tỏa. Cách làm việc như vậy khiến người dân không thể yên tâm”, các hộ dân bức viết trong đơn.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc có xem xét đến vấn đề người dân đã nộp thuế sử dụng đất, bà Phó Chủ tịch Đỗ Phương Nga cho hay, phường đang chờ kết luận của thanh tra quận Hai Bà Trưng về việc này. Được biết, ngay sau dãy ki-ốt này là một dự án của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Việt Nguyễn
theo GĐ&XH

Từ khóa: