Sự kiện hot
13 năm trước

Có đưa ngôn ngữ của giới trẻ vào từ điển?

Ngồi bên cạnh họa sĩ Thành Phong là GS Văn Như Cương và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - hai người đàn ông râu tóc đã bạc trắng, bên nữa là PGS TS Phạm văn Tình không dưới tuổi tứ tuần, nhưng không khí trong buổi tọa đàm với họ về Ngôn ngữ giới trẻ thời @ lại hết sức trẻ trung, thoải mái.

Ngồi bên cạnh họa sĩ Thành Phong là GS Văn Như Cương và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - hai người đàn ông râu tóc đã bạc trắng, bên nữa là PGS TS Phạm văn Tình không dưới tuổi tứ tuần, nhưng không khí trong buổi tọa đàm với họ về Ngôn ngữ giới trẻ thời @ lại hết sức trẻ trung, thoải mái.

“Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt không có nghĩa là giữ khư khư”

Tại hội trường Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), buổi tọa đàm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @” đã thu hút hàng trăm người tham dự không phân biệt độ tuổi. Tất cả đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ của giới trẻ trong văn nói hàng ngày, ngôn ngữ chat, nhắn tin,... nhất là làn sóng mạnh mẽ trước cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” của họa sĩ trẻ Thành Phong.

Họa sĩ  trẻ Thành Phong (ngoài cùng bên trái) là tác giả "Sát thủ đầu mưng mủ" - cuốn sách gây tranh cãi trong nhiều trong thời gian vừa qua  cùng GS Văn Như Cương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, PGS. TS Phạm Văn Tình trong buổi hội thảo về "Ngôn ngữ giới trẻ thời @"  tối 29/3.

Nhà phê bình Phạm Xuân nguyên bày tỏ quan điểm: “Chúng ta không sợ gì hiện tượng này. Đây là sự phát hiện tự nhiên và chính lớp trẻ sẽ phát triển nó. Giữ gìn sự trong sáng cả Tiếng Việt không có nghĩa là giữ khư khư”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Giáo sư văn Như Cương lại dẫn ra câu thành ngữ trẻ trong cuốn sách cùng những suy ngẫm vô cùng thú vị: “Người xưa nói Một điều nhịn là chín điều lành rất đúng. Trong quan hệ gia đình, bạn bè, làng xóm, chín điều nhịn là nhường nhịn. Nhưng Bác Hồ cũng đã nói “Chúng ta càng nhường nhịn, thực dân Pháp càng lấn tới”. Ngày nay Trung Quốc sang cắt dây cáp dưới biển Đông nước ta, nếu chúng ta cứ nhịn thì càng nhục.” Giáo sư cũng chia sẻ: “Một số người cố ý ghép tội cho Sát thủ đầu mưng mủ không giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm đó. Về nội dung, văn bản, cuốn sách hoàn toàn trong sáng. Nếu nói không trong sáng, thì tất cả các khẩu hiệu mà bộ trưởng giáo dục chúng tôi đưa ra như Nói không với tiêu cực, nói không với... đều là không trong sáng, mà phải là chống tiêu cực, chống...”

Ông còn cho rằng cần phải thêm một số câu thành ngữ vào cuốn sách như: “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức, sướng như con ông tướng, tiền là quý, quỳ là tiến...”. Ông nói: “câu dốt như chuyên tu, ngu như tại chức, giới giáo dục chúng tôi nói thường xuyên”.

Có thể đưa ngôn ngữ giới trẻ vào từ điển Tiếng Việt?

Khi một bạn trẻ trong hội trường bày tỏ thắc mắc: “Liệu có đưa ngôn ngữ giới trẻ vào từ điển tiếng Việt?”, PGS. TS Phạm Văn Tình thẳng thắn nói: “Ngôn ngữ @ là một dòng chảy trong cuộc sống và là một dòng chảy đặc biệt. Tiếng Việt của chúng ta vẫn đang phát triển. Chúng ta vốn chịu áp lực về thói quen ngôn ngữ. Hãy xem xét nó một cách ôn hòa. Chấp nhận một sự mở rộng Tiếng Việt nhất định để tạo ra sự phong phú. Chính ngôn ngữ giới trẻ đã giúp ngành ngôn ngữ của chúng tôi giàu có hơn”. Ông dẫn chứng câu chuyện “nghịch lý Einstein: “ Thuyết tương đối vĩ đại như thế mà khi mới công bố cũng chịu sự phản đối gay gắt, đến 5 năm sau mới được phát hiện và chấp nhận. Ngôn ngữ @ cũng như thế. Đó là một xu hướng, một xu hướng rất đặc biệt”.

PSG.TS Phạm Văn Tình

Suốt hai tiếng đồng hồ, rất nhiều khách tham dự trong hội trường đã bị buổi tọa đàm thu hút, đứng dậy biểu lộ tiếng nói riêng. Tuy có một vài ý kiến tỏ ra phản đối nhưng phần đông người vẫn ủng hộ và thể hiện lòng mến mộ với các diễn giả. Một nữ nhà báo ở Tây Nguyên đã chia sẻ: “Hôm nay khi đi dạo trên đường phố hà Nội, tôi đã vô tình lạc vào đây và được tham gia một buổi nói chuyện thú vị thế này. Tôi có thể thấy giáo sư Văn như Cương có bộ râu trắng phơ thế kia, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có mái tóc bạc thế kia, nhưng cả hai vị đều tỏ ra rất trẻ trung và rất yêu lớp trẻ”.

Họa sĩ Thành Phong cũng chia sẻ ý tưởng khi thực hiện tác phẩm: “Tác phẩm hướng đến lớp trẻ và mang tính giải trí. Đối với tôi, hài hước quan trọng là tạo ra yếu tố bất ngờ.” Lấy ví dụ hình minh họa bức tranh câu thành ngữ “Chuẩn không cần chỉnh”, Thành Phong vẽ một samurai người Nhật, người nhật vốn tính tỉ mỉ cẩn thận, và cảnh mô tả vị samurai đang dùng thước đo bụng để chuẩn bị rạch bụng tự sát càng thể hiện sự tỉ mỉ hơn nữa. “Dó chính là cách tư duy của tôi để một câu nói bình thường trở nên bất ngờ hơn”.

Bên cạnh tọa đàm, một triển lãm ngôn ngữ giới trẻ thời @ cũng bắt đầu trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Thành Phong dưới tầng một Trung tâm văn hóa Pháp, kéo dài từ nay đến 3/4/2012.





Lê Thị Thu Giang

Từ khóa: