Sự kiện hot
6 năm trước

Cổ phiếu Nhựa Bình Minh phản ứng tích ra sao trước tin SCIC thoái vốn?

Trước và sau những thông tin về động thái thoái vốn của SCIC, cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP) liên tục có những biến động tăng giảm. Thị giá BMP đang ở vùng cao lịch sử, P/E của doanh nghiệp cũng thuộc top đầu ngành.

Chào bán cổ phần, BMP có rơi vào tay người Thái?

Sáng ngày 28/2, SCIC thông báo giá chào bán 29,5% vốn cổ phần tại CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) với giá 96.500 đồng/cp, ước tính SCIC thu về gần 2.300 tỷ đồng. Thời gian chính thức chào bán vào ngày 9/3/2018.

SCIC đang là cổ đông nắm giữ nhiều cổ phần nhất. Kế đến là The Nawplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd với 16,7 triệu cổ phần (tương ứng 20,4% vốn) và quỹ Templeton Frontier Markets Fund (FTIF) với 8,8 triệu cổ phần (tương ứng 10,8% vốn).

Ba cổ đông lớn trên chiếm tới hơn 60% vốn tại BMP. Ngoài ra, một cổ đông đáng chú ý khác tại BMP còn có quỹ Vietnam Holding Limited nắm 3,3% vốn; Frontaura Global Frontier Fund LLC nắm 2% vốn; Chủ tịch Hội đồng Lê Quang Doanh nắm giữ 1,3% vốn.

CTCP Nhựa Bình Minh (ảnh minh họa)

Hơn 1 năm qua, những cổ đông này đều không có biến động về giao dịch. Hồi háng 9/2017, BMP nới room ngoại lên 100% nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư ngoại có thể tham gia mua cổ phần BMP khi SCIC thoái vốn.

Đây có thể xem là cơ hội cho các doanh nghiệp nhựa như The Nawplastic từ Thái Lan tăng quyền sở hữu của mình tại BMP, qua đó tăng thị phần tại Việt Nam khi mà trước đó BMP nằm trong tình trạng kín room ngoại.

Năm 2012, doanh nghiệp nhựa Thái Lan này chi 350 tỷ đồng mua hơn 7,1 triệu cổ phần BMP. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 27/2/2018 với thị giá 92.000 đồng/cp thì số cổ phần BMP này có giá trị 1.500 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với thời điểm đầu tư ban đầu.

Cổ phiếu biến động

Xét riêng quãng thời gian xuất hiện tin thoái vốn từ SCIC vào nửa cuối năm 2016 thì đến đầu năm 2017, cổ phiếu BMP liên tục tăng giá. Sau đó dấu hiệu tăng chững lại và có xu hướng giảm sâu đến thời điểm tháng 11/2017. Khi có thông tin thoái vốn chính thức, BMP bật tăng trở lại khoảng 32% tính đến cuối 2017.

Một lần nữa, cổ phiếu BMP giảm dần khi SCIC không thực hiện thoái vốn vào tháng 12/2017 như dự kiến ban đầu. Đà tăng trở lại sau khi SCIC chính thức công bố thực hiện chào bán vào ngày 9/3 tới.

Ghi nhận từ thông báo vào ngày 12/2 đến nay, BMP tăng gần 14%. Trong đó phiên ngày 13/2 phản ứng rõ rệt nhất khi BMP tăng trần với thanh khoản tăng đột biến gần 1,4 triệu đơn vị. Riêng giao dịch ngày 28/2, BMP tăng 2% lên 93.800 đồng/cp ngay sau khi SCIC công bố giá chào bán khởi điểm chính thức.

Diễn biến giá cổ phiếu BMP tính từ tháng 6/2016 đến nay (nguồn: VNDirect)

So với với doanh nghiệp cùng ngành là CTCP Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP) cũng là một trong những doanh nghiệp mà SCIC dự kiến sẽ thoái vốn với hơn 33 triệu cổ phần (tương ứng 37,1% vốn).

Mã này đã có bước chạy đà rất tích cực liên quan đến thông tin thoái vốn. Xét riêng năm 2017, NTP tăng và đạt đỉnh (theo giá điều chỉnh) vào tháng 12/2017. Sau khi lùi thời hạn thoái vốn, NTP có xu hướng giảm với khoảng 22%.

Diễn biến giá cổ phiếu NTP từ đầu năm 2017 đến nay (nguồn: VNDirect)

Đang ở mốc vàng son, Nawaplastic toan tính gì khi thoái vốn Nhựa Tiền phong?

Kì vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng?

Thông tin thoái vốn từ SCIC phần nào đó đã phản ánh lên thị giá BMP. Tuy nhiên, 2017 là năm ghi nhận việc BMP đứt mạch tăng trưởng lãi ròng sau nhiều năm.

Năm 2017, trong bối cảnh giá hạt nhựa tăng cao cùng với cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp khác, BMP đã tăng 4% mức chiết khấu phổ thông cho khách hàng từ quý II/2017 và tăng tiếp 4% trong tháng 10,11/2017 gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của cả năm.

Công ty đạt doanh thu thuần hơn 3.824 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2016. Song do chi phí giá vốn và chi phí tài chính tài chính tăng cao khiến lãi ròng giảm 25% còn 471 tỷ đồng. Đánh dấu kết thúc 9 năm liên tục tăng trưởng lợi nhuận của BMP.

Diễn biến lợi nhuận sau thuế của BMP 10 năm trở lại đây. (Nguồn: Minh Đăng tổng hợp).

Tính đến hết ngày 31/12/2017, tổng tài sản hơn 2.865 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền 445 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng tài sản. Khoản tiền gửi có kỳ hạn là 450 tỷ đồng.

Nguồn vốn tài trợ chủ yếu là vốn chủ sở hữu với hơn 2.455 tỷ đồng, chiếm gần 86% cơ cấu vốn. Đáng chú ý, công ty không có vay nợ dài hạn. Vay nợ ngắn hạn gần 410 tỷ đồng và giảm khoảng 31% so với đầu năm. Như vậy, chỉ tính riêng khoản tiền và tương đương tiền, BMP đã có thể đủ bù đắp toàn bộ khoản nợ phải trả của mình.

Một điểm khác, hàng tồn kho giảm hơn 19% so với đầu năm còn gần 385 tỷ đồng. Thành phẩm tồn kho đã được công ty thực hiện tiêu thụ và giảm gần một nửa sau một năm còn gần 98 tỷ đồng.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý IV/2017 (đơn vị: tỷ đồng)

BMP đắt hay rẻ so với các doanh nghiệp cùng ngành?

Dù lợi nhuận giảm 25% nhưng xét trên toàn ngành nhựa niêm yết, BMP vẫn là doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao so với AAA (CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát) đạt 263 tỷ đồng, DNP (CTCP Nhựa Đồng Nai) đạt 72,8 tỷ đồng, DAG (CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á) đạt 61,8 tỷ đồng và chỉ kém đôi chút với NTP khi doanh nghiệp này đạt 492,5 tỷ đồng.

Với EPS tính trong 4 quý năm 2017 đạt 5.758 đồng, P/E theo thị giá hiện tại của BMP vào khoảng 16,3 lần. Ở mức cao nhất trong ngành khi P/E của các mã khác là AAA, DNP, DAG, NTP ở mức lần lượt khoảng 8,9; 9; 6,8 và 12,4 lần.

Minh Đăng
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: