Sự kiện hot
11 năm trước

Chuyện về nữ thương binh, Anh hùng Nguyễn Thị Chiên

Người dân xóm 1, Yên Tân, Ngọc Thụy, Long Biên Hà Nội đã quá quen thuộc với hình ảnh một bà lão đôn hậu, sáng, chiều dạo bước trên con đường nhỏ dọc bờ sông.

Người dân xóm 1, Yên Tân, Ngọc Thụy, Long Biên Hà Nội đã quá quen thuộc với hình ảnh một bà lão đôn hậu, sáng, chiều dạo bước trên con đường nhỏ dọc bờ sông.


Bà Chiên (ngoài cùng, bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh chụp lại của D.Th.Tùng

Khi có ai đó chào bà và được bà đáp bằng cử chỉ nhân từ, ít người nghĩ bà là nữ thương binh, nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam một thời vang bóng.

Bà Chiên sinh năm 1930 tại xóm Trại Đồng, Tân Tiến, Kiến Xương, Thái Bình. Cha mẹ bà sinh được 5 người con, bà là út. Bốn anh chị của bà đều chết trong nạn đói năm 1945. Vừa lọt lòng, mẹ bà đã phải ủ con trong tro nóng để đi làm thuê. Từ lúc lọt lòng cho đến khi lớn lên, cả nhà chỉ gọi bà bằng cái tên Tý con. Tên Chiên là do anh em du kích đặt cho khi bà đã trưởng thành.

Sau phong trào "Tiếng trống Tiền Hải", Thái Bình bị địch tăng cường đàn áp, khủng bố. Do nhanh nhẹn và có chí khí từ bé, bà đã được các anh, chị "rủ" vào du kích, cầm súng đánh đuổi thực dân Pháp, đánh đổ ách thống trị để dân nghèo không phải làm nô lệ, có ruộng đất để cấy cày.

Suốt những năm tháng tham gia du kích, ngoài những lần cải trang, lọt qua vòng vây của địch để đưa công văn, thư từ, đưa cán bộ ra vào an toàn thì bà nhớ nhất là lần phối hợp với Đại đội 44 Tiểu đoàn 680, Đại đoàn 320 đánh lính Âu Phi trên đường 39. Ở trận này, bà đã bắt được tên quan 2 Pháp và nổi tiếng với câu nói “tay không bắt giặc”.

Sau 2 ngày lùng sục, Tiểu đoàn lính Âu Phi được coi là thiện xạ này hầu như đã mệt mỏi. Phát hiện tên quan 2 và 2 lính Pháp đi thám thính tìm đường rút lui, bà Chiên âm thầm bám theo với ý định táo bạo là bắt sống cả 3 tên, thu vũ khí. Thừa lúc chúng không phòng bị, từ bụi chuối bên bờ mương, bà dõng dạc hô “tất cả xông lên”. Tưởng rơi vào trận địa phục kích của Việt Minh, 2 lính pháp hoảng hốt chạy thục mạng, bỏ lại tên quan 2 đứng ngơ ngác. Nhanh như cắt, bà lao vào giật khẩu súng trong tay tên quan 2, bắt giơ tay lên trời và dẫn giải về giao cho Đại đội 44 bộ đội chủ lực. Chỉ huy bị bắt sống, Tiểu đoàn Âu Phi rơi vào tình cảnh hỗn loạn và bị Đại đội 44 tấn công tiêu diệt.


Bà Chiên bình dị giữa đời thường ngày hôm nay. Ảnh: D.Th.Tùng

Tham gia du kích từ năm 16 tuổi, bà Chiên nhanh chóng trở thành nữ du kích nổi tiếng gan dạ, mưu lược. Bọn Việt gian, tay sai Pháp rắp tâm truy lùng, bắt bằng được bà Chiên để tâng công với cấp trên. Bà bị chúng bắt tại làng Rặng Thông (Cầu Trục, Kiến Xương).

Gần 4 tháng bị địch giam cầm, tra tấn dã man nhưng bà Chiên vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cách mạng nên địch không đủ chứng cứ kết tội bà làm du kích. Những ngày ở lao tù này, bà nhớ nhất là những lần địch buộc tay chân bà vào một cây tre rồi đem vứt xuống sông. Vứt xuống chờ bà sắp chết chúng lại vớt lên nhưng vẫn không moi được thông tin. Địch lại giả vờ đem bà đi bắn. Băng đen bịt mắt, tay chân buộc như tử tù giặc nổ súng. Bà vẫn không sợ. Bất lực, chúng đành phải thả bà ra.

Với sự kiên cường, mưu trí, dũng cảm, bà Chiên liên tục lập được nhiều chiến công vang dội. Năm 1950, tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua toàn quốc lần thứ nhất, bà là nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình. Năm 1952, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng ở tuổi 22. Năm 1953, bà Chiên chính thức trở thành nữ chiến sỹ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. 

Bà đã gặp ông Vũ Anh Tài đang chiến đấu tại Sư đoàn 320. Ông bà cưới nhau năm 1956. Năm 1957, bà sinh được một con gái và đây cũng là người con duy nhất của ông, bà. Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đi biền biệt, bà ở lại hậu phương vừa công tác vừa nuôi con.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ ven sông Hồng ngày lặng gió, người nữ thương binh, nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam kể về cuộc đời chiến đấu của bà bằng giọng đều đều, chậm rãi. Quá khứ oanh liệt của bà hiện ra không khác gì những thước phim tài liệu về người anh hùng bình dị. Sự bình dị của một người lính đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời và xương máu mình cho đất nước.

Có thể có lúc nào đó bà bị lãng quên trong dòng chảy gấp gáp của cuộc sống hôm nay, nhưng lịch sử đất nước sẽ mãi khắc ghi bức chân dung người nữ thương binh 4/4 một thời oanh liệt, một thời vang bóng. Đấy là bức chân dung người phụ nữ bình dị, nhân hậu, lặng thầm và đầy lấp lánh.

D.Th.Tùng
theo Thanh tra

Từ khóa: