Sự kiện hot
6 năm trước

Cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá quá nhiều?

Chuyên gia chứng khoán cho rằng cổ phiếu ngân hàng tăng giá quá nhiều thời gian qua, lợi nhuận đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Năm 2018, câu chuyện Basel II sẽ là tâm điểm khi hệ số K của các ngân hàng bắt buộc phải cải thiện.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng vượt đỉnh lịch sử ngay đầu năm 2018

Bước sang năm 2018, thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động và thiết lập những kỷ lục mới. Mặc dù VN-Index đã vượt qua đỉnh lịch sử 11 năm đầy ngoạn mục vào phiên 22/3 tại 1.172,36 điểm, nhưng không ít những ý kiến trái chiều cho rằng thị trường đang ở giai đoạn khá rủi ro khi lịch sử cho thấy thị trường giảm mạnh sau khi chạm mốc 1.170,67 điểm của 11 năm về trước.

Thị trường tiếp tục phân hóa mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu khi dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đã đẩy định giá của nhóm này cao vượt trội so với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong đó, ngân hàng được xem là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường.

Từ đầu năm đến nay mặc dù thị trường chứng khoán có nhiều biến động nhưng hầu hết cổ phiếu ngân hàng tăng khá tốt, trừ cổ phiếu KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long và cổ phiếu BAB của Ngân hàng TMCP Bắc Á.

Trong đó, nhóm ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh chiếm thế thượng phong về tốc độ tăng trưởng giá cổ phiếu khi có tới 6/15 ngân hàng có mức tăng lớn hơn 30%.

Nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh có hai ứng cử viên có giá cổ phiếu tăng trưởng trên 30% là BID và CTG.

Đvt: đồng/cp. (Bảng: MA tổng hợp, Nguồn: VNDirect).

Biểu đồ vốn hóa 15 ngân hàng tính tại ngày 23/3 (Minh Anh tổng hợp).

Cụ thể, dẫn đầu về tăng giá của nhóm ngân hàng là cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế. Kết thúc phiên 23/3, VIB đạt 39.000 đồng/cp, tăng gần 72% so với đầu năm, thanh khoản đạt gần 700.000 đơn vị.

Cũng trong giai đoạn này, cổ phiếu VIB đạt đỉnh lịch sử vào ngày 16/3 kể từ khi niêm yết vào đầu tháng 1/2017.

Diễn biến giá cổ phiếu VIB kể từ khi niêm yết (Nguồn: VNDirect)

Đứng thứ hai là cổ phiếu BID của BIDV với mức khá ấn tượng 57%. BID đạt đỉnh lịch sử hôm 22/3 tại mức giá 43.300 đồng/cp sau hơn 4 năm niêm yết.

Bên cạnh đó không thể không nói tới “tân binh” VPB của Ngân hàng VPBank, dù chỉ mới lên sàn HOSE vào quý III/2017 nhưng cổ phiếu VPB đã sự bứt phá mạnh mẽ, liên tục phá đỉnh.

Kết thúc phiên 23/3, thị giá cổ phiếu VPB ở mức 63.700 đồng, tăng hơn 47% so với thời điểm đầu năm.Thanh khoản luôn dao động từ 4 triệu đến 8 triệu đơn vị/ngày.

Diễn biến giá cổ phiếu VPB kể từ khi niêm yết (Nguồn: VNDirect)

Sau nhiều năm tích lũy, cổ phiếu SHB bắt đầu tăng tốc trong vòng ba tháng nay với mức tăng gần 41%.

Chào sàn UPCoM vào đầu hồi tháng 10/2017, cổ phiếu LBP đã có mức tăng tốt nhờ vào kết quả kinh doanh tích cực.

Diễn biến giá cổ phiếu LPB kể từ khi niêm yết (Nguồn: VNDirect)

Đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng còn có cổ phiếu CTG của Vietinbank. CTG phá đỉnh vào phiên 21/3 tại mức giá đóng cửa 36.200 đồng/cp sau 8 năm niêm yết.

Diễn biến giá cổ phiếu CTG kể từ khi niêm yết (Biểu đồ điều chỉnh - Nguồn: VNDirect).

Dù tăng dưới 30% trong 3 tháng đầu năm nay nhưng VCB cũng gây chú ý khi lập đỉnh lịch sử ngay trong năm 2018 này vào ngày 16/3 tại mốc 74.700 đồng/cp, sau gần 8 năm niêm yết.

Diễn biến giá cổ phiếu VCB kể từ khi niêm yết (Biểu đồ điều chỉnh - Nguồn: VNDirect).

Basel II sẽ là tâm điểm chính ngành ngân hàng 2018

Chia sẻ tại “ Hội thảo: Dòng tiền thông minh sẽ chảy vào đâu?”, ông Nguyễn Hoàng Phương, Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm đến nay có mức tăng tốt và là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường nhờ vào kết quả kinh doanh khá tốt, hầu hết các ngân hàng thương mại đều ghi nhận lợi nhuận năm 2017 tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ông Phương nhận định việc tăng giá quá nhiều của nhóm cổ phiếu này chính là rủi ro cho nhà đầu tư, lợi nhuận đã phản ánh vào giá cổ phiếu.

Đối với nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh, lợi nhuận vẫn cần thời gian để phản ánh vào giá, còn với Ngân hàng Nhà nước thì mặt bằng định giá vẫn thấp hơn so với ngân hàng tư nhân.

Trong giai đoạn này, ông Phương cho rằng nhà đầu tư nên chuyển từ đầu cơ sang đầu tư đối với nhóm ngân hàng. Trường hợp đầu cơ, phải cố gắng theo dõi sát sao thị trường, dòng tiền để giảm dần sự phụ thuộc vào đòn bẩy.

Bổ sung quan điểm của ông Phương, ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, ngân hàng được xem là nhóm mang tính chất dẫn dắt thị trường. Năm 2018, câu chuyện Basel II sẽ là tâm điểm khi hệ số K của các ngân hàng bắt buộc phải cải thiện.

Các ngân hàng đang có sự dịch chuyển sang mảng bán lẻ với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như VPBank, VietinBank... Đồng thời, Nghị định 42 về nợ xấu sẽ giúp các ngân hàng giải quyết vấn đề chi phí, tốc độ giải quyết nợ xấu. Việc nhận được khoản dự phòng có thể sẽ được sử dụng vào mảng bán lẻ, kích thích tăng trưởng.

Minh Anh
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: