Sự kiện hot
12 năm trước

Cổ phiếu ngân hàng diễn biến theo 3 nhóm

Trước thời điểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thực hiện IPO, giới đầu tư đang tập trung theo dõi diễn biến của các cổ phiếu ngân hàng.

Trước thời điểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thực hiện IPO, giới đầu tư đang tập trung theo dõi diễn biến của các cổ phiếu ngân hàng.

Thời gian qua, giá cổ phiếu của Vietcombank được duy trì khá ổn định quanh mức 20.000 - 21.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh: Đức Thanh

Hiện tại, trên cả 2 sàn giao dịch chứng khoán có 9 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) niêm yết, gồm Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), Ngân hàng Nhà Hà Nội (HBB), Ngân hàng Nam Việt (NBB), Ngân hàng  Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB), Ngân hàng Quân đội (MBB) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Bà Trần Thị Thu Thanh, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận xét, với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi xem xét biến động về giá của 1 cổ phiếu nào đó cần phải nhìn vào biến động của giá cổ phiếu trong mối tương quan với các cổ phiếu khác cùng loại (của các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực) và so với diễn biến chung của thị trường.

Trong những phiên giao dịch vừa qua, dựa theo diễn biến, có thể chia các cổ phiếu ngân hàng thành 3 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất gồm một số cổ phiếu giữ giá ổn định, hầu như không có nhiều biến động; nhóm thứ hai gồm một số cổ phiếu lại có sự ngược dòng khá ngoạn mục trước đà suy thoái chung của thị trường. Trong khi đó, nhóm còn lại chịu sự giảm giá chung của thị trường.

Nhóm thứ nhất, gồm 3 cổ phiếu lớn như CTG, VCB và MBB. Cụ thể là, cổ phiếu CTG chỉ dao động loanh quanh mốc 17.000 đồng/cổ phiếu, còn cổ phiếu VCB chỉ xê dịch trong khoảng 20.000 - 21.000 đồng/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu MBB hầu như luôn duy trì ở mức giá ổn định trên dưới 11.000 đồng/cổ phiếu.

Ở nhóm này, 2 cổ phiếu CTG hay VCB luôn được nhà đầu tư chú ý hơn cả, nhất là trước khi BIDV đấu giá cổ phiếu, bởi 3 ngân hàng này có khá nhiều nét tương đồng. Thời gian qua, cả CTG và VCB đều bán được cổ phần của mình cho nhà đầu tư nước ngoài, với giá cao hơn giá giao dịch trên thị trường. Theo đó, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đã mua 10% cổ phần của CTG, trong khi Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản đã đầu tư để sở hữu 15% cổ phần của VCB.

Ở nhóm thứ 2, nhiều cổ phiếu ngân hàng có quy mô trung bình lại tăng giá khá ấn tượng, bất chấp giai đoạn này vẫn nằm trong chu kỳ suy thoái chung của toàn thị trường. Chẳng hạn, cổ phiếu EIB được coi là một trong số những cổ phiếu chiến thắng thị trường thời gian qua, bởi nếu như cách đây nửa tháng, giá cổ phiếu này chỉ vào khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu thì đến hết phiên giao dịch ngày 26/12, giá EIB đã là 14.200 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu STB cũng có được đà đi lên khá tốt, khi đầu tháng 12 vừa qua, giá cổ phiếu này vẫn chỉ ở mức xung quanh 14.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đến nay, giá đã là 15.300 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu STB ít nhiều có được sự hỗ trợ từ việc STB và Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, hai bên thỏa thuận sẽ hợp tác trên cơ sở tạo quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ để cùng phát triển. Trên nền tảng của sự hợp tác này, STB có thêm điều kiện để phát triển những sản phẩm - dịch vụ ngân hàng hiện đại và tối ưu hơn để cung ứng cho thị trường.

Trong khi đó, cổ phiếu ACB trong tháng 12 cũng đã tăng từ mốc hơn 19.000 đồng/cổ phiếu lên mức  hơn 21.000 đồng/cổ phiếu hiện nay. Mới đây, HĐQT Ngân hàng này đã nhất trí thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2011 đợt 1 bằng tiền mặt với tỷ lệ tới 20% mệnh giá, thời gian chốt danh sách cổ đông sẽ là ngày 5/1/2012.

Các cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm giảm giá có cổ phiếu HBB, SHB. HBB đã giảm từ khoảng 5.400 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 12, xuống chỉ còn 4.200 đồng/cổ phiếu hiện nay. Tương tự, cùng trong thời gian trên, cổ phiếu SHB cũng giảm từ khoảng 6.500 đồng/cổ phiếu  xuống mức 5.400 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch 26/12.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc giảm giá của một số cổ phiếu ngân hàng cũng không quá xấu, vì việc giảm hoàn toàn nằm trong bối cảnh chung của thị trường. Cụ thể, chỉ số VN-Index đầu tháng 12 ở mốc trên 380 điểm, nhưng đến ngày 26/12, chỉ còn 352,68 điểm.

Chí Tín
Theo Dau tu


Từ khóa: