Sự kiện hot
12 năm trước

Cổ phiếu “hạng lông” không ngừng tăng giá

Nhiều cổ phiếu trước đây được xem là cổ phiếu rau, cổ phiếu trà đá thì nay thành hàng nóng. Đằng sau đó không ít vấn đề phải quan tâm.

Nhiều cổ phiếu trước đây được xem là cổ phiếu rau, cổ phiếu trà đá thì nay thành hàng nóng. Đằng sau đó không ít vấn đề phải quan tâm.

Bất ngờ cổ phiếu chứng khoán, BĐS

Chỉ cách đây chưa đầy 6 tháng, thật khó có ai nghĩ rằng TTCK Việt Nam lại phục hồi nhanh đến như vậy. Đặc biệt, sự phục hồi ngoạn mục của nhiều cổ phiếu chứng khoán và bất động sản vốn đã bị vùi dập xuống bùn đen khiến nhiều người thực sự bất ngờ.

Bất chấp áp lực chốt lời trên TTCK khiến hai sàn mất điểm về cuối phiên trong ngày 18/4/2012, cổ phiếu APS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (HNX) đã quay trở lại tình trạng tăng trần với dư mua rất lớn.

Chốt phiên 18/4, APS tăng hết biên độ (+6,2%) lên 5.100 đồng/cp với dư mua 450.000 cổ phiếu. Điều đáng nói là mức giá hiện tại đã cao gần gấp 3 lần so với thời điểm giữa tháng 2/2012, tức chỉ trong khoảng hai tháng qua.

Đây là điều chắc không nhiều người dự đoán được vào thời điểm cuối năm trước bởi đơn giản là APS không phải là một CTCK thực sự lớn và đã bị lún sâu vào bùn đen theo sự đi xuống chung của TTCK trong năm vừa qua.

Riêng trong năm 2011, APS thua lỗ gần 92 tỷ đồng và trước đó năm 2008 cũng lỗ trên 77 tỷ đồng. Tính tổng từ khi hoạt động, APS vẫn bị thâm hụt vào VCSH khoảng 80 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu chứng khoán lớn khác cũng đã trở thành điểm nóng của TTCK trong hai ba tháng qua cho dù thua lỗ nặng nề trong những năm gần đây như: SBS tăng từ 2.800 đồng (hồi đầu tháng 1/2012) lên 7.300 đồng (ngày 18/4); BVS tăng từ 8.000 đồng lên 16.500 đồng (16/4); VND tăng từ 6.000 đồng lên 13.800 đồng (16/4)...

Tất cả các cổ phiếu chứng khoán lớn này đều lỗ trong vài năm vừa qua. VND lỗ gần 203 tỷ (trên vốn điều lệ 999 tỷ đồng) trong năm 2011; BVS lỗ gần 100 tỷ trong 2011 và lỗ 93 tỷ trong 2010; SBS lỗ 609 tỷ trong năm 2011 (trên tổng vốn 1.266 tỷ đồng).

Nhiều cổ phiếu chứng khoán quy mô nhỏ hơn và thua lỗ cũng có mức tăng ấn tượng như: ORS (lỗ gần 33 tỷ trong 2011 và 116 tỷ trong 2008) có giá tăng từ 1.300 đồng lên 4.600 đồng/cp (ngày 16/4); HPC (lỗ 95 tỷ trong 2011, 49 tỷ đồng trong 2010 và 120 tỷ trong 2008) có giá tăng từ 2.800 đồng lên gần 6.000 đồng/cp; AVS (lỗ 40,6 tỷ trong 2011 và 172 tỷ trong 2008) tăng từ 2.800 đồng lên 5.600 đồng/cp...

Với các cổ phiếu bất động sản và xây dựng, tình trạng tương tự cũng đã diễn ra. Nhiều mã có kết quả kinh doanh bi đát trong năm 2011 và đối mặt với nguy cơ phá sản do thiếu vốn và lãi suất ngân hàng cao cũng đã có sự phục hồi ấn tượng về giá cho dù tình hình thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển biến.

Cổ phiếu SDB đã tăng gần 2 lần lên 4.200 đồng (ngày 18/4) cho dù lỗ gần 29 tỷ đồng (vốn 110 tỷ) trong năm 2011; V11 tăng từ 1.800 đồng lên 3.000 đồng (năm 2011 lỗ 19,3 tỷ đồng/vốn là 100 tỷ); PSG tăng từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng (năm 2011 lỗ hơn 87 tỷ/vốn 350 tỷ đồng)...

Lợi hay hại?

Sau đợt sóng đầu tiên dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, TTCK trong giai đoạn gần đây đang được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nhóm ngành chứng khoán, bất động sản, khai khoáng...

Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản tiếp tục trở thành điểm nóng bỏng của TTCK cho dù đa số các doanh nghiệp này trước đó vài tháng còn khó khăn tột độ.

Sự phục hồi của các cổ phiếu nói riêng và TTCK nói chung chủ yếu là do các tình hình vĩ mô đã được cải thiện đáng kể trong vài tháng gần đây, trong đó nổi bật nhất là lạm phát liên tục giảm xuống. Nhiều khả năng chỉ trong tháng 4 này, lạm phát sẽ xuống chỉ còn 11% (so với mức trên 20% hồi cuối năm ngoái).

Đợt chứng khoán bùng nổ trở lại từ tuần trước bắt nguồn chủ yếu từ tác động của một loạt chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng như hạ trần lãi suất huy động xuống 12% và cởi nút thắt cho vay bất động sản, tiêu dùng. Tác động của các chính sách này nhằm giải cứu hàng loạt doanh nghiệp nói chung đang đứng trên bờ vực phá sản và vực lại khu vực sản xuất trong nước vốn đang có dấu hiệu đình trệ.

Tất cả những chuyển biến và động thái đó đã khiến cho nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào sự hồi phục ngoạn mục của các doanh nghiệp chứng khoán và bất động sản, bất chấp trước đó có thua lỗ hay đối mặt với nguy cơ phá sản. Kỳ vọng này không phải không có lý.

Đối với các CTCK, TTCK hồi phục có tác dụng kép với các doanh nghiệp này. Giao dịch sôi động cho phép doanh thu của các đơn vị này tăng mạnh. Nhưng quan trọng nhất, có lẽ là những khoản hoàn nhập dự phòng đối với các khoản đầu tư và góp vốn.

Đối với các CTCK, TTCK hồi phục có tác dụng kép với các doanh nghiệp này

Các CTCK đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2012 đều có lãi như AGR (lãi hơn 38 tỷ đồng), VDS (3,2 tỷ đồng), HCM (81 tỷ), KLS (gần 62 tỷ), VND (30,4 tỷ), SSI (246 tỷ), CTS (gần 25 tỷ), VIX (20,3 tỷ), FPTS (35,3 tỷ), BSI (28 tỷ), IVS (1,23 tỷ), SHS (40 tỷ)...

Với các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, kỳ vọng không cao bằng khối chứng khoán nhưng có lẽ với động thái NHNN mở cửa tín dụng gần như hoàn toàn đã nhen nhóm lên hy vọng thị trường bất động sản sẽ sớm tan băng. Một khi các doanh nghiệp bất động sản bán được hàng, giải phóng được tồn kho thì lợi nhuận sẽ đột biến.

Về cơ bản, trong ngắn hạn những động thái nói trên sẽ mang đến một luồng sinh khí mới cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp hồi phục và kênh chứng khoán phát triển là điều đáng mừng, nhưng ở một khía cạnh nào đó nó khiến nhiều người có cảm giác không an tâm về tình trạng thay đổi nóng và tâm lý hào hứng với lợi nhuận lớn từ những khoản đầu tư rủi ro cao, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Trên thực tế, có thể thấy những đồng vốn của xã hội dường như vẫn chưa chảy vào sản xuất. Với lãi suất cho vay phổ biến vẫn rất cao (18-20%) và sức cầu của nền kinh tế thấp thì việc đẩy mạnh sản xuất có lẽ là không phải là lựa chọn của các doanh nghiệp.

Tiền trên thực tế đang qua đường này đường khác chủ yếu vào TTCK và đẩy giá cổ phiếu đi lên.

Hiện tượng chứng khoán tăng mạnh mà không dựa vào sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp rất có thể sẽ khiến các thị trường nhanh chóng mất đà và quay đầu giảm.

Sự phục hồi quá nhanh và đồng loạt, không phân biệt tốt xấu có thể sẽ khiến quá trình thanh lọc hàng hóa trên TTCK (quá trình tái cấu trúc TTCK) trở nên khó khăn hơn.

Với bất động sản, thị trường sôi động trở lại có thể sẽ khiến giá nhà đất tiếp tục được duy trì ở mức cao, vượt khả năng của đa số người dân. Hàng loạt doanh nghiệp làm ăn chộp giật, VCSH ít ỏi, kinh doanh dựa gần như hoàn toàn vào vốn của người dân của ngân hàng theo kiểu "biến không thành có" rất có thể lại có cửa tiếp tục phát triển.

Theo VEF


Từ khóa: