Sự kiện hot
5 năm trước

Cổ phần hoá các 'ông lớn' ngân hàng: Ngọt hay đắng?

Sau nhiều năm cổ phần hoá và tìm đối tác ngoại, các ông lớn ngân hàng đã ghi nhận nhiều dấu ấn trong chặng đường phát triển, có cả thành công và thất bại. Đây cũng là thách thức lớn của Agribank, ngân hàng được giao nhiệm vụ thành công IPO trước năm 2020.

Câu chuyện cổ phần hoá với các doanh nghiệp nhà nước không còn xa lạ với nhà đầu tư khi chủ trương tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia sản xuất kinh doanh đặt ra ở tất cả ngành kinh tế.

Nếu so sánh với các ngành kinh tế khác, việc cổ phần hoá trong lĩnh vực ngân hàng về cơ bản đã đạt được một số kết quả khả quan so với các ngành khác. 

Trong 4 "ông lớn" ngân hàng nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đã có ba ngân hàng thực hiện cổ phần hoá thành công và tìm được đối tác chiến lược nước ngoài.

Ba ông lớn nhận được gì sau cổ phần hoá?

Câu chuyện cổ phần hoá các ngân hàng đã từng được nhắc đến rầm rộ trong những năm 2007 - 2011, thời gian mà ba "ông lớn" Nhà nước Vietcombank, VietinBank và BIDV chào bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư bên ngoài lần đầu (IPO).

Vietcombank là ngân hàng được lựa chọn thí điểm đầu tiên cho quá trình cổ phần hoá các ngân hàng. 

Thời điểm đó, thị trường chứng khoán đã có những phản ứng rất tích cực, nổi bật nhất là nhóm tài chính ngân hàng. VN-Index phục hồi mạnh với mức tăng 15,61 điểm, một loạt cổ phiếu ngân hàng tăng giá, có những cổ phiếu "cháy hàng" trong phiên giao dịch ngày 3/12/2007.

Tháng 12/2007, Vietcombank chính thức chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO), tổng số cổ phiếu được phát hành là hơn 94,3 triệu cổ phiếu, vốn hoá đạt hơn 10.000 tỉ đồng.

Một năm sau, VietinBank IPO vào ngày 25/12/2008, chào bán 53,6 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 20.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/5 mức khởi điểm của Vietcombank. Vốn hoá ngân hàng thời điểm đó là 1.086 tỉ đồng.

Và phải sau đó 4 năm, BIDV IPO với việc chào bán ra hơn 84,7 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 18.500 đồng/cp, vốn hoá tương ứng 1.575 tỉ đồng.

Ai đã tăng trưởng mạnh mẽ

Thống kê số liệu từ báo cáo tài chính của các ngân hàng qua các năm có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về kết quả kinh doanh từ tổng tài sản, vốn điều lệ đến lợi nhuận.

Có thể nhận thấy rằng Vietcombank là ngân hàng có mức tăng trưởng vốn điều lệ, lợi nhuận cao nhất trong nhóm 3 ngân hàng này, trong khi tăng trưởng ở mức thấp nhất là BIDV.

Thu nhập nhân viên của Vietcombank cũng là một trong những yếu tố tăng mạnh vượt xa hai "ông lớn" còn lại với tốc độ tăng hơn 200% trong khi tại VietinBank và BIDV chỉ ở mức 60 - 65%.

Screen Shot 2019-06-27 at 15
Nguồn: Diệp Bình tổng hợp.

Vốn hoá BIDV và VietinBank tăng 70 lần

Qua số liệu thống kê của người viết, từ thời điểm IPO đến hiện tại, giá cổ phiếu đã có nhiều biến động thăng trầm, tuy nhiên vốn hoá của các ngân hàng đều tăng mạnh. VietinBank là ngân hàng có vốn hoá tăng mạnh nhất với gần 72 lần từ 1.086 tỉ đồng lên 79.122 tỉ đồng; tiếp đó là BIDV tăng gần 70 lần.

Vietcombank với thị giá cổ phiếu luôn duy trì mức cao trong nhóm ngân hàng niêm yết, vốn hóa tăng từ 10.175 tỉ đồng lên 267.781 tỉ đồng.

Biến động về giá cổ phiếu và vốn hoá thị trường của các ngân hàng 

Screen Shot 2019-06-27 at 11
Nguồn: Diệp Bình tổng hợp.

Sau nhiều năm IPO, giá cổ phiếu của Vietcombank vẫn dẫn đầu và cách xa hai ngân hàng còn lại với 72.200 đồng/cp, giảm nhẹ so với mức giá ngày đầu bán cổ phiếu. Cổ phiếu BIDV tăng giá gần gấp đôi từ 18.500 đồng lên 32.500 đồng/cp, trong khi giá cổ phiếu VietinBank biến động ít nhất.

Nếu xét về EPS thì Vietcombank tiếp tục gây ấn tượng với 3.584 đồng, trong khi của BIDV là 1.634 đồng và VietinBank là 1.454 đồng. Vietcombank là ngân hàng xếp thứ 4 trong Top các ngân hàng có EPS cao nhất năm 2018 sau ACB, VIB và Techcombank.

Gian nan tìm kiếm nhà đầu tư ngoại

Mặc dù IPO sớm nhất nhưng Vietcombank lại loay hoay nhiều năm mà không tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, khiến mục tiêu đề ra trước đó bị bỏ ngỏ. Mãi tới tháng 10/2011 tức sau khoảng 4 năm, Vietcombank mới tìm được đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài Mizuho Bank của Nhật Bản với tỉ lệ sở hữu là 15% vốn điều lệ.

VietinBank "nhanh chân" hơn khi ngay từ năm 2010 đã làm việc với hai đối tác chiến lược ngoại là Công ty Tài chính quốc tế - IFC và Ngân hàng Nova Scotia (Canada). Tuy nhiên, thương vụ với Nova Scotia Bank tưởng chừng như đã thành công vào năm 2012 lại thất bại ngay vào giờ chót khi đối tác đưa ra yêu cầu phải được hưởng toàn bộ cổ tức và thặng dư vốn của năm 2011 và ngân hàng không chấp nhận.

Do vậy, chỉ có một đàm phán thực hiện thành công là IFC với việc mua hơn 168 triệu cổ phần của VietinBank với giá 22.000 đồng/cp, chiếm tỉ lệ sở hữu 10% vốn điều lệ. Không lâu sau đó, VietinBank lại đón thêm một nhà đầu tư ngoại từ Nhật Bản là Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) với tỉ lệ sở hữu là 20%.

Đáng chú ý, trong khi Vietcombank và VietinBank đã tìm được đối tác ngoại thì sau hơn 8 năm cổ phần hoá BIDV vẫn chưa thể bán vốn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mặc dù trải qua nhiều lần đàm phán.

Tỉ lệ sở hữu của Nhà nước và nhà đầu tư lược nước ngoài tại các ngân hàng

Screen Shot 2019-06-27 at 10
Nguồn: Diệp Bình tổng hợp.

Cuối năm 2018, phương án bán vốn của BIDV cho đối tác chiến lược ngân hàng Hàn Quốc là KEB Hana Bank đã được thông qua, tỉ lệ nắm giữ sau khi thực hiện dự kiến là 15% và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận vào tháng 2/2019. 

Theo kế hoạch, việc bán vốn sẽ hoàn tất trong năm nay, tuy nhiên đã gần hết tháng 6 vẫn chưa có một thông báo mới nào về tiến triển của thương vụ.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thương vụ phát hành vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc về giá và thủ tục.

Vấn đề đặt ra hiện nay là chính những thành tựu từ mở rộng cổ phần hoá và bán vốn nhanh chóng cho cổ đông ngoại của VietinBank sau IPO đã tạo nên "thế bí" cho việc tăng vốn của ngân hàng khi "room" ngoại đã gần như lấp đầy. Trong khi đó, cánh cửa nhà đầu tư ngoại vẫn đang tiếp tục mở đối với Vietcombank và BIDV.

Cùng với đó, mặc dù đã cổ phần hoá và bán vốn cho cổ đông ngoại nhưng tỉ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn chiếm áp đảo và là bên có quyền quyết định trong các vấn đề của các ngân hàng.

Đến nay, sau khoảng 10 năm cổ phần hóa, cổ đông lớn này luôn nhận cổ tức "khủng" bằng tiền mặt từ các ngân hàng (trừ trường hợp chấp thuận cho Vietcombank chia cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 35% vào năm 2016).

Các "ông lớn" đã liên tiếp gửi lời đề nghị được giữ lại cổ tức hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vố. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức nào từ phía đại diện Nhà nước.

Dấu chấm hỏi đối với Agribank

Trong khi nhiều ngân hàng đang "đau đầu" về tăng vốn, vấn đề cổ phần hoá được đặt ra với Agribank, ngân hàng khá lâu đời với mục tiêu hướng đến cho vay nông nghiệp và nông thôn. Theo mục tiêu đầu năm, Agribank hướng đến xoá sạch nợ xấu VAMC trong năm 2019 và IPO chậm nhất vào đầu 2020.

Với nhiều nỗ lực, Agribank bất ngờ có những bước chuyển trong năm 2018 khi tăng trưởng lợi nhuận 63%, nợ xấu giảm gần 11% và số dư trái phiếu VAMC của Agribank giảm hơn 81% chỉ còn 7.750 tỉ đồng (trong đó đã trích lập dự phòng 5.394 tỉ đồng).

Ngân hàng cũng xác định rõ "bài toán" tăng vốn là một trong những thách thức lớn và nan giải nhất. Từ một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ gần 30.500 tỉ đồng, thấp nhất trong nhóm Big4 ngân hàng.

Agribank cho biết với việc sở hữu tổng tài sản lớn có gần 3 triệu m2 đất đai và số lượng khách hàng khổng lồ, việc xác định giá trị của ngân hàng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian. Cùng với đó, có nhiều vướng mắc mà ngân hàng khó có thể tự giải quyết được.

Việc xử lí quĩ đất các doanh nghiệp nhà nước đang quản lí cũng được đại diện Bộ Tài Chính nhắc đến trong phiên họp báo Chính phủ thường kì tháng 5, khi đây là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa còn chậm.

Nếu Agribank có thể tiến hành IPO theo kế hoạch thì đó sẽ là một thành công không nhỏ của ngân hàng và hỗ trợ lớn từ phía Nhà nước. 

Diệp Bình

Theo Kinh tế & Tiêu dùng, Vietnambiz

Từ khóa: